Chớ bỏ đam mê, chạy theo ngành 'hot'!

Từ ngày 18-7, thí sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng vào đại học. Đây là thời điểm thí sinh cần rà soát ngành, trường muốn học để đặt nguyện vọng phù hợp, bảo đảm cơ hội trúng tuyển nguyện vọng yêu thích nhất

Trong chuỗi chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2024, ngày 18-7, Báo Người Lao Động tổ chức chương trình talkshow - tư vấn trực tuyến chủ đề "Biết điểm thi, đặt nguyện vọng phù hợp" với sự tham gia của các chuyên gia, đại diện các trường đại học (ĐH) tại TP HCM.

Rà soát kỹ trước khi đăng ký

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, xét tuyển vào các trường ĐH vẫn là lựa chọn quan trọng hàng đầu của học sinh lớp 12. Căn cứ trên dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH trong 5 năm gần nhất, dự kiến có khoảng 65% - 70% học sinh tốt nghiệp THPT năm 2024 (khoảng 650.000 - 700.000 thí sinh) sẽ đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH trong giai đoạn đăng ký chính thức trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Vì vậy, có thể nói đây là cuộc lựa chọn cân não.

Các chuyên gia, khách mời trao đổi và trả lời thắc mắc của bạn đọc tại Tòa soạn Báo Người Lao Động. Ảnh: TẤN THẠNH

Các chuyên gia, khách mời trao đổi và trả lời thắc mắc của bạn đọc tại Tòa soạn Báo Người Lao Động. Ảnh: TẤN THẠNH

Lời khuyên mà ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính - Marketing, đưa ra là thí sinh nên liệt kê các thông tin về ngành, trường và điểm chuẩn năm 2023, 2022 rồi so với kết quả điểm thi để làm cơ sở chọn ngành phù hợp. "Thí sinh có thể đặt nguyện vọng 1 vào ngành, trường mình yêu thích nhất với cơ sở là điểm chuẩn tham khảo năm 2023 và 2022 cao hơn kết quả điểm thi khoảng 1,5 điểm. Các nguyện vọng tiếp theo được sắp xếp trên cơ sở gần hơn với điểm thi, cuối cùng là thấp hơn điểm thi khoảng 3-4 điểm để bảo đảm sự an toàn" - ThS Phụng lưu ý.

TS Trần Thanh Thưởng, Trưởng Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng nhiều thí sinh đã có kết quả trúng tuyển sớm, nếu đây là nguyện vọng mong muốn nhất thì khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT cũng đăng ký lại và đặt là nguyện vọng 1.

Nếu các em có kết quả thi tốt nghiệp THPT với số điểm cao muốn tìm kiếm cơ hội tốt hơn thì cứ đặt ngành, trường mong muốn nhất ở nguyện vọng 1 nhưng cũng đừng quên dành cho kết quả trúng tuyển sớm một nguyện vọng để bảo đảm nếu không trúng tuyển các nguyện vọng trước thì cũng trúng tuyển nguyện vọng sau.

Ngày 18-7, Bộ GD-ĐT mở cổng đăng ký nguyện vọng đến hết 17 giờ 00 ngày 30-7. Nhiều thí sinh băn khoăn sau khi đã đăng ký có thể vào hệ thống để thay đổi nguyện vọng hay không? TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết trong giai đoạn này các thí sinh có thể thực hiện thao tác thêm nguyện vọng, sửa nguyện vọng trực tuyến, xóa nguyện vọng, thay đổi thứ tự nguyện vọng...

Các chuyên gia, đại diện các trường ĐH thì lưu ý khi đăng ký trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT, thí sinh cần điền thông tin ngành, trường muốn học, hệ thống sẽ tự động lựa chọn tổ hợp có điểm thi cao nhất để xét. Tuy nhiên, thí sinh cần nắm rõ thông tin ngành mình muốn đăng ký xét tổ hợp nào, môn thi của mình có tạo nên tổ hợp đó không…

Đừng vội "bẻ lái"

Một phụ huynh ở TP HCM tâm sự con gái thích học các ngành liên quan đến sức khỏe nhưng điểm thi lại không cao. Cụ thể, môn toán 8 điểm, vật lý 7,5 điểm, hóa học 6,25 điểm, sinh học 6,25 điểm, tiếng Anh 7 điểm, khoa học tự nhiên 6,67 điểm. Với số điểm này, phụ huynh dự định sẽ định hướng con theo các nhóm ngành kỹ thuật hoặc kinh tế để tăng cơ hội trúng tuyển ĐH.

ThS Trương Quang Trị, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng khi thí sinh đang quan tâm đến khối ngành sức khỏe nhưng phụ huynh lại "bẻ lái" tìm hiểu sang khối ngành kinh tế, kỹ thuật là điều rất nguy hiểm. Bởi lẽ, đậu ĐH là ước mơ và hoài bão của thí sinh. Nếu lựa chọn sai với sở trường, chắc chắn quãng đường phía trước sẽ rất mất thời gian.

