Chợ Đà Nẵng tấp nập ngày cuối năm

Ngày 30 Tết, trước khi đóng cửa các chợ vào lúc 12 giờ trưa, người dân, tiểu thương vẫn vội vã, tấp nập với người bán, người mua để có thể bán hết các mặt hàng, cũng như kịp mua những đồ cần thiết trong nhà để chuẩn bị mâm cỗ, đón khách những ngày Tết.

Người, xe tấp nập tại chợ.

Người, xe tấp nập tại chợ.

Từ 5 giờ sáng, chợ đã đông đúc người dân đến mua sắm, rau xanh, trái cây, hoa tươi, trầu cau là những mặt hàng đắt khách nhất. Thời gian trước đó là hoạt động bán sỉ.

Cô Nguyễn Thị Ngọc (sinh năm 1967), trồng mấy sào các loại xà lách, rau ngò, cải để bỏ sỉ cho các tiểu thương tại chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu). Từ sáng tinh mơ, cô đã thu hoạch hết lứa rau cuối cùng trong vườn để bỏ chợ. Những tháng cuối năm, cô chọn trồng các loại rau được người dân lựa chọn sử dụng nhiều trong Tết, giá cả cũng ổn nên năm nay, cô có thêm chút đồng ra đồng vào.

Cô Ngọc chia sẻ: “Năm nào tôi cũng ráng nhập rau tới ngày cuối năm, vì bạn hàng cũng gọi đặt nhiều, lại thêm đây là thời điểm dễ tiêu thụ nên cũng cố gắng làm. Còn lứa rau non thì nhắm đến sau Tết tầm mồng 4, mồng 5 đã có thể thu hoạch để bán”.

Rau củ dồi dào.

Rau củ dồi dào.

Ghi nhận chung, giá các mặt hàng hoa cành tương đối ổn định. Hoa cúc cành từ 15.000-30.000 đồng/cành tùy loại; hoa cúc đại đóa 45.000-55.000 đồng/chục; hoa ly từ 280.000-380.000 đồng/bó… Tuy nhiên, cũng có một số loại hoa giá “nhảy múa” tùy loại.

Bên cạnh đó, các mặt hàng trái cây giá giảm 5.000-10.000 đồng/kg so với 2 ngày trước. Như Thanh long có giá từ 30.000-50.000 đồng/kg; bưởi da xanh 45.000-55.000 đồng/kg; cam canh 55.000 đồng/kg; dưa hấu 15.000-25.000 đồng/kg tùy loại; chuối từ 55.000-200.000 đồng/nải tùy loại; phật thủ 50.000-150.000 đồng/quả tùy loại, tùy trọng lượng.

Trưởng Ban Quản lý chợ Đầu mối Hòa Cường Diệp Hoàng Thông Anh cho biết: “Từ ngày 26 Tết đến 28 Tết, rau, củ, quả, trái cây nhập về chợ đầu mối vào khoảng 1.200 tấn/ngày, tăng gấp 4 lần so với ngày thường. Nguồn cung dồi dào đảm bảo cung ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân dịp Tết. Trong ngày 29 và 30, hầu như các đầu mối nhập sỉ không còn nhập hàng mà tập trung phân phối hàng sỉ đã nhập những ngày trước đó, giá cả chỉ tăng nhẹ.

Tại các chợ, giá rau xanh bán lẻ vẫn tăng, nhất là các mặt hàng rau được người dân chọn lựa nhiều. Cụ thể, xà lách 50.000-60.000 đồng/kg; ngò 12.000-15.000 đồng/bó; rau muống, mồng tơi, rau khoai lang từ 15.000-20.000 đồng/bó;…Ngoài ra, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như cá, hải sản cũng ghi nhận tăng giá so với ngày thường.

Hoa cành để cúng cũng không thiếu ngày Tết.

Hoa cành để cúng cũng không thiếu ngày Tết.

Buổi sáng cuối năm ở chợ, không khí rộn ràng tấp nập mua bán. Nhiều người chọn ngày cuối để mua những mặt hàng tươi, để được lâu hơn; nhiều người còn thiếu vài món đồ trong căn bếp để mâm cỗ được tươm tất. Trong khi đó, các tiểu thương cũng muốn bán thêm để có ít thu nhập.

Chợ truyền thống tại thành phố Đà Nẵng họp đến 12 giờ trưa ngày 30 Tết, sau đó sẽ tạm đóng cửa để vệ sinh, dọn dẹp chuẩn bị đón giao thừa. Sau Tết, nhiều tiểu thương sẽ chọn ngày đẹp để bán mở hàng lấy may mắn đầu năm. Đa số là tiểu thương bán rau củ, một số hàng tươi sống.

THANH TÂM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cho-da-nang-tap-nap-ngay-cuoi-nam-post735777.html