Cho biển, rừng liền nhau...

Là địa phương có đường bờ biển dài và diện tích rừng, đất lâm nghiệp lớn, nghề biển và nghề rừng luôn có vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung và ngành Nông nghiệp nói riêng. Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tỷ trọng nông-lâm-thủy sản chiếm 12,5-13% GRDP toàn tỉnh.Với ngư trường rộng lớn, Quảng Bình có đội tàu khai thác thủy sản hùng hậu so với các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước trong hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền, là 'bệ đỡ' để ngư dân nâng cao năng suất, sản lượng khai thác, đồng thời vươn khơi giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.Theo Quyết định số 641/QĐ-BNN-TCLN của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về việc ban hành Kế hoạch chia sẻ lợi ích từ Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ, giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Bình dự kiến được phân bổ số tiền khoảng hơn 280 tỷ đồng. Theo đó, năm 2023, tỉnh đã phân bổ hơn 82,4 tỷ đồng cho các đối tượng hưởng lợi và sẽ tiếp tục chi trả hơn 100 tỷ đồng trong năm 2024.

Biển dâng nguồn lợi

Quảng Bình có đường bờ biển dài hơn 116km cùng với thềm lục địa rộng gấp 2,6 lần diện tích đất liền, tạo ra một ngư trường rộng lớn với trữ lượng khoảng 10 vạn tấn và phong phú về loài (1.650 loài), trong đó có những loài quý hiếm. Bên cạnh đó, với 5 cửa sông, Quảng Bình có vùng mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản (NTTS) khá lớn, tổng diện tích khoảng 15.000ha.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có gần 3.600 tàu, thuyền từ 6m trở lên tham gia đánh bắt, trong đó có 1.177 tàu cá khai thác thủy sản xa bờ được trang bị đầy đủ ngư cụ, thiết bị, thông tin liên lạc. Có 1.130 thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, chiếm 96,7% tàu cá xa bờ. Đội tàu cá hùng hậu này đã mang về cho tỉnh sản lượng đánh bắt thủy hải sản hàng năm lên đến hơn 80.000 tấn.

Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đạt trên 97.000 tấn, tăng 4,2%; trong đó, sản lượng khai thác 83.864 tấn, nuôi trồng hơn 13.230 tấn; tỷ trọng đóng góp của ngành thủy sản chiếm gần 33% trong khu vực nông nghiệp; giải quyết việc làm cho hơn 2,8 vạn lao động trong độ tuổi…

Quảng Bình có đội tàu khai thác thủy sản hùng hậu.

Quảng Bình có đội tàu khai thác thủy sản hùng hậu.

Bố Trạch là địa phương có số lượng tàu cá lớn với 1.076 tàu đánh bắt thủy hải sản; trong đó có 795 tàu dài từ 6m trở lên và 281 tàu dưới 6m. Đội tàu khai thác xa bờ của huyện có 250 chiếc, số còn lại khai thác vùng lộng gần bờ. Hàng năm, Bố Trạch đạt sản lượng thủy sản 26.000 tấn, trong đó khai thác đạt 21.000 tấn và nuôi trồng khoảng 5.000 tấn.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long cho biết, chủ trương của huyện là giảm dần số lượng tàu thuyền nhỏ khai thác gần bờ, khuyến khích tàu cá đánh bắt xa bờ, liên kết với doanh nghiệp, chú trọng khâu chế biến, đưa công nghệ cao vào nuôi trồng ở những diện tích có thế mạnh nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành thủy sản.

Không chỉ chú trọng khai thác thủy sản, những năm trở lại đây, các địa phương trong tỉnh có điều kiện thuận lợi đang tập trung phát triển các mô hình nuôi cá bớp, cá mú và các loài nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho cư dân ven biển, giảm áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ, bảo vệ môi trường sinh thái. Theo số liệu của Sở NN-PTNT, hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi mặn lợ là 1.795ha. NTTS từng bước phát triển theo hướng chuyển đổi mạnh từ nuôi quảng canh sang thâm canh, công nghệ cao.

