Cho đi là còn mãi

Nước mắt của người mẹ, người vợ, người thân của những người đã hiến tạng cho y học đã chạm đến trái tim chúng tôi sự xúc động sâu lắng. Trong một buổi chiều rét cuối cùng của năm cũ, họ đã gặp nhau tại buổi tri ân những gia đình có người hiến tạng của Bệnh viện Việt - Đức, để cùng chia sẻ nỗi lòng, nỗi nhớ thương người thân.

Trong những mất mát đau thương đó, là niềm tự hào khi họ nhắc đến người thân yêu của mình đã hiến tạng để đem đến sự sống cho nhiều người khác.

Hơn 100 ngày kể từ khi chồng vĩnh biệt gia đình nhỏ, chị Nguyễn Thị Huyền (Từ Sơn, Bắc Ninh) vẫn bàng hoàng khi không còn bờ vai để nương tựa. Không ngừng lau nước mắt, chị kể lại, đêm 25/7/2020, đang chuẩn bị đồ đạc để đưa hai cậu con trai sinh đôi bị ốm vào bệnh viện, chị nhận được tin chồng gặp tai nạn giao thông. Chị đã ngất đi khi hay tin chồng mình bị tai nạn rất nặng.

Đại diện 20 gia đình có người hiến tạng tại buổi lễ tri ân ở Bệnh viện Việt - Đức.

Đại diện 20 gia đình có người hiến tạng tại buổi lễ tri ân ở Bệnh viện Việt - Đức.

Tỉnh lại, hai đứa con thơ mới 15 tháng tuổi đang ốm, chị như người mất hồn. Người mẹ ngây ngô nhìn con, đầu óc trống rỗng, lo lắng. Chị đã nghĩ, nếu mình cũng nằm xuống nữa thì ai trông con. Thế là chị vùng dậy, đưa con đi viện. Mọi việc điều trị của chồng ở Bệnh viện Việt - Đức, chị gái đứng ra lo liệu.

Vợ chồng chị Huyền có với nhau 4 người con. Hôm gặp tai nạn, trước khi đi làm, anh còn nói với vợ “đi để kiếm tiền không mấy mẹ con ở nhà chết đói”. Đó là lần gặp mặt cuối cùng của gia đình họ. Cả ngày hôm đó, chị Huyền chỉ nhận được một dòng tin nhắn của chồng “anh có tiền 2-9 rồi, tối anh về cho vợ tiền”. Chị nghẹn ngào cho biết, mình ân hận nhất là chồng gọi rất nhiều cuộc điện thoại, nhưng mải chăm con ốm mà chị không kịp nghe. Và cuộc gọi cuối cùng vào lúc 10h đêm.

Kể về chồng, nước mắt chị Huyền không ngừng tuôn rơi. Ngày anh mất, chị đã cùng với gia đình đồng ý ký vào đơn hiến tạng. Chị không biết người được ghép trái tim của chồng mình là ai, nhưng trái tim của chồng mình đập trong lồng ngực của một người khác, giúp người đó khỏe mạnh có lẽ là niềm vui duy nhất để chị nguôi ngoai. Chị chỉ hy vọng một ngày nào đó gặp được họ, để con chị cảm nhận được trái tim của bố còn đập. Chị chia sẻ, hôm nay đến nhận tấm lòng tri ân tại Bệnh viện Việt - Đức, chính là muốn các con chị tự hào về bố của chúng.

Cùng có mặt tại buổi lễ tri ân là nhiều người mẹ, người vợ có chồng, con đã hiến tạng cho y học, cứu được nhiều người bệnh. Có người hiến tạng cứu sống 4-5 người, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình khác. Chia sẻ về việc vì sao lại đồng ý ký vào đơn hiến tạng con trai, bà Nguyễn Thị Lừng (Bắc Giang) đã nói: “Mình khổ cả một đời rồi. Nhưng những người mẹ khác cũng sẽ đau khổ thế nào khi con họ không thể được cứu sống. Minh muốn bộ phận cơ thể con mình được tiếp tục sống và muốn người mẹ khác giữ được nụ cười của mình”.

