Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Tình hữu nghị sinh viên Việt – Lào

TTH - Trong 20 năm qua, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chứng kiến hình ảnh những bạn sinh viên Lào vui tươi, hòa đồng, nỗ lực học tập cùng các sinh viên Việt Nam. Đó là minh chứng cho tình bạn khăng khít giữa hai nước láng giềng.

Các bạn lưu học sinh Lào tham gia ngày hội văn hóa Việt Nam - Lào - Nhật Bản - Anh năm 2022

Các bạn lưu học sinh Lào tham gia ngày hội văn hóa Việt Nam - Lào - Nhật Bản - Anh năm 2022

Những người bạn chân thành

Tôi vẫn còn nhớ anh bạn Phongsavath, lưu học sinh (LHS) Lào từ tỉnh Salavan, với nụ cười hiền và có phần kiệm lời. Những năm tháng trải qua cùng nhau trên giảng đường Trường đại học Khoa học, Đại học Huế, tôi nhiều lần được dịp chứng kiến sự thân thiện, chân thành của anh cùng những người bạn Lào.

Lúc bấy giờ, anh lớn hơn chúng tôi vài tuổi, suy nghĩ có phần chín chắn và trưởng thành hơn. Biết rằng mình không giỏi tiếng Việt, nhưng với quyết tâm học tập để trở về phục vụ quê hương, anh thường rủ tôi đến thư viện học bài. Những bận tôi đau ốm phải nghỉ học, anh thường ghi chép bài thật cẩn thận rồi gửi sang để tôi không bị hổng kiến thức, không quên chúc tôi mau khỏe để “lên lớp chỉ bài cho Bo (tên thân mật của anh) với, Bo không giỏi nên nhớ giúp đỡ Bo với nha". Dịp Tết Bunpimay của Lào, anh không quên mời tôi và các bạn sinh viên Việt Nam về ký túc xá của LHS Lào tại Nam Vỹ Dạ để liên hoan, cũng như cột vào tay tôi vòng chỉ cầu bình an, sức khỏe và hạnh phúc.

Giống như Phongsavath, Thavone Ssv, cựu LHS Lào từng học tập tại Huế cũng có không ít kỷ niệm với mảnh đất Cố đô đầy thơ mộng. “Tôi còn nhớ những ngày đầu tại Việt Nam với nhiều bỡ ngỡ, nhiều điều mới lạ khi sống ở nơi đất khách quê người, lắm lúc khiến tôi cảm thấy buồn. Tuy nhiên, những người bạn Việt Nam với sự thân thiện, nhiệt tình đã giúp tôi cảm thấy ấm áp như đang ở nhà”, Thavone chia sẻ. Anh cho biết, 5 năm sống tại Huế, cùng học, cùng chơi với các bạn sinh viên Việt Nam là quãng thời gian rất hạnh phúc: “Học tập cùng các bạn Việt Nam, tôi luôn luôn được cảm thông, được hướng dẫn tận tình, được trau dồi thêm vốn ngôn ngữ. Hơn thế nữa, trong sinh hoạt hằng ngày, những người bạn Việt Nam cũng giúp đỡ tôi và các bạn Lào khác rất nhiều. Tôi đã có dịp cùng các bạn đi Đại Nội, chùa Thiên Mụ, phá Tam Giang… và rất nhiều những địa danh, di tích lịch sử tại Huế cùng các bạn. Điều đó đã giúp tôi thoát khỏi sự cô đơn vì xa nhà, bỡ ngỡ về văn hóa để chuyên tâm học tập”.

Tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác hữu nghị

Thực hiện nội dung các văn bản thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với các tỉnh Nam, Trung nước CHDCND Lào và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm học 2002-2003, Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế tiếp nhận 69 LHS Lào đầu tiên của 3 tỉnh Salavan, Champasac, Attapu để đào tạo tiếng Việt. Trong các năm học tiếp theo, trường tiếp nhận thêm lưu học sinh của các tỉnh Khammuon, Sekong, Savanakhet, Viengchan. Từ đó đến nay, trải qua 20 năm tiếp nhận quản lý và đào tạo LHS Lào, Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế đã đào tạo tiếng Việt cho 6 tỉnh Nam, Trung Lào và Viengchan với tổng số 1.325 LHS. Trong đó, đã có hơn 450 LHS đã tốt nghiệp và về nước để phục vụ quê hương.

Các bạn LHS Lào sang Việt Nam du học sẽ được đào tạo tiếng Việt trong vòng 1 năm, sau đó dựa vào trình độ ngôn ngữ và nguyện vọng của các bạn để chọn trường đại học, cao đẳng phù hợp. Bên cạnh đó, Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế đã thực hiện quản lý chặt chẽ, hiệu quả các bạn LHS Lào sang học tập; thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, hỗ trợ thiết thực các hoạt động học tập cho LHS Lào tại Thừa Thiên Huế. Điều đó giúp các bạn vượt qua khó khăn, hòa nhập với cuộc sống mới.

Bên cạnh những thuận lợi, cuộc sống của các bạn sinh viên Lào đang học tập tại Huế vẫn còn những khó khăn. Theo thầy giáo Phan Thế Hữu Tố, giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm, rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa và xa gia đình được xem là những khó khăn lớn nhất trong quá trình sinh hoạt và đào tạo học tập đối với các bạn LHS Lào. Ngoài ra, giai đoạn những năm gần đây diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn do thiên tai, bão lụt xảy ra liên tục. Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình ăn, ở, sinh hoạt và học tập của LHS Lào. Tuy vậy, vượt lên khó khăn, các bạn LHS Lào đang học tập tại Huế vẫn đang từng bước nỗ lực học tập, rèn luyện để nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, rèn luyện phát triển các kỹ năng nghề nghiệp của bản thân trong cuộc sống cũng như xây dựng hình ảnh đẹp về con người, đất nước bạn Lào.

“Trong giai đoạn 2022 - 2030, Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục nỗ lực hơn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo LHS Lào. Một số giải pháp được đưa ra như tăng cường các điều kiện hỗ trợ để tổ chức tốt việc dạy tiếng Việt; tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt có chất lượng cho LHS Lào tại trường; phối kết hợp chặt chẽ với Đại học Huế và các trường đại học thành viên, các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh trong việc theo dõi nề nếp, kết quả học tập của LHS Lào; tăng cường công tác giao lưu giữa các đơn vị đào tạo; tạo thêm sân chơi cho LHS Lào qua đó tăng cường khả năng học tiếng Việt chuyên ngành…”, TS. Hồ Văn Thành, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Sư phạm Huế chia sẻ.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/tinh-huu-nghi-sinh-vien-viet-lao-a117122.html