Chợ Cái Răng đằm thắm nét duyên quê

Nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ chỉ khoảng 5 km, thuộc địa bàn khu vực phường Lê Bình nhưng chợ quận Cái Răng vẫn còn lưu giữ được nhiều nét hồn hậu, chân quê của đất và người miệt vườn.

Tồn tại bên cạnh “Văn hóa Chợ nổi Cái Răng” đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia thì cái chợ trên bờ nằm ở eo thon đoạn sông Cần Thơ hiền hòa này vẫn giữ được cho mình bản sắc riêng khiến không ít du khách nao lòng khi đến nơi này, dù chỉ một lần.

Chợ Cái Răng hiện tại có gồm 3 khu nhà lồng với tổng diện tích hơn 5.000m2

Chợ Cái Răng hiện tại có gồm 3 khu nhà lồng với tổng diện tích hơn 5.000m2

Lần ngược lịch sử của vùng đất này, trong cuốn “Tự vị tiếng nói miền Nam” học giả Vương Hồng Sển cho biết: địa danh Cái Răng có nguồn gốc từ tiếng Khmer “karan” nghĩa là cà ràng (một loại bếp củi). Người Khmer ở miệt Tri Tôn mang đến đây rất cà ràng để bán, lâu dần thành danh. Lại có một truyền thuyết khác, từ thời khẩn hoang, có con cá sấu rất lớn dạt vào vùng đất này, răng nó cắn ngập vào bãi bồi phù sa. Truyền thuyết về một địa danh bao giờ cũng có những dị bản khác nhau nhưng nơi này dễ sống, thuận tiện giao thương, trên bến dưới thuyền là một điều có thật.

Chợ Cái Răng hiện tại có 3 khu nhà lồng với tổng diện tích hơn 5.000m2 với công năng riêng biệt: khu bách hóa tổng hợp, khu thực phẩm khô, khu thực phẩm tươi sống nhằm đảm bảo vệ sinh thực phẩm và công tác phòng cháy chữa cháy mang dáng dấp của một ngôi chợ hiện đại. Tuy nhiên, theo cảm nhận của chúng tôi thì khu vực “tự sản, tự tiêu” nằm rải rác ở những tuyến đường quanh các nhà lồng chợ dành cho người nông dân mang nông sản của mình ra chợ bán có sức hấp dẫn riêng cho những ai muốn đi tìm hồn quê trong phố.

Bà Nguyễn Thị Tư (64 tuổi) - ngụ phường Ba Láng, quận Cái Răng chia sẻ: “Nhiều năm nay, dì vẫn đem ốc bươu, rau muống hay nhãn lồng hái trong vườn nhà mang ra chợ này bán. Vì dì bán toàn rau đồng, không có phân thuốc nên được nhiều người ghé mua lắm. Mấy người trong xóm của dì cũng vậy, câu được con hay nuôi được con vịt cũng đem ra đây bán".

Cũng như vậy, góc chợ này chị Út bán rau muống, bắp chuối bào, dì Ba bán dưa cải, góc chợ kia anh Năm bán cá tôm còn nhảy xoi xói mới đánh bắt dưới sông lên, thím Tám ngồi bán mấy con gà, con vịt nhà nuôi… Người bán không nói thách nên người mua cũng ít trả giá tạo nên một không gian mua bán miệt vườn ít cạnh tranh và hào sảng. Nhiều người sau khi bán xong mớ hàng của mình không quên ghé Hiệp Thiên Cung (chùa Ông) để cúng lễ, cầu phúc lành. Đây là một ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng, cầu được, ước thấy do cộng đồng Hoa kiều ở chợ Cái Răng vận động xây cất từ hàng trăm năm về trước.

Chợ bên sông Cái Răng vẫn còn lưu giữ được nhiều nét hồn hậu, chân quê của đất và người miệt vườn.

Chợ bên sông Cái Răng vẫn còn lưu giữ được nhiều nét hồn hậu, chân quê của đất và người miệt vườn.

Theo chị Lê Thị Mai Châu - Trưởng Ban quản lý chợ Cái Răng chia sẻ: Do đặc thù của quận ven đô nên nông nghiệp là một thế mạnh của các phường vành đai quận. Từ nơi đây nông sản thực phẩm từ đồng ruộng có thể lên thẳng bàn ăn gia đình của người tiêu dùng, không qua khâu trung gian nên giá cả hợp lý và vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo hơn. Tồn tại bên chợ nổi Cái Răng nổi tiếng trong và ngoài nước thì chợ bên sông Cái Răng cũng mang nhiều nét văn hóa đặc sắc không kém.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/cho-cai-rang-dam-tham-net-duyen-que-d164228.html