Chớ có dại mà thử!

Tôi không biết bóng đèn điện do các nước khác sản xuất có giống như ở nước Anh hay không. Ở nước Anh, trên các vỏ hộp bóng đèn điện đều phải in dòng chữ cảnh báo 'do not put that object to your mouth' (nghĩa là không được cho vật này vào trong miệng bạn).

Vậy thì có người định cho cái vật này vào miệng thật ư? Người Anh cũng có lúc thật là vớ vẩn! Tôi xin nói cho bạn biết, điều đó tuyệt đối không có.

Một hôm, tôi cùng với một anh bạn người Ấn Độ ở nhà xem vô tuyến và có trao đổi với nhau về việc đó. Anh ta khẳng định chắc chắn rằng khi học tiểu học, sách giáo khoa cũng có đề cập, rằng nếu cho bóng đèn vào miệng nó sẽ bị mắc kẹt, vô luận cách gì đều không thể lấy ra được.

Anh ấy nói rằng, sách nói như thế là chuẩn nhưng tôi lại rất hoài nghi điều đó; tôi cho rằng bề mặt bóng đèn vừa trơn lại vừa nhẵn, đã cho được vào miệng ắt là kiểu gì cũng sẽ lấy ra được.

Nhưng, anh chàng Ấn Độ si ngốc kia lại nói rằng, phàm cái gì mà sách đã viết ra thì đều là chính xác; thái độ khăng khăng cố chấp của anh ta khiến tôi tức giận, nói anh ta là đồ ngốc. Anh ta mắng lại tôi là cái đồ đã mù tịt tiếng Anh lại lười không chịu đọc sách. Thế là chúng tôi cãi nhau.

Tôi tức giận về nhà, ném phịch người lên giường, mân mê trên tay một chiếc bóng đèn cỡ trung bình, nghĩ ngợi mông lung, nghĩ đến anh bạn Ấn Độ ương bướng kia, lại thấy mình chẳng có gì là sai cả mà còn có tinh thần của một nhà khoa học nữa ấy chứ...

Minh họa trong trang của Lê Tâm

Minh họa trong trang của Lê Tâm

Thế là, tôi quyết định tìm cách để chứng minh cho anh ta thấy. Đương nhiên, tôi cũng phải có một giải pháp để bảo đảm an toàn cho mình, tôi mua một lọ dầu cải về để nếu như không lấy được bóng đèn ra thì sẽ nhờ đến sự nhờn bóng, trơn nhẫy của dầu cải giúp sức.

Cứ thế, chẳng nói thêm một lời, tôi cho cái bóng đèn vào và chưa đầy một giây sau nó đã nằm gọn trong miệng tôi, xoay trở dễ dàng. Cứ như thế này thì việc lấy cái bóng đèn ra khỏi miệng sẽ tuyệt đối không có vấn đề gì.

Nghĩ đến cái anh bạn Ấn Độ ngốc nghếch lại mới thấy người Trung Quốc mình vừa trí tuệ lại vừa quả cảm, thế là tôi cầm cái bóng đèn xoay nhẹ, tốt; tôi thêm lực, xoay cái bóng đèn: OK; tôi há to miệng một chút nữa, không sợ, tôi mở miệng hết cỡ, dùng thêm lực để lấy cái bóng đèn ra.

Ầy dà, không được rồi, tôi bắt đầu tra dầu hạt cải, 30 phút sau có đến ¾ số dầu đã được đổ vào miệng tôi, một nửa số dầu đó đã đi và sâu trong bụng tôi rồi mà chiếc bóng đèn quái ác vẫn bất động.

Đến lúc ấy, chỉ còn có thể dùng điện thoại để cầu cứu, đúng lúc vừa ấn bàn phím, tôi mới sực nhớ ra là miệng mình đang bị cái bóng đèn vít chặt thế, nói làm sao được nữa? Bấy giờ, chỉ còn cách nhờ hàng xóm giúp đỡ. Tôi lấy một mảnh giấy, viết vào đó mấy chữ rồi tìm bà cụ nhà hàng xóm.

Thấy tôi, bà vội vàng hô to “Cứu mạng!”, tôi lập tức đưa mảnh giấy cho bà ấy xem “please call me a taxi and tell the driver to take hospital” (xin hãy gọi giúp một chiếc taxi và nói với lái xe đưa tôi đến bệnh viện).

Bà ấy xem khoảng chừng một phút, sau đó cười như người phát rồ.

Mười lăm phút sau, xe taxi tới. Mặc dù xe chưa dừng, người lái xe đã nhìn tôi, cười, ngồi trên xe cứ liên tục hỏi tôi tại sao lại làm như thế, rằng miệng tôi to, nhỏ thế nào, rằng nếu anh ta là tôi thì đã chẳng có vấn đề gì xảy ra. Nhìn qua kính chiếu hậu của lái xe, tôi thấy miệng anh ta quả là rất rộng, nhưng tôi rất muốn nói với anh ta, vô luận kiểu gì thì cũng không được làm thử nhưng thật đáng thương là tôi không tài nào mở miệng ra mà nói được nữa! Trong gương chiếu hậu, trông tôi giống như đang ngậm một con cá vàng.

Vào đến bệnh viện, tôi bị người hộ lý mắng cho một trận khoảng hơn mười phút, rằng tôi làm mất thời gian của họ rồi còn bắt tôi phải xếp hàng đợi khoảng hai tiếng rưỡi. Bạn hình dung thử xem, hai tiếng rưỡi đối với một người đang bị nạn như tôi thì là thời gian khổ sở đến chừng nào, vậy mà còn bị mọi người lén cười chế giễu.

Bác sỹ lấy bông, gạc đắp lên quanh miệng tôi, sau đó bấm vỡ cái bóng đèn rồi mới gắp từng miếng vỡ một ra, miệng tôi bị sưng, tấy lên rất to. Cuối cùng, bác sỹ dặn tôi là không bao giờ được thử ngậm bóng đèn lần nữa, đồng thời nhất định phải nói cho người khác biết được những trải nghiệm vừa qua của mình và tôi đã phải hứa với ông rằng mình sẽ làm như thế.

Rời khỏi bệnh viện, tôi cứ nghĩ rằng trên quả đất này nhất định sẽ không có sinh vật nào ngu ngốc như tôi. Đang lúc mở cửa đi ra thì đụng phải một người, là người lái xe taxi vừa mới chở tôi vào hồi nãy, trong miệng anh ta cũng đang ngậm một chiếc bóng đèn điện!

Trần Dân Phong (dịch)

Truyện vui của Trật Danh (Trung Quốc)

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/cho-co-dai-ma-thu-610028/