Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Tính chính đáng & nhân văn của cuộc cách mạng

74 năm đã trôi qua từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng đọc lời Tuyên ngôn Độc lập nhưng tư tưởng nhân văn, cách mạng ấy đến nay vẫn gợi nhiều suy nghĩ.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945

1. Cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi, Cách mạng tháng Tám 1945 thành công là một dấu mốc lịch sử ghi nhận sự chuyển đổi căn bản trong xã hội so với tất cả các thế kỷ trước đó của lịch sử dân tộc.

Đó là sự xác lập nền Dân chủ Cộng hòa của nước Việt Nam độc lập. Cuộc cách mạng thành công nhanh chóng, trọn vẹn, kịp thời cơ và hầu như không đổ máu tự nó đã nói lên ý chí và sự đồng lòng quyết tâm của toàn thể Nhân dân quyết giành lại độc lập dân tộc và vươn tới tự do.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về Cách mạng tháng Tám: “Cách mạng ở đâu thành công cũng phải đổ máu nhiều. Có nước phải chặt đầu vua. Có nước đồng bào chia đảng phái chém giết nhau liên tiếp trong bao nhiêu năm. Nước ta vua tự thoái vị, các đảng phái không có mấy. Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối, muôn dân đoàn kết để mưu cầu hạnh phúc chung là nước nhà hoàn toàn độc lập và chống được giặc xâm lăng, đuổi thực dân tham ác ngoài bờ cõi”.

Ngày Quốc khánh 2/9/1945, trong Tuyên ngôn Độc lập trang trọng đọc trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích những lời bất hủ trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Từ “những lẽ phải không ai chối cãi được” đó, Người khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Và “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!” (Tuyên ngôn Độc lập). Tính chính đáng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đã được khẳng định như vậy.

2. Không phải ngẫu nhiên Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn trích dẫn hai bản Tuyên ngôn của Mỹ và của Pháp trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những điều được Người trích dẫn là những chân lý, mang giá trị phổ quát. Đó là những tinh hoa văn hóa đã được cả thế giới thừa nhận. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng uyên bác và đầy tinh thần khoan dung. Điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh trong và ngoài nước khẳng định.

Ông Pet-ghi-dap-nhơ viết trên tờ Diễn đàn (Mỹ): “Cụ Hồ Chí Minh là một người yêu mến văn hóa Pháp trong khi chống thực dân Pháp, một con người biết coi trọng những truyền thống cách mạng Mỹ khi Mỹ phá hoại đất nước của Cụ”. Nhà nghiên cứu Mỹ David Halberstam viết: “Cụ Hồ Chí Minh chẳng những đã giải phóng đất nước mình, đã thay đổi chiều hướng của chế độ thuộc địa ở châu Á lẫn châu Phi mà cụ còn làm được một điều đáng chú ý hơn: dùng tới văn hóa và tâm hồn kẻ địch để chiến thắng”.

Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấy hiện diện sự kế thừa và nâng cao những truyền thống nhân ái, khoan hòa, đặc tính mềm dẻo, năng động, chấp nhận những yếu tố mới của văn hóa Việt Nam. Người nhiều lần khẳng định (đại ý): Chúng ta kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng không chống lại những giá trị văn hóa của nhân dân Pháp, chống đế quốc Mỹ nhưng vẫn trân trọng những truyền thống văn hóa - cách mạng Mỹ. Người còn chỉ rõ những lý tưởng chung của các dân tộc dù còn đang đối địch.

Trong Thư gửi những người Pháp ở Đông Dương (20/10/1945), Người viết: “Các bạn yêu nước Pháp của các bạn và muốn nó độc lập… Nhưng chúng tôi cũng phải được phép yêu nước của chúng tôi và muốn nó độc lập chứ! Chúng tôi cũng phải được phép yêu đồng bào chúng tôi và muốn họ được tự do chứ! Cái mà các bạn coi là lý tưởng cũng phải là lý tưởng của chúng tôi”.

3. Độc lập tự do là quyền dân tộc thiêng liêng. Nhân dân Việt Nam đã không tiếc hy sinh, kiên cường đấu tranh để giành lại quyền độc lập tự do của dân tộc. “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập” (Tuyên ngôn Độc lập).

Quyền độc lập dân tộc là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Trong quyền độc lập dân tộc hàm chứa đầy đủ quyền của Nhân dân tự quyết định vận mệnh đất nước, quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ chống lại những âm mưu xâm lược và chia cắt. Bất cứ thế lực xâm lược nào từ bên ngoài đều bị giáng trả, bất cứ kẻ phá hoại nào từ bên trong đều bị trừng trị.

Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Toàn thể dân tộc Viêt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền độc lập ấy”. Khi Nhân dân Việt Nam buộc phải đứng lên cầm vũ khí bảo vệ nền độc lập mới giành lại được của mình, Người lại một lần nữa khẳng định trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Hôm nay, chúng ta vẫn tiếp tục lý tưởng đó, truyền thống đó với niềm tự hào và quyết tâm cao. Trong bối cảnh mới, Việt Nam muốn làm bạn và là đối tác tin cậy với tất cả các nước, chủ động hội nhập, hợp tác để cùng phát triển trên cơ sở các công pháp quốc tế, đồng thời kiên quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chúng ta luôn khẳng định lý tưởng độc lập dân tộc trong mối quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước, góp phần xây dựng nền hòa bình và thịnh vượng chung.

Bài: TS. NGÔ VƯƠNG ANH - Ảnh: TL

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/tinh-chinh-dang-nhan-van-cua-cuoc-cach-mang-a76646.html