Chợ Dốc Hanh xuống cấp: Xây mới hay cải tạo, sửa chữa?
Tình trạng hạ tầng chợ Dốc Hanh (ở phường Trung Thành, TP. Thái Nguyên) xuống cấp nghiêm trọng đã được tiểu thương kiến nghị với các cấp chính quyền từ nhiều năm nay. Và việc xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa chợ là điều mà các tiểu thương luôn mong mỏi…
Chợ Dốc Hanh được xây dựng từ trước năm 1990, có tổng diện tích gần 12.000m2, dưới sự quản lý của Công ty Quản lý dịch vụ chợ (trực thuộc UBND TP. Thái Nguyên). Hơn 10 năm sau đó, Công ty Quản lý dịch vụ chợ giải thể, Ban Quản lý chợ Dốc Hanh được thành lập (thuộc UBND TP. Thái Nguyên). Do được xây dựng và đưa vào sử dụng từ lâu nên cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng của chợ xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là đình chợ, nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn.
Chị Nguyễn Thị Lan, tiểu thương ở chợ, nói: Tôi kinh doanh ở đây đã hàng chục năm. Mấy năm nay, đình chợ xuống cấp, phần mái bị mưa bão thổi tốc nên khi trời mưa chúng tôi ngồi trong này mà như ở ngoài trời. Còn phần tường thì vôi vữa bong tróc, nứt hỏng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Trường, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý chợ Dốc Hanh, cho biết: Khoảng năm 2013, 2014, tỉnh có chủ trương và mời 1 doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ mới, nhưng vì nhiều nguyên nhân, trong đó có một số tiểu thương không đồng thuận bàn giao mặt bằng nên Dự án chưa thể triển khai. Các tiểu thương lo lắng khi xây dựng chợ mới, chi phí thuê quầy cao trong khi thu nhập còn bấp bênh. Dự án bị dang dở vô hình trung khiến công việc kinh doanh của các tiểu thương thêm khó vì không được phép cơi nới, sửa chữa dù ki ốt xuống cấp.
Chị Dương Thị Hồng, tiểu thương chợ Dốc Hanh, chia sẻ: Tôi kinh doanh giày dép tại đây gần 20 năm nay. Hàng ngày, tôi phải dọn hàng ra và thu hàng vào rất vất vả vì quầy không có cửa cuốn. Nhưng khi đề xuất việc này, Ban Quản lý chợ không nhất trí bởi cấm xây dựng, cơi nới công trình khi Dự án xây dựng mới chợ chưa chấm dứt.
Không chỉ đình chợ, các quầy hàng xuống cấp, hỏng hóc mà khu nhà làm việc của Ban Quản lý chợ Dốc Hanh cũng cũ nát, mái ngói xi măng đã mủn hết, rơi rụng nhiều, tường bong tróc, các tài sản đã hết khấu hao. Để đảm bảo chỗ làm việc cho cán bộ, công nhân viên, mới đây, Ban Quản lý chợ đã tự sửa chữa nhỏ một số hạng mục như: Trần, tường… nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Khi trao đổi về việc xây dựng chợ mới, nhiều tiểu thương Dốc Hanh mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư bằng nguồn ngân sách. Nhiều tiểu thương đề xuất sẽ đóng góp đối ứng khi Nhà nước đầu tư.
Chị Quyền Thị Hồng Lê cho biết: Chúng tôi bán hàng ở chợ rất vắng khách. Ngày nào đắt hàng thì mới bán được từ 200-300 nghìn đồng, thu lãi được khoảng vài chục nghìn đồng. Nếu như có doanh nghiệp xây dựng chợ, mỗi tháng chúng tôi phải nộp ít cũng vài triệu đồng tiền thuê và các khoản thuế, phí thì thật sự không có lãi.
Ban Quản lý chợ Dốc Hanh đã nhiều lần kiến nghị UBND TP. Thái Nguyên sửa chữa, cải tạo, đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh tại chợ. TP. Thái Nguyên đã nhiều lần cử đại diện các phòng, đơn vị liên quan kiểm tra, song cũng không thể thực hiện việc đầu tư, sửa chữa bởi Dự án xây dựng chợ chưa được giải quyết dứt điểm.
Trước những khó khăn, trăn trở của các tiểu thương ở chợ Dốc Hanh, cấp, ngành liên quan cần sớm có giải pháp phù hợp. Đề xuất đóng góp đối ứng cùng với nguồn vốn ngân sách của các tiểu thương để đầu tư xây dựng chợ mới cũng là một giải pháp cần được xem xét…