"Không nhất thiết phải học nhóm ngành sức khỏe ở các trường tốp đầu thì mới thành công. Hiện nay, các trường ĐH đều đào tạo đa dạng ngành nghề với các chương trình phù hợp năng lực và điều kiện kinh tế" - ThS Trị chỉ rõ.

Nếu không đậu vào ngành học mong muốn, thí sinh có thể chọn những ngành cùng nhóm ngành yêu thích để học tập. Trong quá trình đào tạo sẽ có một số học phần giống nhau, điều này giúp sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể linh động làm được nhiều công việc liên quan.

ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Trung tâm Marketing và Phát triển Thương hiệu - Trường ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH), nhắc nhở thí sinh không nên "chạy" theo những ngành "hot" nếu không thật sự đam mê. Phụ huynh cần xem xét kỹ lưỡng từ tính cách đến sở thích của con. Nếu con là người hướng ngoại thì cần có môi trường học tập, làm việc năng động và ngược lại.

Ngoài ra, khi tham khảo thông tin trên mạng xã hội, thí sinh cần xem xét kỹ, tránh trường hợp tiếp nhận những thông tin tiêu cực khiến tâm lý bị ảnh hưởng. "Nếu băn khoăn về ngành nghề hay chưa định hướng được tương lai, thí sinh nên liên hệ trực tiếp về số điện thoại hotline của trường ĐH hoặc các kênh thông tin chính thống. Đặc biệt, không nên cung cấp thông tin cá nhân lên mạng xã hội để tránh bị kẻ xấu lợi dụng" - ThS Phương nhấn mạnh.

Điểm chuẩn dự đoán sẽ tăng nhẹ

Dựa theo phổ điểm thi Bộ GD-ĐT công bố trước đó, ThS Phạm Doãn Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM (UEF), dự đoán điểm chuẩn các ngành sẽ tăng nhẹ từ 0,5 - 1 điểm, ở các ngành "hot" sẽ tăng từ 1 - 2 điểm. Đa số trường ĐH đã công bố mức điểm sàn xét tuyển, thí sinh nên dựa vào mức điểm này để quyết định lựa chọn đặt nguyện vọng phù hợp.

Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương cho biết điểm chuẩn năm nay có nhiều yếu tố chi phối như tổng chỉ tiêu của trường, nhiều phương thức xét tuyển... Đặc biệt là sự bùng nổ của số lượng thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm. ThS Phương dự đoán điểm chuẩn sẽ tăng nhẹ từ 0,5 - 1 điểm ở những ngành đào tạo truyền thống của trường. Ở những ngành "hot" như truyền thông đa phương tiện, quản trị kinh doanh..., mức điểm chuẩn sẽ tăng nhiều hơn.

Cơ hội nhận học bổng hấp dẫn

ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương cho biết năm 2024, HUTECH tặng học bổng trị giá 50% học phí học kỳ đầu tiên cho tất cả thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường và trúng tuyển ở nguyện vọng 1; tặng học bổng trị giá 25% học phí học kỳ đầu tiên cho tất cả thí sinh đăng ký xét tuyển và trúng tuyển bằng nguyện vọng 2, 3.

Ngoài ra, HUTECH cũng cung cấp các gói học bổng khác, như học bổng doanh nghiệp, học bổng tài năng, học bổng tiếp sức... tổng trị giá học bổng hỗ trợ tân sinh viên lên đến 150 tỉ đồng.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho biết có quỹ học bổng 60 tỉ đồng hỗ trợ tân sinh viên. Sinh viên trúng tuyển từ 26 điểm trở lên, mỗi điểm tăng sẽ được thưởng 1 triệu đồng (mỗi ngành chọn 1 sinh viên cao điểm nhất), nữ sinh học kỹ thuật hoặc gia đình có người thân cùng theo học tại trường cũng nhận được hỗ trợ học bổng.

Năm 2024, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM có học bổng 35% toàn khóa cho những sinh viên học nhóm ngành công nghệ thông tin, đây là học bổng do doanh nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, tất cả các ngành đào tạo tại trường, sinh viên đều có thể học tập, thực tập và làm việc sớm tại các doanh nghiệp nước ngoài.

Hà Vy

Trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành với chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2024: Công ty CP Phân bón Bình Điền, Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HD Bank), Tập đoàn Vingroup, Trường ĐH Văn Hiến, Trường CĐ Kỹ thuật - Du lịch Sài Gòn, Công ty CP Uniben, Trường ĐH Tài chính - Marketing (UFM), Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Trường ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH), Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM (UEF).

Huế Xuân - Huy Lân - Ngọc Quyên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cho-bo-dam-me-chay-theo-nganh-hot-196240718201403355.htm