Tại xã Quảng Đông (Quảng Trạch), với lợi thế có vịnh Hòn La và Vũng Chùa, diện tích mặt nước rộng, nước biển êm, thuận lợi cho việc NTTS trên biển, những năm gần đây, nhiều ngư dân đã đầu tư lồng bè để nuôi hải sản. Chủ tịch UBND xã Quảng Đông Nguyễn Đức Hiền cho biết: Hiện tại, xã có khoảng 20 hộ nuôi hải sản trên biển ở khu vực biển Vũng Chùa và Hòn La theo hình thức tổ hợp tác. Các loại hải sản được người dân đầu tư nuôi là cá bớp, cá mú, sò, ốc hương... thị trường tiêu thụ ổn định, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Rừng xanh mang ấm no

Quảng Bình hiện có trên 591.000ha rừng trong tổng diện tích trên 614.000ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 68,7%. Trong đó, diện tích rừng trồng trên 130.000ha và đang ngày càng tăng lên, nhất là từ sau thời điểm Nhà nước đóng cửa rừng, cũng như một số loại cây trồng khác dễ bị thiệt hại bởi thiên tai, người dân và các tổ chức, doanh nghiệp tập trung rừng thay thế bằng keo, tràm. Đây chính là điều kiện thuận lợi để Quảng Bình phát triển kinh tế từ rừng trồng, tạo sinh kế vững chắc cho người dân.

Những năm qua, rừng trồng đã mang lại nguồn thu nhập khá cho các tổ chức và người dân trồng rừng. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh khai thác xấp xỉ 10.000ha; riêng năm 2023 vừa qua, toàn tỉnh khai thác trên 10.400ha rừng trồng, sản lượng đạt 738.600m3.

Để phát triển rừng trồng nói chung và rừng trồng gỗ lớn nói riêng, đáp ứng cho nhu cầu chế biến gỗ trên địa bàn và nâng cao chất lượng, giá trị rừng trồng, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng đề án “Phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với trồng rừng gỗ lớn (RGL) tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019-2025” và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4246/QĐ-UBND, ngày 30/10/2019. Trong đó, xác định đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu ổn định diện tích vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng là 110.000ha, bao gồm 16.200ha RGL.

Diện tích rừng tự nhiên của tỉnh được tăng cường bảo vệ.

Diện tích rừng tự nhiên của tỉnh được tăng cường bảo vệ.

Nhằm nâng cao hiệu quả rừng trồng, những năm qua, Quảng Bình đã chú trọng đẩy mạnh trồng RGL và xây dựng hồ sơ kỹ thuật quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC của Hội đồng Quản lý rừng thế giới (GFA).

Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Quốc Tuấn cho biết: Hiện, toàn tỉnh đã trồng được gần 4.100ha RGL; trong đó, tập trung nhiều tại địa bàn các huyện Lệ Thủy với hơn 1.300ha, Quảng Ninh gần 1.000ha, Tuyên Hóa trên 550ha. Nhìn chung, rừng trồng gỗ lớn được hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước, được người dân đầu tư thâm canh nên sinh trưởng và phát triển tốt. Người dân đã thấy được hiệu quả của việc trồng RGL cho giá trị cao hơn so với rừng trồng gỗ nhỏ nên đã mạnh dạn chuyển đổi việc sản xuất từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng RGL.

“Nhằm xây dựng đầu ra ổn định cho RGL, những năm qua, tỉnh đã xúc tiến kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến gỗ tinh sâu để tạo sự liên kết với người trồng rừng. Các doanh nghiệp chế biến gỗ trong tỉnh còn chủ động xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với chứng chỉ FSC. Đến nay, toàn tỉnh có trên 6.000ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC và hiện đang tiếp tục đánh giá, cấp chứng chỉ FSC cho thêm khoảng 15.000ha”, ông Trần Quốc Tuấn cho biết.

Là địa phương có điều kiện thuận lợi và nhiều tiềm năng, lợi thế để sản xuất, kinh doanh rừng trồng, đặc biệt là trồng RGL, rừng có chứng chỉ FSC, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Nguyễn Hữu Hán cho biết: Diện tích RGL của huyện tập trung nhiều tại các xã Kim Thủy, Thái Thủy, Trường Thủy, Mỹ Thủy, Lâm Thủy, Ngân Thủy… Theo kế hoạch, đến cuối năm 2025, huyện phấn đấu trồng được trên 3.300ha RGL, rừng được trồng bằng giống keo lai nuôi cấy mô có chất lượng cao. Ngoài ra, địa phương cũng có trên 850ha diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ FSC. “Nhờ chăm sóc, bảo vệ rừng và đẩy mạnh trồng rừng kinh tế mà hàng nghìn hộ dân của huyện Lệ Thủy đã có thêm việc làm, có nguồn thu nhập ngày càng cao và ổn định”, ông Nguyễn Hữu Hán khẳng định.

Hiện nay, Quảng Bình đang chú trọng phát triển các ngành dịch vụ dưới tán rừng, duy trì trồng RGL và khuyến khích phát triển việc mua bán tín chỉ carbon; phát huy lợi thế là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng đứng thứ 2 toàn quốc.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202405/cho-bien-rung-lien-nhau-2218384/