Cho doanh nghiệp tài trợ lập quy hoạch: Lợi bất cập hại

Theo đại biểu, trong thực tế, các doanh nghiệp tài trợ lập quy hoạch chi tiết thì sau này sẽ được trúng đấu thầu dự án trong quy hoạch đó.

Ngày 27-8, Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách lần thứ 6 để thảo luận về 12 dự án luật sẽ được trình thông qua hoặc cho ý kiến vào kỳ họp tháng 20-2024. Một số đại biểu đã có ý kiến góp ý cho Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Dễ bị lái theo lợi ích của nhà đầu tư

ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) tập trung vào nội dung “chính sách của Nhà nước trong quy hoạch đô thị và nông thôn” quy định tại Điều 10, khoản 3. Nội dung của quy định này là khuyến khích các tổ chức, các cá nhân tham gia tài trợ cho việc lập quy hoạch.

 ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng nên cấm hoạt động tài trợ cho công tác lập quy hoạch. Ảnh QH

ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng nên cấm hoạt động tài trợ cho công tác lập quy hoạch. Ảnh QH

Theo ĐB Lâm, chính sách xã hội hóa nguồn lực tài trợ cho các hoạt động của Nhà nước góp phần làm giảm gánh nặng của ngân sách chi cho các hoạt động này. Cộng thêm Điều 12 quy định nguồn lực hỗ trợ cho việc lập quy hoạch không được tài trợ trực tiếp cho các tổ chức tư vấn lập quy hoạch là khá chặt chẽ. ĐB Lâm cho rằng, mục tiêu những quy định này là đảm bảo công tác tài trợ không làm tác động gì đến chất lượng của quy hoạch hay các nhà tài trợ sẽ can thiệp sâu làm giảm chất lượng quy hoạch.

“Tuy nhiên, trong thực tế thời gian qua công tác tài trợ cho lập quy hoạch là một trong những nguyên nhân các nhà đầu tư thông qua tài trợ tác động vào làm cho quy hoạch bị lái theo lợi ích của nhà đầu tư, làm giảm lợi ích của cộng đồng và xã hội”, ĐB Lâm nhận xét.

Theo ông, thực tế các địa phương trong thời gian qua, đặc biệt ở phần quy hoạch chi tiết hầu như chỉ trông chờ vào các nhà tài trợ mà không dành kinh phí cho lập quy hoạch chi tiết. Các địa phương cố gắng huy động các nhà tài trợ và các nhà tài trợ lại chủ yếu là các nhà đầu tư mà sau này sẽ có các dự án ở trong các quy hoạch chi tiết.

“Tôi chưa có số liệu chính xác nhưng qua khảo sát thì phần lớn những doanh nghiệp tài trợ cho các dự án lập quy hoạch chi tiết thì sau này đều có các dự án trúng đấu thầu ở trong quy hoạch đó”, ĐB Lâm nêu. Theo ông, điều này làm mất đi tính khách quan, làm giảm lợi ích của cộng đồng trong vấn đề xây dựng các quy hoạch, đặc biệt là lập quy hoạch chi tiết.

Thêm vào đó, còn có tình trạng các nhà thầu nhìn nhau, khi nhà thầu này đã tài trợ dự án cho quy hoạch này thì các nhà thầu khác tránh ra, không bao giờ tham gia đấu thầu vào những dự án đó được nữa.

“Nhiều khi chỉ có một nhà thầu tham gia đấu thầu dự án ở trong quy hoạch chi tiết mà nhà thầu đó chính là người mà đã tài trợ cho dự án lập quy hoạch trước đó. Đây như tình trạng “xí phần” và hiệu quả của đấu thầu gần như bị triệt tiêu”, ĐB Lâm nói và cho rằng đây là vấn đề khiến nhân dân bức xúc.

Vì vậy, ĐB Lâm nói: “Tôi đề nghị để ngăn ngừa triệt để việc lợi dụng hình thức tài trợ này nhằm tác động vào quy hoạch và chiếm lợi thế trong đấu thầu hoặc vô hiệu hóa hiệu quả của đấu thầu thì cần phải quy định chặt chẽ. Thậm chí cấm việc tài trợ cho công tác lập quy hoạch, đặc biệt là lập quy hoạch chi tiết các dự án đô thị”.

