Phiên chợ Tết của đồng bào thiểu số: Điểm nhấn kinh tế và văn hóa tại Tp.HCM

Ngày 18.01 vừa qua vừa diễn ra sự kiện 'VIETNAM MARKETING SUMMIT 2025 – Chương trình Xúc tiến Thương mại – Phiên chợ sản phẩm OCOP – Đặc sản địa phương'.

Tọa lạc tại địa chỉ số 135 và 135 A Pasteur, quận 3, Tp.HCM, đây là phiên chợ đặc biệt khi có sự góp mặt khoảng 60 gian hàng đại diện cho hơn 10 tỉnh/ thành trong cả nước, kéo dài từ ngày 18.01 đến hết ngày 19.01. Các sản phẩm được bày bán và giới thiệu là những sản phẩm từ cây rừng, nổi bật nhất là những sản phẩm của cộng đồng đồng bào: Dao, Ba Na, E Đê, S'Tiêng, Rak Ray….

 Người đồng bào đang chào bán sản phẩm mứt gừng.

Người đồng bào đang chào bán sản phẩm mứt gừng.

Việc khai thác các sản phẩm từ thiên nhiên này hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến rừng nguyên sinh và được người dân địa phương - những người dân tộc thiểu số quanh rừng khai thác, mang đến Tp. HCM để giới thiệu và bày bán sản phẩm. Sức nóng của phiên chợ đặc biệt này khá lớn khi rất nhiều mặt hàng đã cháy hàng trước khi phiên chợ được khai mạc vì hầu hết đều là đặc sản vùng miền của người đồng bào.

Quản lý của NTFP-EP Việt Nam, bà Trịnh Thị Mỹ Dung chia sẻ rằng phiên chợ trên chính là dự án hỗ trợ dài hạn dành cho cộng đồng người dân sống quanh rừng, bảo tồn rừng và phát triển sinh kế. Do tập quán ít tích lũy và nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, đặc biệt khi nhiều khu vực đã thực hiện chính sách đóng cửa rừng, bà con không còn khả năng khai thác tự nhiên, dẫn đến khó khăn trong một số giai đoạn. Tuy nhiên, khi nhận được hỗ trợ phù hợp, bà con đã xây dựng được sinh kế bền vững, sản phẩm của họ được người dân ở các thành phố lớn ưa chuộng, và ở nhiều nơi, các doanh nghiệp đã tham gia bao tiêu sản phẩm. Bà Dung cũng cho biết: "Bà con chưa hình dung được dung lượng thị trường nên mang sản phẩm đến chợ phiên ít. Hơn nữa những dòng sản phẩm này không có nhiều. Mỗi lần bà con đi sự kiện, kết nối thêm 5-10 khách hàng mới qua Zalo, Facebook là tốt rồi".

 Sản phẩm lá dong và rượu gạo của người đồng bào.

Sản phẩm lá dong và rượu gạo của người đồng bào.

Phiên chợ không chỉ là nơi để người dân thành phố khám phá, thưởng thức các sản phẩm độc đáo từ cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số mà còn là cầu nối giữa thiên nhiên, văn hóa và kinh tế. Với sự hỗ trợ từ các tổ chức và doanh nghiệp, phiên chợ góp phần xây dựng chuỗi giá trị bền vững, không chỉ bảo tồn tài nguyên rừng mà còn cải thiện đời sống cho cộng đồng sống quanh rừng. Đây không chỉ là một hoạt động mua bán đơn thuần, mà còn là minh chứng sống động cho tiềm năng của mô hình kinh tế kết hợp bảo tồn và phát triển sinh kế. Phiên chợ khép lại nhưng mở ra nhiều cơ hội mới, giúp người đồng bào kết nối thị trường và mang văn hóa, sản vật vùng miền lan tỏa rộng hơn đến với cộng đồng đô thị.

Thanh Ngân

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/phien-cho-tet-cua-dong-bao-thieu-so-diem-nhan-kinh-te-va-van-hoa-tai-tphcm-d55360.html