Chợ đặc sản vùng miền thu hút khách sắm Tết
Bắp chuối rừng, rau rừng, mật ong rừng,... là những sản phẩm được đồng bào các tỉnh bày bán ở Phiên chợ OCOP - đặc sản địa phương tại TPHCM. Tuy nhiên, những sản phẩm này nhanh chóng rơi vào tình trạng 'cháy hàng'.
Phiên chợ OCOP – đặc sản địa phương được Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và Chương trình trao đổi lâm sản ngoài gỗ (NTFP-EP) Việt Nam tổ chức, thu hút lượng lớn khách hàng mua sắm Tết.
Điểm đặc biệt của phiên chợ là quy tụ rất nhiều đặc sản độc lạ của bà con thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số Dao, Ba na, Ê đê, S’Tiêng, Rak Ray… tại Quảng Ninh, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận…
Điển hình, đặc sản của tỉnh Quảng Ninh có trà hoa vàng Ba Chẻ, kompucha trà hoa vàng, rượu ba kích tím, măng mai. Gia Lai có gạo bọc thép K’Bang, trà dây rừng, rượu cần Đăk Giang, nấm linh chi…
Tỉnh Kon Tum có đặc sản môn dóc, đọt mây, dừa rừng, rau thơm, lá dong gói bánh, rượu chòi mòi và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm Ba na. Đắk Lắk có nước rửa chén bò hồn, cao gội, cao tắm...
Giới thiệu khách dùng thử hạt kơ-nia giòn giòn, béo bùi rất lạ, chị Xuân Thy (Đắk Lắk) cho biết, đây là hạt rừng kơ-nia được bà con đồng bào hái từ trong rừng. Sau khi hái về, người dân sẽ đập quả để lấy nhân hạt, phơi khô và rang lên với cát. Sản phẩm được giới thiệu có nhiều dinh dưỡng và hoàn toàn tự nhiên.
Ghi nhận, phiên chợ "vừa lạ, vừa quen" này liên tục thu hút một lượng lớn người dân tham gia mua sắm. Thậm chí, nhiều người dân tỏ ra tiếc nuối khi các mặt hàng quan tâm và dự định mua sắm lại rơi vào tình trạng “cháy hàng”.
Bà Nguyễn Minh Dung (quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Tôi từng mua sắm từ phiên chợ này mấy năm nay nên có kinh nghiệm nhiều. Mặc dù đến mua từ rất sớm nhưng tiếc là có một số mặt hàng hết vì quá đông người mua.
Theo bà Dung, đến mua hàng Tết tại phiên chợ đặc sản không lo ngại về chất lượng và an toàn thực phẩm vì đa phần các đặc sản đến từ đồng bào các tỉnh.
Đa dạng sản phẩm bản địa
Ông Lê Viết Bình – Phó Chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phụ trách khu vực phía Nam cho biết, Việt Nam với 54 dân tộc anh em, là một kho tàng vô cùng quý báu và đa dạng các sản phẩm bản địa, đặc sản vùng miền.
“Thông qua Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), vì vậy OCOP đã và đang từng bước khẳng định được giá trị, chất lượng trên thị trường trong và ngoài nước. Hiện, các sản phẩm OCOP 5 sao đã trở thành niềm tự hào của quốc gia trong các sự kiện ngoại giao quốc tế”, ông Bình nhấn mạnh.
Tính đến cuối năm 2024, cả nước có trên 14.642 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 3.586 sản phẩm so với năm 2023), trong đó 73,2% sản phẩm 3 sao, 23,5% sản phẩm 4 sao, 51 sản phẩm 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao có 8.086 chủ thể OCOP.
Chia sẻ về phiên chợ, bà Trịnh Thị Mỹ Dung – Quản lý NTFP-EP Việt Nam cho hay, NTFP-EP nhằm mục đích bảo tồn rừng và đồng thời phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương. Trong đó có áp dụng tiêu chuẩn đánh giá sản xuất hữu cơ nông nghiệp hữu cơ (PGS), có sự tham gia của cộng đồng trong quá trình khai thác và giám sát. Tiêu chuẩn PGS được xây dựng từ cấp địa phương và liên kết với các bên liên quan.
"Đồng bào dân tộc khi tham gia không đòi hỏi chi phí cao hàng năm để đánh giá lại, phù hợp với điều kiện của cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi. Cộng đồng sẽ tự giám sát lẫn nhau thông qua mã QR code", bà Dung chia sẻ và cho biết thêm, hiện tại chương trình NTFP-EP đã hỗ trợ 3 nhóm sản phẩm lâm sản ngoài gỗ đạt được tiêu chuẩn PGS, bao gồm: nhóm mật ong PơKao ở Lâm Đồng, nhóm măng ở Kon Tum và nhóm trà hoa vàng Ba Chẽ ở Quảng Ninh. Trong thời gian tới, chương trình sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhóm còn lại để đạt được các tiêu chuẩn này.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cho-dac-san-vung-mien-thu-hut-khach-sam-tet-10298588.html