Bà Lừng là người mẹ đơn thân nuôi con trai khôn lớn. Chàng trai đó là đứa con duy nhất của bà, cũng là niềm vui, là lẽ sống, là chỗ dựa của bà. Thế nhưng chỉ cách đây ít ngày, vào ngày 12-12-2020, cậu con trai 18 tuổi của người mẹ ấy đã không còn hy vọng sống sau khi bị tai nạn giao thông. Sau phẫu thuật 1 tuần, mọi sự kỳ vọng đều đã không còn. Bà gặm nhấm đau khổ qua từng ngày và nhiều lúc “tôi chỉ muốn nhảy lầu chết theo con”.

Nhận được sự vận động hiến tạng, sau khi suy nghĩ bà đã đồng ý. Những ngày qua đối với bà là chuỗi ngày đau khổ, song bà luôn tự an ủi, những phần cơ thể của con vẫn đang sống để tìm một chút niềm vui. Nước mắt tràn đầy trên khuôn mặt khắc khổ, bà bảo: Tôi chỉ muốn biết cơ thể con tôi đã hiến sống trong người khác khỏe mạnh là tôi mãn nguyện rồi, còn tôi không mong họ biết tôi là ai.

Tôi đã từng gặp những người được ghép tim tại Bệnh viện Việt - Đức khi họ vừa tỉnh lại không lâu sau phẫu thuật, lời đầu tiên mà họ chia sẻ với tôi đều là: Khi tỉnh lại thấy trái tim đập trong lồng ngực, tôi biết mình đã ghép thành công, đã sống rồi. Tôi không biết người cho tim mình là ai, nhưng họ là ân nhân, là người tái sinh ra tôi.

Và gặp lại những người mẹ, người vợ có người thân yêu nhất của mình hiến tạng, tôi mới thấm thía sự dũng cảm và tấm lòng nhân văn của họ biết bao. Không phải ai cũng đủ can đảm để ký vào đơn hiến một phần cơ thể người thân của mình cho người khác. Hành động cao cả đó mãi mãi khắc ghi và được tôn vinh.

Trong một buổi gặp gỡ với PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt - Đức, ông nói, ông rất cảm ơn các bộ phận vận động người hiến tạng, đặc biệt là đã tổ chức vận động hiến tạng ở các đơn vị, địa phương mang lại hiệu quả; biết ơn các gia đình có người thân hiến tạng. Trong 3 năm gần đây, số gia đình đồng ý hiến tạng sau chết não tăng rõ rệt, chủ yếu đều từ Bệnh viện Việt - Đức.

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, bày tỏ lòng tri ân chân thành, sâu sắc của các thầy thuốc bệnh viện, của những người bệnh nhận tạng đến với các gia đình có người hiến tạng. Trong năm qua, đã có hơn 20 gia đình đồng ý hiến tạng con mình, chồng mình để cứu sống thêm nhiều người khác. Nhờ vào nghĩa cử cao đẹp hiến tạng của các gia đình, thầy thuốc và nhân viên y tế Bệnh viện mới có thể tiến hành kỹ thuật cao, trở thành trung tâm lớn nhất cả nước về ghép tạng, được người bệnh và đồng nghiệp tin tưởng.

Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức chia sẻ, trong hàng chục năm qua, đã có 1.100 người bệnh được ghép thận, 90 ca ghép gan, 34 người ghép tim và năm người bệnh được ghép phổi. Tất cả người nhận tạng ghép đều đang sống khỏe mạnh, nhờ vào tạng hiến của người cho chết não. Với nghĩa cử cao đẹp “Cho đi là còn mãi”, ngày càng có nhiều người bệnh bên vực sinh tử được cứu sống.

Trần Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/cho-di-la-con-mai-626077/