Chính trị - Xã hội Xây dựng Đảng Không được 'chống lưng' cho sai phạm

TTH - Đã có một thời gian dài về trước, có không ít cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý sai phạm bị kỷ luật, mất uy tín nhưng vẫn giữ nguyên chức vụ hoặc điều động đến cơ quan khác với chức vụ tương đương, có khi còn được bổ nhiệm lên cao hơn. Tình trạng trên không phải hiếm thấy ở nhiều nơi, không chỉ ở cấp cơ sở.

1. Cán bộ có thể sai phạm với các hành vi, hình thức kỷ luật khác nhau, do chủ quan hay khách quan nhưng đều có điểm chung là uy tín đã bị suy giảm, khả năng đoàn kết, quy tụ anh em không còn như trước. Vi phạm về trách nhiệm công vụ hay phẩm chất đạo đức đã làm giảm sút niềm tin trong tập thể, khó lòng giáo dục cán bộ, chỉ đạo công việc. Không nói ra nhưng trong ánh mắt anh em đã xem thường, thậm chí còn bị phản ứng, chống đối ra mặt. Nếu còn giữ chức vụ hoặc được bổ nhiệm lên cao hơn sẽ tạo dư luận bàn tán, phản ứng, không đồng tình với sự bao che của cấp trên. Nói dân dã là có sự “chống lưng”, “ô dù”...

Có ý kiến nên bỏ hình thức khiển trách, cảnh cáo trong kỷ luật của Đảng và hành chính. Cho rằng kỷ luật như vậy quá nhẹ, như “phủi bụi”, dễ bị lợi dụng để hạ mức độ xử lý (một biến tướng của chạy tội). Bị kỷ luật mà vẫn giữ chức vụ hoặc bổ nhiệm lên cao hơn là thiếu nghiêm minh, không còn tính răn đe sai phạm, mất bình đẳng khi vẫn được hưởng quyền lợi chính trị, chế độ ưu đãi chức vụ của Đảng, Nhà nước. Sai phạm gây thiệt hại kinh tế thì Nhà nước, tập thể phải chịu, còn cá nhân không phải bỏ tiền túi đền bù là không thể chấp nhận. Phản ứng nhất là người bị kỷ luật vẫn được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn là không phù hợp với bản chất của án kỷ luật.

Tình hình trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản nhất từ yếu tố chủ quan của tổ chức và cấp lãnh đạo có thẩm quyền. Cấp quản lý trực tiếp sợ mất thành tích của tập thể, mất uy tín của lãnh đạo trực tiếp và cả sợ mất cán bộ đã được đào tạo. Ngoài ra còn ràng buộc tình cảm cá nhân đồng hương, bạn bè, hàng xóm… làm cho xử lý không nghiêm túc.Cái lý đưa ra là “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”, “Đóng cửa bảo nhau”, “Gà cùng một mẹ”... để rồi cho phê bình, cho“rút kinh nghiệm nghiêm túc” hoặc kỷ luật dưới mức nhẹ nhất có thể. Cái lý có vẻ khách quan nhưng lại mang đậm chủ quan theo ý chí người đứng đầu.

Quy định 105-QĐ/TW ngày 17/12/2017 của BCH Trung ương đã nêu:“Cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì không được quy hoạch, bổ nhiệm các chức vụ cao hơn trong vòng 1 năm kể từ khi có quyết định kỷ luật”. Vậy là chỉ cần “nín thở” 1 năm để chờ hết thời hiệu. Nói như dân gian: “Để lâu cứt trâu hóa bùn” là như vậy.

Nguyên nhân quan trọng nhất là có “ô dù”, “nâng đỡ không trong sáng” hay nói cách khác là có sự bao che của cấp trên. Nếu thủ trưởng không đưa ra tập thể cấp ủy, không chỉ đạo bộ phận tổ chức làm thủ tục thì khó ai dám đặt vấn đề xem xét. Đó là chưa kể người sai phạm lại có những mối quan hệ với cấp cao hơn. Chỉ cần một cú “phôn” hoặc nói nhỏ với cấp dưới “quan tâm” thì đương nhiên cấp trực tiếp phải biết xử lý thế nào cho “phải đạo”. Với những người đã quen “chạy” thì họ cũng không thể ngồi yên để bị mất ghế, có khi còn “tính toán” tham vọng cao hơn. Chạy để tại vị, chạy để chuyển ghế, chạy để sang bộ phận khác có “màu” hơn... trở thành bản chất thiếu tự trọng, mất liêm sỉ của những người vốn đã quen kiểu này.

2. Qua đó cho thấy, vấn đề kỷ luật có liên quan điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ còn có những vấn đề sơ hở cần phải được điều chỉnh.

Ngày 15/11/2017 Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định 102-QĐ/TW “Về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm” làm căn cứ cho xử lý. Quy định đã nêu rõ chế tài bắt buộc với hành vi vi phạm và hình thức kỷ luật. Tuy nhiên, Quy định 105 nêu trên lại dễ bị lợi dụng kẽ hở nhằm vận dụng sai lệch có lợi cho cán bộ sai phạm. Mới đây, Ban chấp hành Trung ương ban hành Quy định 41-NQ/TW ngày 3/11/2021 “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ” đã đáp ứng bước đầu về công tác kỷ luật, miễn nhiệm cán bộ. Nhưng khi đi vào thực hiện khó lường trước những phát sinh tiêu cực từ các yếu tố khách quan và chủ quan.

Kỷ luật và bổ nhiệm không đúng đã làm cho công tác tổ chức cán bộ không thực hiện đúng chức năng “cầm cân nảy mực”, thiếu thống nhất. Nếu lồng vào ý chí cá nhân sẽ ảnh hưởng xấu đến công tác cán bộ và sự vững mạnh của từng tổ chức. Hiện tượng đó là mầm mống mất đoàn kết, tạo ra tiền lệ không tốt cho cán bộ lãnh đạo lớp sau, hệ lụy xấu cho công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị hiện nay.

Trung ương sẽ tiếp tục có những quy định mới nhằm hoàn thiện thể chế theo nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII). Đòi hỏi cấp thiết là phải siết lại quy trình đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, khách quan theo tiêu chí đặt ra.

Kỷ luật cần đánh giá đúng thành tích và sai phạm trên cơ sở tuân thủ quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “bất cứ ai”. Những người đã bị kỷ luật mà không còn uy tín, gây khó khăn cho ổn định nội bộ cần phải xem xét điều chuyển sớm, không để cho những mối quan hệ cá nhân can thiệp.

Cấp ủy, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cá nhân trong từng quyết định kỷ luật và bổ nhiệm cán bộ. Làm sai nguyên tắc, lồng chủ quan cá nhân, can thiệp trái thẩm quyền phải kỷ luật nghiêm như cán bộ sai phạm, dù ở hình thức kỷ luật nào. Cần công khai, minh bạch cho cán bộ, Nhân dân, cơ quan báo chí theo dõi, giám sát, phát hiện tiêu cực về những quyết định kỷ luật và bổ nhiệm cán bộ.

Kỷ luật và bổ nhiệm là những phạm trù, quy trình, mục đích khác nhau nhưng có điểm chung liên quan đến đời sống chính trị của cán bộ, đảng viên. Đó là những khâu quan trọng tạo nên sự vững mạnh, đoàn kết, thống nhất trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay. Đòi hỏi cao nhất là không được “chống lưng” cho sai phạm dù với bất cứ ai, ở bất cứ cấp nào.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/khong-duoc-chong-lung-cho-sai-pham-a109875.html