Cho con học nội trú, phụ huynh có yên lòng?
Con vừa nghỉ hè, chị đã mua vé máy bay để mấy mẹ con vào TP. Hồ Chí Minh tìm hiểu về một ngôi trường PTTH nội trú có tiếng ở thành phố này. Với mức học phí gần 20 triệu đồng một tháng, dù đắt đỏ nhưng nếu trong môi trường này mà con mình nên người thì chị cũng tằn tiện chi tiêu để cho con theo học.
Vào tìm hiểu, chị thấy đúng như những thông tin mình có được trước đó: trường đẹp, chỗ ăn ở, học hành đều đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đội ngũ giáo viên và quản lí nhà trường có kinh nghiệm, hoàn toàn chiếm được lòng tin của các bậc phụ huynh dù khó tính nhất. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở con chị chứ không phải ngôi trường đó như thế nào. Trước khi theo mẹ vào đây, con chị đã tuyên bố rằng chấp nhận đi học xa nhà nếu ngôi trường mà nó theo học có tiêu chuẩn quốc tế. Nay trường học thì đã đáp ứng đúng tiêu chuẩn của con, nhưng những tiêu chuẩn kèm theo khi vào đến nơi thì chị khó chấp nhận. Đó là vào ngày thứ 7, chủ nhật hay dịp lễ, thay vì về thăm nhà hoặc nhà bà con ở thành phố, nó yêu cầu chị thuê khách sạn để nghỉ ngơi cho yên tĩnh cùng với việc hằng tháng cho một khoản tiền không nhỏ để sinh hoạt cá nhân.
Quyết định cho con học xa, ngoài việc muốn con có một môi trường rèn luyện tốt, chị còn vì lí do bất lực trong việc dạy dỗ con mình. Nhưng trước những yêu cầu đó của con, chị không thể chấp nhận được. Lấy lí do cần thêm thời gian để chuẩn bị tiền, chị đưa con quay về nhà. Câu chuyện cho con đi học xa của chị H. có nguyên nhân từ ngày mở quán buôn bán, chị suốt ngày bận rộn với hàng hóa nên thời gian dành cho con ít hơn. Anh chị có hai đứa con, một trai một gái đuề huề, đứa nào từ nhỏ cũng được khen là sáng sủa, ngoan hiền nên chị rất tự hào về con. Trước đây, chị H. làm ở một cơ quan nhà nước, lương tuy không nhiều nhưng với mức sống ở thành phố này cũng đủ chi tiêu, quan trọng là có thời gian đón đưa con cái đi học. Vài năm gần đây, nghe lời người bạn, chị H. làm quen với chuyện buôn bán. Đầu tiên là “chân trong chân ngoài”, dần dần thấy việc buôn bán có lời, chị H. xin nghỉ việc để chuyên tâm hơn vào công việc này. Tuy tay ngang nhưng nhờ việc làm ăn thuận buồm xuôi gió nên kinh tế gia đình chị phất lên trong thấy. Phần muốn tập trung cho buôn bán, phần chủ quan vì con mình vốn ngoan hiền từ nhỏ nên dần dần, chị H. để con tự lập trong học tập và sinh hoạt. Chị mua cho con gái một chiếc xe đạp điện để chủ động trong việc đi lại.
