Cho bảo lãnh xe vi phạm: Người dân đồng tình, Nhà nước nhẹ gánh lo
Theo quy định mới tại Nghị định 31/2020/NĐ - CP của Chính phủ, quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, từ ngày 1/5, cá nhân, tổ chức đủ điều kiện sẽ được bảo lãnh để tự bảo quản phương tiện vi phạm giao thông. Đông đảo người dân rất đồng tình với quy định này.
Gánh nặng cho cả hai bên
Trước thời điểm 1/5/2020, khi Nghị định 31/2020/NĐ-CP chưa được đưa vào áp dụng, việc tạm giữ xe vi phạm giao thông thực sự là một gánh nặng đối với cả người dân lẫn lực lượng chức năng. Bởi, đó không chỉ là tài sản của người dân, mà còn như cả một gia tài (xe máy đắt tiền, xe ô tô...), nên việc phải đưa xe về bãi tạm giữ, phơi mưa nắng nhiều ngày khiến các chủ phương tiện lo lắng, bất an.
Anh Phạm Văn Quý (huyện Ứng Hòa) thẳng thắn cho biết: “Để bị tạm giữ xe là việc chẳng đừng. Xe để trong bãi nửa tháng, cả tháng mưa nắng hỏng hóc rất xót ruột mà không biết “bắt đền” ai vì lực lượng chức năng chỉ giữ chứ không bảo quản như mình được”.
Nhiều người dân cho biết, chính vì lẽ đó nên quá trình xử lý vi phạm giao thông phát sinh tiêu cực, xin - cho để tránh bị tạm giữ xe. Nhiều người sẵn sàng chấp nhận chi ngoài cả vài triệu đồng hoặc hơn nhằm chuyển lỗi, bỏ qua lỗi để không bị giữ xe. Bất đắc dĩ bị tạm giữ phương tiện, không ít trường hợp sẽ cố cạy cục, chạy vạy để được nhận lại xe sớm hơn thời hạn quy định tại khung xử phạt.
Về phía lực lượng chức năng, việc lưu giữ phương tiện vi phạm giao thông cũng là một áp lực không nhỏ. Trung tá Trần Quang Vinh - Đội trưởng Đội Tuyên truyền và điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho hay, để giữ được phương tiện vi phạm giao thông vừa cần có kho bãi, nhân lực, vừa phải bảo đảm các điều kiện an toàn, phòng chống cháy nổ.
Với các trường hợp xe khách, xe tải nặng, muốn tạm giữ cần kho bãi lớn, vừa gây áp lực lên hạ tầng của TP, vừa gây khó khăn cho công tác của lực lượng chức năng. Nhiều trường hợp, nhất là với xe máy, khi bị tạm giữ, người điều khiển bỏ luôn không đến nhận lại, dẫn đến hình thành các bãi xe lưu cữu năm này qua năm khác, muốn bỏ không được, muốn trả không xong.
Trên thực tế, nhiều nơi như quận Hà Đông hay huyện Thanh Trì, đến nay, lực lượng công an sở tại vẫn chưa có một bãi tạm giữ phương tiện đúng nghĩa. Xe vi phạm vẫn phải đưa về các bãi ngoài để giữ. Từ đây nảy sinh một vấn đề rất nhạy cảm khác là giá trông giữ phương tiện vi phạm. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định, nhiều bãi trông giữ nắm được tâm lý muốn nhanh chóng lấy xe ra sớm của người vi phạm, tha hồ hét giá, “chặt chém”, làm phát sinh tiêu cực, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh lực lượng chức năng.
Bên cạnh đó, nhiều đô thị lớn, nhất là Hà Nội, đang vô cùng thiếu quỹ đất để làm bãi đỗ xe. Trong khi xe của người dân lưu thông hàng ngày còn chưa đủ chỗ đỗ, TP lại phải "cắt" đất ra làm bãi tập kết xe vi phạm; nhiều bãi chất đống xe vô thừa nhận, không giải tán được. Tình trạng này gây lãng phí quỹ đất, góp phần tạo thêm áp lực lên hạ tầng của TP.