Đừng để góp ý quy hoạch chỉ là hình thức

ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) chú ý tới quy định quy hoạch phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan. Bà đặt vấn đề: “Đối với quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương thì có lấy ý kiến toàn bộ dân cư sống tại thành phố đó không? Nếu nếu lấy ý kiến dân cư của cả thành phố thì cụm từ cộng đồng dân cư là chưa phù hợp. Bởi cụm từ này thường để chỉ một cụm dân cư có quy mô nhỏ, tập trung tại một khu vực trong lãnh thổ có tính chất quần cư cao”.

 ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy. Ảnh QH

ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy. Ảnh QH

Dù cho rằng lấy ý kiến dân cư về quy hoạch là quan trọng và cần thiết, nhưng ĐB Thúy nói, quy định về vấn đề này trong dự luật còn chung chung, mang tính thủ tục, hình thức. Bà đề nghị cần phải nghiên cứu bổ sung quy định để việc lấy ý kiến có ý nghĩa như một kênh thông tin phải xem xét trong hoạt động quy hoạch và phải có cơ chế để phản hồi việc tiếp thu hoặc không tiếp thu của cơ quan quy hoạch đối với các ý kiến góp ý của dân cư.

Bà Thúy cũng đề nghị phải bố trí lại quy trình lấy ý kiến, thời điểm lấy ý kiến quy hoạch sao cho việc lấy ý kiến phải thực sự có ý nghĩa thực chất, tránh để người dân cho rằng việc lấy ý kiến là hình thức và bản thân họ cũng sẽ thờ ơ với việc góp ý.

Ở góc độ khác, ĐB Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên – Huế) đề nghị cần quy định rõ hơn quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phản biện quy hoạch đô thị và nông thôn trước khi phê duyệt.

 ĐB Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên – Huế). Ảnh QH

ĐB Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên – Huế). Ảnh QH

“Dự thảo luật hiện nay không có quy định cho phép các hội nghề nghiệp được phản biện, gây khó khăn cho việc áp dụng. Trong khi các hội nghề nghiệp của tỉnh như Hội Quy hoạch và phát triển đô thị, Hội Kiến trúc sư, Hội Xây dựng,… là những Hội nghề nghiệp có chức năng phản biện xã hội, có chuyên môn phù hợp để phản biện” – ĐB Sửu nói.

Bà đề nghị sửa đổi Điều 62 theo hướng giao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đứng ra mời các Hội nghề nghiệp được tham gia phản biện quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm tạo điều kiện để các Hội được phát huy vai trò, chức năng nhiệm vụ.

Tránh chồng chéo quy hoạch

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, hệ thống các quy hoạch trong dự thảo Luật đã được sàng lọc, song vẫn còn chồng chéo trong nội bộ các quy hoạch trong dự thảo Luật cũng như giữa các quy hoạch trong dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn với Luật Quy hoạch.

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh QH

Chẳng hạn, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn quy định: Quy hoạch chung của huyện tỷ lệ là 1/5.000 đến 1/25.000, đồng thời quy hoạch chung của xã tỷ lệ 1/5.000 đến 1/10.000. “Nghĩa là phạm vi của quy hoạch huyện sẽ phủ trọn quy hoạch xã, quy hoạch xã thì cũng chỉ chi tiết đến mức như quy hoạch huyện. Như vậy là không có điểm gì khác hơn” – ĐB Cường nhận xét.

ĐB Cường cho rằng, dự thảo quy định quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng trong huyện cũng phủ trọn quy hoạch chi tiết xây dựng trong xã, không có gì khác nhau. Nếu quy hoạch xã có làm thì cũng chép lại quy hoạch của huyện.

Vì thế, ĐB Cường kiến nghị đối với quy hoạch nông thôn chỉ cần tập trung vào quy hoạch chung của huyện và quy hoạch xây dựng chi tiết trong huyện, trong đó bao phủ toàn bộ quy hoạch xã.

Còn đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, ĐB Cường lo ngại sẽ có hai quy hoạch được lập trên cùng một địa bàn. Một là lập theo Luật Quy hoạch và một lập theo luật này. ĐB Cường đề nghị cần phải phân định rõ ràng để tránh trùng lặp quy hoạch.

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/cho-doanh-nghiep-tai-tro-lap-quy-hoach-loi-bat-cap-hai-post807282.html