Chợ đầu mối hay chợ đầu độc?

Nhiều người dân kinh hãi đặt ra câu hỏi này khi biết vụ 3 kiốt ở chợ đầu mối Tân Mai (Hà Nội) nhập thịt lợn bệnh để bán, và có lẽ đây chỉ là phần nổi của tảng băng.

Công an Hà Nội vừa khởi tố 3 vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” liên quan đến giết mổ, tiêu thụ thịt lợn nhiễm bệnh diễn ra tại xã Thường Tín, chợ đầu mối Tân Mai, chợ Phùng Khoang. Lò mổ của Lê Văn Tươi và Nguyễn Thị Thư ở Thường Tín thu mua lợn bệnh, lợn yếu từ các đầu nậu rồi tổ chức giết mổ, bán cho tiểu thương tại các chợ đầu mối ở phía Nam, khu vực Minh Khai. Nhiều sản phẩm đã được tiêu thụ vào các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Hà Nội.

Tại chợ Phùng Khoang, những kẻ gian thương chuyển lợn chết đã mổ tới các kiốt, cắt tách rồi trực tiếp bán cho khách, gồm những người có kiốt bán thịt lợn khác trong chợ và khách hàng cá nhân, các quán cơm bình dân, cơm văn phòng. Kết quả xét nghiệm cho thấy các mẫu thịt và nội tạng dương tính với virus Dịch tả lợn châu Phi.

Chỉ riêng Đặng Văn Huy mỗi ngày mổ hơn 50 con lợn bệnh. Một con số gây rùng mình. Nếu tính cả phần chìm của tảng băng - những kẻ có hành vi tương tự nhưng chưa bị phát hiện, xử lý, số lợn bệnh đi vào bàn ăn của người dân Hà Nội có lẽ lớn hơn nhiều.

"Từ nay tôi không dám mua thịt lợn ở chợ nữa", bình luận này trên mạng được nhiều người đồng tình. Nhưng việc số đông coi việc "cạch mặt" chợ dân sinh như một cách 'tiêu dùng thông minh" là minh chứng cho sự thất bại của xã hội và gây thiệt hại cho nhiều phía, khi một kênh cung cấp thực phẩm cho một lượng lớn người dân lại bị đồng nhất với nguồn nguy cơ nhiễm bệnh. Những tiểu thương bán thịt lợn sạch ở chợ bị vạ lây. Người làm việc trong hoặc gần chợ chẳng lẽ muốn ăn thịt lợn lại phải đi xa mới dám mua?

Thịt lợn được giết mổ tại lò mổ bất hợp pháp của Lê Văn Tươi và Nguyễn Thị Thư ở Đan Nhiễm, Hà Nội. (Ảnh: Công an TP Hà Nội)

Thịt lợn được giết mổ tại lò mổ bất hợp pháp của Lê Văn Tươi và Nguyễn Thị Thư ở Đan Nhiễm, Hà Nội. (Ảnh: Công an TP Hà Nội)

Chợ đầu mối là nơi hàng hóa nông sản, thực phẩm từ các vùng quê đổ về, sau đó lại tỏa đi khắp ngõ phố, chợ nhỏ, nhà hàng hay bữa cơm gia đình. Đây là một trong những mắt xích đầu tiên và cũng là quan trọng nhất để quyết định bữa cơm trưa, cơm tối của các gia đình có gì. Nguồn cung lớn, mức độ lan tỏa lớn, nếu đây là nơi cung cấp thực phẩm bẩn thì không biết có bao nhiêu con người bị đe dọa sức khỏe, tính mạng!

Vậy mà từ lâu, chợ đầu mối đã không còn đáng tin trong mắt người dân, thậm chí bị coi là nơi để các quán ăn bình dân tìm kiếm nguồn nguyên liệu rẻ và kém chất lượng. "Trước đây nghèo nên em hay ra chợ đầu mối gần nhà mua cho rẻ nhưng cứ nơm nớp sợ, sau có điều kiện thì không dám nữa", một đồng nghiệp của tôi từng tâm sự.

Các chợ đầu mối, chợ dân sinh có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, tiêu dùng. Trước thực trạng gian thương đem thịt lợn bệnh, thịt lợn chết trà trộn để bán ở những nơi này, giải pháp không thể là "đừng mua thịt ở chợ đầu mối nữa", giống như không thể vì một số cây bị sâu cắn mà hủy cả vườn rau. Cần phải cứu niềm tin và sức khỏe của người tiêu dùng bằng việc "làm sạch" chợ đầu mối để nó không còn bị gọi là "chợ đầu độc".

Ngoài việc xử lý hình sự với mức án nghiêm khắc những kẻ thu gom, giết mổ và bán thịt lợn bệnh, cần một hệ thống giải pháp đồng bộ từ gốc đến ngọn. Phải siết chặt khâu kiểm dịch từ nơi chăn nuôi, có đăng ký và kiểm soát đầu vào – đầu ra ở các trang trại, hộ nuôi; mỗi con lợn xuất chuồng phải được kiểm tra sức khỏe và cấp giấy kiểm dịch; áp dụng mã QR truy xuất từ trang trại đến điểm bán, buộc người tiêu dùng và tiểu thương phải tham gia vào hệ thống minh bạch nguồn gốc.

Phần lớn lợn bệnh, lợn chết được giết mổ tại các lò bất hợp pháp, do đó lực lượng chức năng phải ra quân quyết liệt dẹp bỏ các lò mổ lậu, xử lý hình sự khi phát hiện có hành vi tiêu thụ động vật chết, bệnh. Nên có quy định các lò mổ phải lắp camera kết nối với cơ quan thú y 24/7 để giám sát được lợn đưa vào lò có giấy tờ hợp lệ hay không.

Ngay các chợ đầu mối cũng nên được vận hành theo mô hình hiện đại; mỗi điểm bán có mã số, tên người bán, nguồn gốc sản phẩm rõ ràng. Thịt lợn không có giấy chứng nhận kiểm dịch sẽ không được nhập chợ.

Đối với những kẻ đầu độc cộng đồng bằng thịt lợn bẩn, cần tăng mức xử phạt và xử lý hình sự vì đây là hành vi đe dọa tính mạng cộng đồng; khuyến khích người dân tố cáo hành vi tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh qua các kênh nóng (Zalo, Facebook, hotline), có phần thưởng xứng đáng hoặc bảo vệ danh tính người tố giác để tăng hiệu quả.

Các lực lượng chức năng đang mạnh mẽ truy quét hàng hóa kém chất lượng và đặc biệt là thực phẩm bẩn. Quốc hội khóa XV cũng vừa thông qua Luật số 86/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, có hiệu lực từ ngày 1/7, quy định hành vi chế biến, buôn bán thực phẩm từ động vật chết do dịch bệnh, sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại trong thực phẩm... sẽ bị xử lý hình sự.

Với sự nghiêm khắc này, nếu có thêm những giải pháp đồng bộ, hy vọng trong tương lai gần, người dân có thể yên tâm khi mua thực phẩm ở bất cứ điểm bán hàng nào được phép hoạt động, dù là siêu thị hay chợ đầu mối, chợ dân sinh.

Hoàng Hà

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cho-dau-moi-hay-cho-dau-doc-ar953641.html