Chờ cơ hội rõ rệt hơn
Thị trường tiếp tục trên đường giảm, lực mua bắt đáy khi cầu ngoại đã có vẻ cân bằng không còn mạnh mẽ khiến giá trị khớp lệnh các phiên gần đây rớt xuống dưới 10.000 tỷ đồng.
Biên độ tăng giá vô cùng hẹp và diễn biến quá nhanh của các nhóm cổ phiếu khi hôm trước mới tăng trần, hôm sau đã giảm mạnh gây khó chịu và mất phương hướng với nhiều nhà đầu tư. Khối lượng giao dịch hàng ngày giảm mạnh không hẳn là thiếu cơ sở, một bộ phận lớn nhà đầu tư đã chọn đứng ngoài quan sát thêm.
Tuần qua, những thông tin về cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước và các doanh nghiệp bất động sản thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Nhưng thông điệp từ cuộc họp không có gì mới mẻ khi tựu chung lại, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước vẫn là yêu cầu doanh nghiệp cân đối dòng tiền trước khi chờ đợi chính sách hỗ trợ.
Đặc biệt, trong câu chuyện xử lý trái phiếu doanh nghiệp, cơ quan quản lý vẫn nhấn mạnh thông điệp các chủ thể phải tự thân vận động cân đối dòng tiền của mình, hệ thống ngân hàng vẫn phải đảm bảo được ổn định, an toàn hệ thống. Do đó, những hỗ trợ ngắn hạn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp là chưa có.
Mong muốn nhà đầu tư không kỳ thị với trái phiếu doanh nghiệp, một cấu phần quan trọng của thị trường vốn như lời Bộ trưởng Bộ Tài chính trao đổi với báo chí, dường như rất xa vời khi niềm tin ngày một vơi trước tình trạng doanh nghiệp liên tiếp xin giãn, hoãn trả gốc và lãi trái phiếu đến hạn.
Việc giảm lãi suất hầu hết cũng chỉ mang tính chất hình thức, bởi khảo sát của Đầu tư Chứng khoán cho thấy ở nhiều ngân hàng tư nhân, lãi suất vẫn khá cao bằng cách tặng thêm quà, bằng các dạng sản phẩm khác có bản chất là tiền gửi tiết kiệm nhưng thể hiện ở các tên khác.
Khi tâm lý nhà đầu tư còn mong manh, nhiều thông tin liên quan đến giao dịch, hoạt động của doanh nghiệp niêm yết khó kiểm chứng lại xuất hiện. Trong phiên cuối tuần qua, cổ phiếu EIB giảm sàn được cho là xuất phát từ những ảnh hưởng như vậy.
Ngỡ rằng sóng yên bể lặng để ngân hàng này hoạt động ổn định trở lại, nhưng đại hội cổ đông bất thường lần 1 thất bại ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã cho thấy con đường còn gập gềnh. Những diễn biến trước thềm đại hội bất thường lần 2 dự kiến ngày 14/2/2023 tới có thể tác động khó lường tới thị trường chung khi tâm lý các thành viên đang rất mong manh.
Ở góc độ phân tích kỹ thuật, MA 150 ngày đang là kháng cự mạnh của VN-Index, có thể phải mất một thời gian tích lũy mới vượt được vùng này.
Có không ít nhà đầu tư lo lắng khi nhìn lại diễn biến thị trường năm 2018-2019, khi VN-Index có một giai đoạn đi ngang biên độ 20% theo hướng răng cưa, lình xình và bào mòn tài khoản của phần lớn nhà đầu tư.
Dù vậy, có một điểm khác, đó là VN-Index đi ngang trong giai đoạn 2018-2019, thời điểm định giá thị trường không hấp dẫn. Cụ thể, P/E của thị trường khi tạo đỉnh tại tháng 4/2018 rất cao, đỉnh điểm tại mức 22 lần. Trong suốt quá trình thị trường đi ngang năm 2018-2019, P/E vẫn cao hơn trung bình chứ không hề thấp. Còn ở hiện tại, P/E ở mức thấp hơn trung bình rất nhiều. P/E của thị trường đang cách rất xa P/E trung vị. P/E trung vị của VN-Index nằm ở 14,13 - tương đương với 1.300 điểm, còn hiện tại, P/E thị trường chỉ ở mức 11,5.
Liệu điều này có hàm ý rằng, khi thị trường sụt giảm, dòng tiền giá trị sẽ chảy vào, nếu mua đâu là những cơ hội nên xem xét. Đây cũng là phần thảo luận sôi nổi tại Hội thảo “Cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới” mà Báo Đầu tư tổ chức tuần qua và được Đầu tư Chứng khoán thông tin đậm trong Tiêu điểm số báo này. Bám sát thị trường và tĩnh tâm nắm bắt cơ hội mới đang là tâm thế nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/cho-co-hoi-ro-ret-hon-post314973.html