Chính trị - Xã hội 'Tự chuyển hóa'... khi nghỉ hưu
TTH - Thực tế hiện nay ở cấp cơ sở, một số cán bộ về hưu đã có biểu hiện phát ngôn và việc làm thiếu chuẩn mực, trái quan điểm của Đảng, thậm chí có người 'trở cờ' quay lại chống chế độ. Đó là vấn đề đáng quan tâm trong công tác quản lý, giáo dục đảng viên sau khi nghỉ công tác.
Từ động cơ cá nhân
Đó là hiện tượng một số người làm việc trong cơ quan nhà nước, thậm chí giữ chức vụ cao khi mới nghỉ hưu đã bắt đầu quay lại nói xấu cơ quan cũ, nói xấu lãnh đạo và phê phán chính sách của Nhà nước. Họ chê bai cán bộ đương chức bằng những phát ngôn hàm ý mỉa mai, đánh giá thiếu thiện cảm về trình độ, năng lực, đời tư... Không ít kẻ dựng chuyện không đúng sự thật về cán bộ lãnh đạo các cấp, lãnh đạo cấp cao (dù không biết gì về họ). Những người vi phạm bị kỷ luật, bị cho nghỉ trước tuổi cho rằng vì ê kíp, không hợp gu lãnh đạo, dám phê phán cấp trên… nên bị kỷ luật cho “bõ ghét”...
Có số cán bộ được cho nghỉ vì độ tuổi không đủ nhiệm kỳ, do sắp xếp lại tổ chức... bộc lộ không đồng tình quyết định của cấp trên. Họ đưa ra những câu chuyện phê phán về chính sách cán bộ, cho rằng bị “vắt chanh bỏ vỏ”, “không trọng dụng nhân tài”…
Ngoài ra, có người vô nguyên tắc đưa ra những câu chuyện được cho là “thâm cung bí sử” nội bộ, những vấn đề thuộc bí mật Nhà nước không được phép công bố. Đã từng có cán bộ giữ chức vụ cao bộc lộ tư tưởng công thần đã viết bài, viết hồi ký nói xấu chế độ, phê phán đường lối của Đảng trong quá khứ và hiện tại. Không ít kẻ nêu quan điểm cá nhân lên mạng xã hội không đồng tình chủ trương, chính sách nhằm tạo dư luận “nóng” phản đối Đảng, Nhà nước. Thậm chí có người quan hệ với các tổ chức chống đối bên ngoài, các cơ quan truyền thông thiếu thiện cảm với Việt Nam để cung cấp “thông tin” dưới dạng trả lời phỏng vấn, gửi bài viết xuyên tạc tình hình.
Có thể trong những cuộc “trà dư tửu hậu”với những câu chuyện làm quà hay nói ra cho “sướng miệng”, nhưng nguy hiểm nhất là bắt đầu mầm mống của suy thoái chính trị, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ. Những biểu hiện nêu trên tuy không phổ biến nhưng cũng đã xuất hiện ở nhiều cơ sở, nhất là những nơi tập trung đông cán bộ nghỉ hưu, cấp ủy chi bộ không mạnh. Những phát ngôn, hành động của họ chỉ một chiều nên người dân dễ tin đó là sự thật vì được “tai nghe mắt thấy” trực tiếp từ người là đảng viên, lãnh đạo. Những phát ngôn, việc làm vô nguyên tắc vô tình đã làm giảm niềm tin, ảnh hưởng đến thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Các thế lực phản động lợi dụng khai thác những biểu hiện đó như những “bằng chứng sống” nhằm bôi nhọ chế độ và tìm cách mua chuộc, kích động,“nuôi dưỡng” những con người đó tạo dựng thành “ngọn cờ” chống đối chế độ lâu dài.
Nguyên nhân và giải pháp
Tự diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng là thực trạng cần phải xác định đúng nguyên nhân để có giải pháp khắc phục trong công tác quản lý đảng viên nói chung, cán bộ đảng viên nghỉ hưu nói riêng.
Khi đang công tác, những phát ngôn, biểu hiện sai trái sợ bị kỷ luật, ảnh hưởng đến “ghế” nên khi nghỉ công tác mới có dịp bộc lộ. Một số cán bộ có đôi chút thành tích, chức vụ cao khi nghỉ hưu bắt đầu bộc lộ tư tưởng công thần, bất mãn với chính sách, quyền lợi, xem nặng cái tôi cá nhân, bản chất không trong sáng. Đây là vấn đề nhạy cảm, xác định bản lĩnh chính trị, đạo đức, nhân cách của người đảng viên. Nếu họ thực sự vì cái chung với quan điểm rõ ràng, đề cao lợi ích tập thể thì dù công tác hay nghỉ hưu vẫn một lòng gắn bó, trung thực, thẳng thắn với trách nhiệm cao cả của người đảng viên.
Trong thực tế, phần lớn cán bộ khi nghỉ hưu vẫn được anh em đơn vị từng công tác tôn trọng, vị nể; nhiều cán bộ vẫn dõi theo phát triển của đơn vị và đóng góp kinh nghiệm cho người kế nhiệm. Đó là điều cần trân trọng và phát huy, ngược lại, những biểu hiện như nêu trên cần phải có biện pháp giáo dục, xử lý đúng mức. Trong đó, cơ quan có cán bộ nghỉ hưu cần chủ động nắm rõ tư tưởng, chủ động gặp gỡ để xác định vướng mắc, tạo cho cán bộ gắn bó với đơn vị bằng góp ý chuyên môn, kiến thức kinh nghiệm.
Cấp trên cần gặp gỡ để trao đổi, tháo gỡ tư tưởng và giải quyết vướng mắc về quyền lợi, chính sách, làm cho cán bộ nghỉ hưu thấy được tôn trọng, tránh cảm giác bị hụt hẫng, bị bỏ rơi. Mặt khác, đây là một lực lượng đông đảo, nhiều người còn khỏe, là “kho tư liệu sống” cần phải biết khai thác, phát huy, đóng góp kinh nghiệm, đóng góp cho cơ quan và xã hội. Đảng, Nhà nước nên có nghị quyết, quy định mang tính chuyên đề về quản lý, phát huy vốn kiến thức, khả năng chuyên môn của cán bộ sau khi nghỉ hưu. Có thể “đặt hàng”cho họ đóng góp, tư vấn chuyên môn hoặc khai thác chất xám về lĩnh vực sở trường, tạo sự gắn bó, làm cho họ cảm thấy được tôn trọng, không phải nghỉ là hết. Với những người bất mãn, có biểu hiện “trở cờ”, cần phải sớm phát hiện nhằm vô hiệu hóa, ngăn chặn kẻ xấu mua chuộc, lôi kéo. Chi bộ cơ sở cần nắm vững diễn biến tư tưởng, biểu hiện không bình thường trong các quan hệ xã hội và chấn chỉnh ngay từ những biểu hiện ban đầu.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/tu-chuyen-hoa-khi-nghi-huu-a106344.html