Chợ 'cóc' hoạt động tại Khu đô thị Linh Đàm: Bất cập từ quy hoạch đô thị

Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19, TP Hà Nội đã yêu cầu chính quyền các quận, huyện kiểm tra, xử lý nghiêm hàng rong, chợ 'cóc' lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh. Có thể khẳng định, đây là biện pháp cần thiết, hợp lý. Song, thực tế cho thấy, việc triển khai các quy định này tại một số khu vực, đặc biệt là những khu vực đông dân cư hiện gặp không ít khó khăn.

Chợ ''cóc'' họp dưới chân tòa nhà HH4B, HH4C, HH3A, HH3B cụm tòa nhà HH Linh Đàm.

Chợ ''cóc'' họp dưới chân tòa nhà HH4B, HH4C, HH3A, HH3B cụm tòa nhà HH Linh Đàm.

Có cầu ắt có cung
Cụm tòa nhà HH, Khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) gồm 12 tòa nhà với khoảng 10.000 căn hộ được xây dựng trên diện tích hơn 3.500m2 với 33.000 nhân khẩu. Đây là một trong những khu vực có mật độ dân cư đông nhất của TP Hà Nội (trung bình 9 người/m2). Tuy nhiên, những yếu kém của hạ tầng, quy hoạch đã khiến công tác quản lý trật tự đô thị, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè… tại khu vực này gặp không ít khó khăn.

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại tuyến đường sắt với cụm tòa nhà HH4B, HH4C một dãy chợ “cóc” với hàng chục gian hàng vẫn hoạt động từ sáng đến tối. Tại đây, hàng hóa đủ loại, từ vật dụng thiếu yếu, rau củ quả, đồ khô đến tất cả các loại thực phẩm tươi sống... đều được bày trên vỉa hè. Hầu hết các hộ kinh doanh khi đến chợ đều chấp hành nghiêm quy định về việc đeo khẩu trang nơi công cộng, song việc tồn tại của dãy chợ “cóc” này đang đi ngược lại các quy định của TP về việc phòng, chống dịch Covid-19.
Thực tế, hàng ngày, chính quyền địa phương cũng thường xuyên kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm. Thế nhưng, kiểm tra, xử lý vi phạm là một chuyện, giải tỏa triệt để lại là chuyện khác. Theo lý giải của chị Nguyễn Thị Nga, một cư dân sống tại cụm tòa nhà HH Linh Đàm, với khoảng 33.000 nhân khẩu nơi đây chỉ có một khu vực được bố trí để họp chợ, buôn bán, quá nhỏ so với nhu cầu của người dân. Có cầu ắt có cung, hàng quán, hàng rong từ mọi nơi đua nhau “đổ bộ” về khu vực này là điều khó tránh khỏi.
Cần hài hòa lợi ích các bên
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Mạnh Hà - cán bộ phụ trách Đô thị phường Hoàng Liệt cho biết, tình trạng người dân lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tại khu vực cụm tòa nhà HH, Khu đô thị Linh Đàm đã diễn ra từ lâu. Lực lượng chức năng phường vẫn thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm, song việc xử lý dứt điểm gặp không ít khó khăn do nhu cầu của người dân là có thực và rất lớn.

Ông Nguyễn Mạnh Hà thông tin thêm, để đảm bảo trật tự đô thị, hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19 có thể xảy ra, từ 14/6, lực lượng chức năng phường sẽ làm việc với Bí các thư chi bộ, Tổ trưởng dân phố và Ban quản lý tòa nhà… để thống nhất phương án hạn chế phương tiện qua khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng họp chợ sai quy định.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, nếu được thông qua, lực lượng chức năng phường sẽ dựng rào chắn tại đầu tuyến đường, ngăn chặn phương tiện, người dân ở các khu vực vãng lai vào chợ. Đồng thời, yêu cầu Ban quản lý tòa nhà tăng cường tuyên truyền các quy định về phòng, chống dịch đối với cư dân tại tòa nhà, đo thân nhiệt đối với những người dân xuống chợ buôn bán…
Một số chuyên gia quản lý đô thị cho rằng, để xảy ra tình trạng trên, nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ quy hoạch của khu đô thị. Theo lý giải của chuyên gia, cụm nhà HH chỉ có diện tích hơn 3.500m2 nhưng lại có dân số tương đương một phường. Trong khi đó, hệ thống cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân lại rất yếu và thiếu. Do đó, biện pháp mà các lực lượng chức năng phường Hoàng Liệt đang dự kiến triển khai là rất đáng hoan nghênh. Bởi, trước mắt nó sẽ hạn chế được tình trạng tụ tập đông người, khoanh vùng được đối tượng xuống chợ và quan trọng nhất là đảm bảo cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, về lâu dài, TP Hà Nội cần xem xét điều chỉnh, bố trí khu vực xây dựng chợ để đảm bảo cuộc sống của người dân.

Trình Vũ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cho-coc-hoat-dong-tai-khu-do-thi-linh-dam-bat-cap-tu-quy-hoach-do-thi-423471.html