Cho con bờ vai

Khi sinh ra hoặc trong quá trình trưởng thành, con trẻ không may có những khiếm khuyết. Cha mẹ cần bình tĩnh để có biện pháp can thiệp sớm nhằm giúp con phát triển tốt hơn.Bình tĩnh để nuôi dạy con đúng cách

Những cha mẹ có con bị khiếm khuyết thường có tâm lý hoang mang, lo lắng vì không biết phải đối mặt như thế nào trước vấn đề con đang gặp phải. Họ đưa con đi kiểm tra ở các phòng khám, nhờ tư vấn từ các chuyên gia hoặc hỏi mọi người xung quanh. Song, vẫn còn nhiều phụ huynh chủ quan, đưa con đi khám và có những chẩn đoán về nguy cơ của con nhưng họ vẫn hoài nghi, không tin những vấn đề con gặp phải. Bên cạnh đó, có những phụ huynh tìm đến các cách chữa trị không đủ cơ sở khoa học. Điều này, ảnh hưởng đến việc phát hiện và hỗ trợ điều trị kịp thời cho trẻ.

Chị Nguyễn Thị Thiên Ý, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), dành nhiều thời gian vui chơi cùng con.

Chị Nguyễn Thị Thiên Ý, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), dành nhiều thời gian vui chơi cùng con.

Theo Giám đốc Trung tâm Can thiệp sớm và hỗ trợ giáo dục hòa nhập Edunow (TP.Đà Nẵng) Phan Xuân Thông, cách phát hiện thông thường và phổ biến nhất thông qua việc so sánh con mình với những đứa trẻ cùng trang lứa thì sẽ dễ dàng nhận ra những bất thường của trẻ. Ngày nay, có những sàng lọc đơn giản, phụ huynh có thể tìm hiểu các mốc phát triển của trẻ để sớm phát hiện những bất thường của con. Đối với trường hợp trẻ rối loạn về ngôn ngữ thì sự hỗ trợ của phụ huynh, người thân là rất quan trọng. Phụ huynh cần dành nhiều thời gian tương tác với con qua gương mặt, cử chỉ, điệu bộ.

“Chúng ta chỉ cần nhìn nhận lại quá trình trưởng thành của bản thân để có sự tương tác với con thông qua các hoạt động thường ngày. Đặc biệt, bản năng làm mẹ giúp phụ huynh tương tác với con một cách hữu ích nhất. Trường hợp cần sự hỗ trợ từ các nhà tư vấn chuyên môn thì phụ huynh bám sát liệu trình để hỗ trợ con. Sau đó, chúng ta mới nghĩ đến việc đưa trẻ đến các trung tâm để có sự can thiệp, hỗ trợ”, ông Phan Xuân Thông cho biết.

Thạc sĩ Lê Thị Duyên - giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, rào cản lớn nhất đó là phụ huynh khi phát hiện con có những khiếm khuyết thường rất lo lắng, đôi khi có cảm nhận rằng con như thế thì không thể phát triển được. Điều này làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Do đó, phụ huynh cần thay đổi quan điểm về việc nhìn nhận khả năng của trẻ khuyết tật.

Các con cũng có những nhu cầu riêng, những khả năng cần được nhìn nhận để trẻ phát triển một cách tốt nhất. Thế nên, phụ huynh cần có kỹ năng tương tác, kỹ năng lắng nghe. “Nhiều khi phụ huynh lo lắng quá mức dẫn đến những lời nói, hành vi, thái độ ứng xử không phù hợp, làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển của trẻ. Thay vào đó, chúng ta có thể thay đổi bằng cách hỗ trợ hoặc có những biện pháp tác động phù hợp để các con hòa nhập trong học tập, giao tiếp và tham gia các hoạt động xã hội”, thạc sĩ Lê Thị Duyên cho hay.