Sẵn sàng nộp tiền bảo lãnh
Theo quy định mới tại Nghị định 31/2020/NĐ - CP, đối với phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có đủ điều kiện sẽ được giao bảo quản phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan của người có thẩm quyền. Cụ thể, cá nhân vi phạm phải có đăng ký thường trú, tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi đang công tác. Tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng, chứng minh được có nơi giữ, bảo quản phương tiện.
Về trình tự, tổ chức, cá nhân có nhu cầu được bảo lãnh phải làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền, kèm theo các giấy tờ tùy thân (với cá nhân), xác nhận trụ sở (với tổ chức). Trong đơn, ngoài các thông tin như: Họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp… còn cần nếu rõ hành vi vi phạm, tên, số lượng, đặc điểm kỹ thuật của phương tiện; tình trạng xe, nơi giữ, bảo quản.
Đặc biệt, khi giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản, cơ quan chức năng sẽ phải tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký phương tiện để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt. Phía người vi phạm tuyệt đối không được sử dụng phương tiện vi phạm tham gia giao thông trong thời gian được giao bảo quản; không được tự ý thay đổi nơi giữ.
Người dân và ngay cả lực lượng chức năng đều cho rằng, việc cho phép bảo lãnh, để người dân tự bảo quản phương tiện vi phạm giao thông là giải pháp gỡ rối cho tất cả các bên. Ông Trần Tuấn Chỉnh (Đống Đa) chia sẻ: “Là một chủ xe, tôi sẵn sàng đóng tiền, mang xe về nhà cất, không sử dụng còn hơn là đem xe vào bãi tạm giữ”.
Chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, việc cho người dân nộp tiền bảo lãnh, tự mang xe về bảo quản vừa giúp họ yên tâm, vừa bớt được một gánh nặng ngân sách, hạ tầng dành cho các bãi tạm giữ xe vi phạm... nên chính quyền sẽ được lợi lớn. Bên cạnh đó, việc có thể nộp tiền bảo lãnh để không bị tạm giữ xe cũng sẽ góp phần đẩy lùi tiêu cực trong công tác xử lý vi phạm giao thông.
"Việc để người dân tự bảo quản phương tiện vi phạm giao thông có hai lợi ích. Thứ nhất là người dân sẽ cảm thấy yên tâm tuyệt đối về tài sản của mình, qua đó cũng giảm bớt áp lực cho lực lượng chức năng. Thứ hai là giúp giảm tải cho các điểm tạm giữ xe vi phạm hiện đang ngày càng chật chội, thiếu thốn của TP. Đây là quy định mới nên sau một thời gian triển khai thực hiện trong thực tế, chúng tôi sẽ tổng hợp đánh giá kỹ hơn những thuận lợi cũng như khó khăn để kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp." - Trung tá Trần Quang Vinh - Đội trưởng Đội Tuyên truyền và Điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Phòng CSGT
Theo thống kê của Bộ Công an, đến cuối năm 2019, tổng số phương tiện bị tạm giữ là 249.000 ô tô, trên 3,9 triệu mô tô, xe máy. Trong đó gần 134.000 mô tô xe máy, 700 ô tô đã quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được; gần 20.000 xe chưa xác định được chủ sở hữu. Diện tích đỗ một chiếc xe máy, mô tô là 3m2, ô tô con là 25m2; xe tải là 30m2; xe buýt, xe khách là 40m2. Như vậy, để tạm giữ được gần 4,3 triệu xe vi phạm như nói trên, cần tối thiểu 17.925.000m2 đất.
"Việc cho người vi phạm nộp tiền bảo lãnh sẽ được tự bảo quản phương tiện là một quy định mới, tiến bộ. Bởi trong suốt thời gian qua chúng ta thấy hiện tượng các bãi trông giữ phương tiện vi phạm của cơ quan công an đều quá tải, dẫn đến việc để phương tiện vi phạm ngoài trời “dầm mưa dãi nắng”. Có nhiều phương tiện giao thông đã bị hư hỏng trong quá trình trông giữ, gây lãng phí rất lớn cho xã hội. " - Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông (Hồng Thái ghi)