Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Trả nợ thiên nhiên - cần hành động
Tôi muốn nói về các mảng xanh đường phố, cái đẹp của dòng sông, màu đỏ của hoa phượng… rồi nói về chuyện bao vở học sinh là nghĩ rằng chúng có liên quan với nhau ở một điểm – môi trường.
Năm học mới cũng sắp bắt đầu. Hoa phượng gắn với tuổi học trò vẫn còn đỏ rực sân trường, đường phố. Chả hiểu vì sao cái màu hoa đỏ này gắn với tuổi học trò! Nhìn dọc sông Hương, ven sông An Cựu, những mảng xanh của cây thi thoảng điểm một vài khóm đỏ. Phải nói là đẹp. Đáng yêu lắm thành phố này – thành phố xanh. Xanh nhưng không xanh ngắt - đầy hồn cốt, “thần thái”…
Mở facebook thấy một dòng trạng thái của người quen, kể câu chuyện về bọc vở cho con đến hai lần. Đại ý câu chuyện kể rằng, “hồi xưa”, tức là cái thời của người bố trẻ bây giờ, mỗi lần vào năm học mới, cha mẹ gom giấy báo hoặc vỏ bao xi măng bao vở cho con. Giờ thì tiện lợi, lên hiệu sách mua bao nilon đúng kích cỡ về bỏ sách vở vô là xong.
Nhưng mà không xong. Con mới đến lớp thì cô giáo chủ nhiệm bảo về thay bao vở bằng giấy mới được. Lời kể cũng có “hồn cốt” nhưng ẩn ý phàn nàn. Đọc thử vài comment (bình luận) thấy cũng có những ý kiến trái chiều.
Tôi muốn nói về các mảng xanh đường phố, cái đẹp của dòng sông, màu đỏ của hoa phượng… rồi nói về chuyện bao vở học sinh là nghĩ rằng chúng có liên quan với nhau ở một điểm – môi trường. Muốn có một môi trường đẹp, tốt hơn và nhất thiết chúng ta phải nghĩ và hành động, dù là điều nhỏ nhất. Không có cái gì mong muốn mà có được tức thì. Có những thứ cần thời gian và có khi cần rất nhiều thời gian. Như là chuyện cải thiện và bảo vệ môi trường. Cách so sánh như thế này sẽ không đi đến đâu: ở ngoài chợ họ sử dụng đầy bao nilon ra đấy, sao không cấm mà cấm các cháu bao vở? So với bao nilon ngoài chợ và các của hàng sử dụng một lượng “khổng lồ” thì những cái bao vở cùng lắm là của mấy trăm ngàn học sinh có đáng là bao? Tại sao chúng ta lại không nghĩ ngược lại: trước tiên là động viên, giải thích cho các cháu hiểu rằng, nếu các cháu bao vở bằng giấy thì cũng là một hành động góp phần bảo vệ môi trường. Chuyện ngoài chợ sử dụng bao nilon rồi cũng sẽ phải thay đổi, nhưng trước tiên, trong tầm tay, các cháu có thể thay đổi trước .
Viết đến đây lại nhớ mới rồi, có một cháu bé viết một lá thư gửi nhà trường, đề nghị khai giảng năm học mới này nhà trường không nên để học sinh thả bong bóng bay lên trời. Vì cháu sợ rằng bong bóng bay sẽ trôi ra biển. Nhiều động vật biển tưởng là thức ăn chúng sẽ ăn vào và gây ra cái chết.
Một bài viết trên Thời báo Kinh tế Sài gòn cho biết: “Một tổ chức quốc tế về phát triển bền vững là Global Footprint Network dựa trên khái niệm “Vết sinh thái” đã đưa ra cột mốc “Earth Overshoot Day” (tạm dịch “Ngày mắc nợ Trái đất”). Đó là lúc nhu cầu hàng năm của con người vượt qua khả năng hệ sinh thái địa cầu có thể sản xuất ra trong năm. Theo Global Footprint Network, nhân loại chưa hết hy vọng nếu họ thực sự hành động. Chẳng hạn, nếu con người giảm phân nửa lượng thịt họ ăn, họ sẽ đẩy lùi “Ngày mắc nợ Trái đất” được nửa tháng; hay giảm phân nửa lượng CO2 thải ra, ngày không ai muốn này sẽ lùi ba tháng. Nếu ngày ấy lùi được năm ngày mỗi năm, nhân loại sẽ trả đủ gốc lẫn lãi cho thiên nhiên vào năm 2050…”.
Nêu những mẩu chuyện nhỏ này để nói rằng, chúng ta bảo vệ, hoặc cứu vãn môi trường sống của chúng ta. Việc trả lại món nợ thiên nhiên cũng phụ thuộc vào chính hành động của chúng ta, dù là những hành động nhỏ nhất. Không bao vở bằng bìa nilon không phải là không có cái khác để thay thế; không dùng túi nhựa thì có loại túi dễ phân hủy, thân thiện với môi trường. Không ăn đạm động vật thì có đạm thực vật… Có cái để thay thế, tại sao chúng ta không hành động vì chính môi trường sống của mình?
Tôi vẫn thấy, người không mắc nợ vẫn sướng hơn người mắc nợ. Chúng ta đã “vay mượn” thiên nhiên, giờ là lúc chúng ta nên trả lại.
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/tra-no-thien-nhien-can-hanh-dong-a76010.html