Điều quan trọng là phụ huynh thay đổi tư tưởng, quan điểm, nhìn nhận con là đứa trẻ có khả năng, có thể phát triển, có thể hòa nhập. Từ đó, phụ huynh có động lực để có sự hỗ trợ con một cách tốt nhất. Giai đoạn sớm là giai đoạn vàng cho con, vì vậy việc sớm phát hiện và có sự can thiệp hỗ trợ sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn.

Làm chỗ dựa cho con

Chị Nguyễn Thị Thiên Ý (32 tuổi), ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), có con gái 6 tuổi đang theo học tại Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển giáo dục hòa nhập Tâm Việt (TP.Quảng Ngãi). Chị Ý kể, năm con gái được 3 tuổi, tôi nhận thấy con nghe kém và chậm nói. Vậy nên, tôi đưa con vào TP.Hồ Chí Minh để thăm khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị khiếm thính và cho bé đeo máy trợ thính. Đến năm bé 4 tuổi, vợ chồng tôi cho cháu theo học tại Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển giáo dục hòa nhập Tâm Việt. Sau 2 năm học tại trung tâm, bé đã có thể nói theo nhưng chưa rõ, biết làm những phép tính đơn giản.

Giáo viên Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển giáo dục hòa nhập Tâm Việt (TP.Quảng Ngãi) hỗ trợ trẻ phát triển khả năng tư duy.

Giáo viên Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển giáo dục hòa nhập Tâm Việt (TP.Quảng Ngãi) hỗ trợ trẻ phát triển khả năng tư duy.

Trước đây, chị Ý rất tự ti vì con có khiếm khuyết. Song, khi tiếp xúc với các cô giáo, phụ huynh của những trẻ có khiếm khuyết, chị nhận thấy mình vẫn còn may mắn vì con vẫn có thể sinh hoạt bình thường. Đó là động lực để chị tiếp tục cố gắng, đồng hành hỗ trợ con phát triển. “Ban ngày, cháu học ở trung tâm. Tối về, ba mẹ dành thời gian nói chuyện, tương tác với con. Con không thể học nhanh như các bạn bình thường. Mỗi ngày, con phát triển một ít thôi là vợ chồng tôi đã vui rồi”, chị Ý bộc bạch.

Các sản phẩm thủ công do học sinh Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (Nghĩa Hành) tự tay làm.

Các sản phẩm thủ công do học sinh Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (Nghĩa Hành) tự tay làm.

Thực tế cho thấy, nhiều cha mẹ có con bị rối loạn hành vi thường bối rối dẫn đến những hành vi đánh đập, la hét, hoặc thường có xu hướng chăm sóc, đáp ứng yêu cầu của con vô điều kiện. Điều này làm cho đứa trẻ không hiểu được giới hạn khi hòa nhập xã hội. Vì vậy, phụ huynh phải thiết lập được giới hạn trong gia đình. Trẻ cần bắt đầu hòa nhập từ trong môi trường gia đình để dễ dàng hòa nhập khi ra ngoài xã hội. Giám đốc Trung tâm Can thiệp sớm Sơn Ca (TP.Đà Nẵng) Đào Nguyên Tú cho rằng, để quản lý hành vi của trẻ, phụ huynh phải biết các nguyên tắc thông qua sự hỗ trợ của các chuyên gia, như các kỹ thuật quản lý hành vi, sự phối hợp giữa các thành viên trong gia đình và thống nhất giữa các môi trường trung tâm, trường học, gia đình để có sự hỗ trợ tích cực cho trẻ.

Muốn hình thành hành vi tốt cho trẻ thì cha mẹ phải tạo cơ hội cho trẻ được hình thành hành vi từ nhiều môi trường khác nhau. Song, hành vi của trẻ phần lớn ảnh hưởng từ môi trường giáo dục gia đình. Trong đó, cha mẹ là những tấm gương, cần có hành vi cư xử đúng mực để con noi theo.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/doi-song/202408/cho-con-bo-vai-5ca16fc/