Trước đây, con đi đâu chị cũng đón đưa, nay mua xe cho con chị thấy mình rảnh tay rảnh chân hẳn ra. Chị nghĩ, tập cho con tính tự lập vậy cũng hay. Điều chị không nghĩ là từ năm lên cấp 2, con gái chị có nhiều mối quan hệ bạn bè hơn mà nhiều trong số đó chị không hề hay biết. Mỗi lần con chị xách xe ra khỏi nhà đều nhắn với chị là đi học hoặc sang nhà bạn này, bạn nọ học bài. Tin con, chị không kiểm tra. Vì thế, khi nghe cô chủ nhiệm thông báo về tình hình học hành bê trễ của con, chị không tin vào tai mình. Con chị vốn học giỏi từ lớp 1, lại nghe lời người lớn nên không thể có kết quả như vậy. Tuy nhiên, trước điểm số mà cô giáo chủ nhiệm đưa ra, chị không có lí do để không tin. Chị càng tin hơn khi mang kết quả đó về cho con gái xem, đồng thời với việc quản lí con chặt hơn trước thì con bé bắt đầu có phản ứng. Lúc đầu chỉ vùng vằng, sau thì tỏ thái độ bất hợp tác ra mặt. Chị cấm con đi xe đạp điện thì chỉ 5 phút sau đã có bạn đến bấm còi inh ỏi trước cổng nhà. Chị nhắc học bài thì nó đóng cửa ngồi lì trong phòng. Quen với sự tự do, giờ bị mẹ quản chặt về thời gian và chuyện học hành nên con gái chị phản ứng dữ dội. Suốt năm cuối cấp 2, chị tìm đủ mọi cách để đưa con về với nếp sinh hoạt cũ nhưng không thu được kết quả như ý muốn. Giải pháp cho con đi học xa tưởng khả thi nhưng cuối cùng cũng không ổn, vì mỗi khi con gái chị không nghiêm túc trong suy nghĩ thì khó có thể tiến bộ dù môi trường trường nội trú có nghiêm đến đâu.
Những ngày ở TP. Hồ Chí Minh, chị có dịp làm quen với một số phụ huynh ở các tỉnh thành khác cùng chung mục đích với mình: tìm một địa chỉ trường nội trú uy tín, phù hợp với thu nhập để gửi con. Đúng là “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, ai gửi con vào đây cũng có lí do đặc biệt của mình. Người thì bận kinh doanh, không có thời gian đưa đón, chăm sóc con cái; người thì vì gia đình neo người, không theo sát được con; cũng có trường hợp trẻ nghiện game, lêu lổng, không chịu học hành khiến ba mẹ không quản được… Có cả ngàn lẻ một lí do khiến phụ huynh quyết định gửi con vào trường nội trú, cho dù họ phải chịu đựng sự xa cách, thương nhớ con và không ít người day dứt một thời gian dài về quyết định này. Có phụ huynh tâm sự với chị: “Con đang tuổi lớn, từng ngày các con lớn lên hay khoảnh khắc dậy thì của con đều được giáo viên nội trú phát hiện và chia sẻ thay vì cha mẹ nên cũng xót xa lắm. Nhưng bù lại, tôi mong con mình có một môi trường tốt để học tập và trưởng thành hơn trong cuộc sống”.
Trên thực tế, có rất nhiều gia đình thành công trong việc cho con đi học trường nội trú ở các thành phố lớn. Trong môi trường nghiêm khắc đó, con cái họ được học hành tốt hơn, trưởng thành hơn và có ý thức tự lập cao. Trước đây, khi nghe những câu chuyện đó, chị đã từng hi vọng rằng khi bỏ ra số tiền lớn như vậy, rồi con mình cũng sớm được rèn giũa để trở thành một cô bé chính chắn, biết ý thức hơn về điều phải trái trong cuộc sống. Nhưng qua đợt đưa con vào TP. Hồ Chí Minh tìm trường, trước sự đòi hỏi của con, chị hiểu rằng mục đích của con vào đây không phải để học tập mà để tận hưởng một cuộc sống sang chảnh. Chị cũng hiểu thêm rằng không phải đứa trẻ nào khi rời xa gia đình đều có ý thức tự lập và phấn đấu trong học tập. Do đó, điều đầu tiên khi trở về nhà, chị đã thu gọn việc buôn bán để dành thời gian cho con nhiều hơn, nhất là động viên con lựa chọn ngôi trường phù hợp và tập trung cho kì thi vào THPT.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=140135