Kỳ thi riêng có giảm áp lực cho thí sinh?

Năm 2025, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, trong bối cảnh nở rộ các kỳ thi riêng do các trường tổ chức và điểm chuẩn ngành sư phạm những năm gần đây tăng cao.

Thí sinh nhập học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 năm 2024. Ảnh: NTCC.

Thí sinh nhập học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 năm 2024. Ảnh: NTCC.

Theo thông báo của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, năm 2025 trường thực hiện 6 phương thức xét tuyển ĐH chính quy, tăng thêm 1 phương thức so với năm 2024. Trong đó, đáng lưu ý là xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi tuyển sinh riêng của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức.

Đại diện Phòng Đào tạo (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2) cho biết, theo quy định, trước khi tổ chức kỳ thi riêng trường phải công bố phương án tuyển sinh. Sau đó, trường sẽ thành lập Ban xây dựng phương án và kế hoạch tổ chức kỳ thi riêng trước khi công bố rộng rãi. Hiện trường đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện đề án tổ chức kỳ thi này. Dự kiến đó sẽ là bài thi theo hướng đánh giá năng lực.

Hiện cả nước có 10 đơn vị, trường ĐH tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng. Trong đó, kỳ thi của 2 ĐH Quốc gia và ĐH Bách khoa Hà Nội thu hút đông thí sinh và được nhiều trường dùng để xét tuyển nhất. Riêng với ngành sư phạm, đề thi của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đang được 9 trường, chủ yếu là ngành sư phạm sử dụng để xét tuyển ĐH.

Nhìn lại năm 2023, có 4.500 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Tỷ lệ thí sinh dự thi đạt 95%, bình quân 1 thí sinh thi 2,5 môn. Tới năm 2024, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 11.537, tăng gấp gần 2,5 lần so với năm 2023.

Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT có nhiều thay đổi khi thí sinh chỉ thi 4 môn bắt buộc thay vì 6 môn như hiện nay. Việc tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 nói riêng và các trường ĐH khác có những thay đổi cho phù hợp với thực tế là điều đã được dự báo trước.

Tuy nhiên, từ thực tế tuyển sinh những năm gần đây của ngành đào tạo sư phạm, và đặc biệt năm 2024 cho thấy điểm chuẩn của phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT của nhiều trường ở mức cao và rất cao do chỉ tiêu chung giảm, chỉ tiêu cho phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm và số lượng nguyện vọng tăng.

Việc có thêm một kỳ thi riêng do một trường ĐH trong khối trường đào tạo sư phạm tổ chức là mở rộng cánh cửa vào ĐH, tạo cơ hội cho nhiều thí sinh muốn xét tuyển vào ngành sư phạm, nhưng cũng đồng thời tăng thêm khó khăn cho những thí sinh không có điều kiện tham dự kỳ thi vì nhiều lý do khác nhau, đơn cử là do địa điểm tổ chức kỳ thi ở xa, chi phí thi tốn kém…

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu nhiều kỳ thi riêng với tính chất tuyển chọn tương tự nhau, cho cùng một nhóm ngành, mỗi trường một phách sẽ tốn kém, áp lực cho thí sinh và xã hội.

PGS.TS Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) nhìn nhận, kỳ thi riêng để lấy kết quả xét tuyển sinh có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng mục đích chính là chủ động tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH. Nếu cứ tiếp tục mở rộng dần ra sẽ dễ quay lại kiểu thi ĐH như trước đây, trái với quan điểm của Nghị quyết 29 về đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo.

Trên cơ sở này, PGS.TS Võ Văn Minh cho rằng, cần hạn chế các kỳ thi có cùng tính chất như kỳ thi tốt nghiệp THPT, để giảm chi phí xã hội cũng như tránh gây thêm lo lắng, áp lực cho người học; thậm chí tránh trường hợp lợi dụng ôn, luyện thi tràn lan, dễ phát sinh tiêu cực.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ky-thi-rieng-co-giam-ap-luc-cho-thi-sinh-10289691.html