Chờ đợi gì ở 600 cuộc họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
Giới quan sát nhận định mối quan tâm tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần này tiếp tục là cách phản ứng của Mỹ trước các khủng hoảng hiện nay trên thế giới.
Phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ diễn ra trong tuần này giữa bối cảnh thế giới đang đối diện nhiều khủng hoảng, từ biến đổi khí hậu đến kinh tế toàn cầu bất ổn. Cộng với đó là khả năng Mỹ can thiệp sâu hơn vào Trung Đông giữa những căng thẳng với Iran.
Chiến tranh thương mại, di dân quốc tế, nguồn cung năng lượng toàn cầu, biến đổi khí hậu và cuộc chiến chống đói nghèo là những nội dung chủ đạo trong kỳ họp lần này của 193 thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
"Tôi nghĩ tất cả vấn đề lớn mà mọi người bàn luận ở hành lang sẽ tập trung vào chính sách của Mỹ là gì", Jeffrey Feltman, nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu từng giữ vị trí phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc về các vấn đề chính trị, trả lời New York Times.
Rắc rối với đồng minh
Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu nổi tiếng với những phát ngôn bộc trực và đi ngược lại phong cách ngoại giao truyền thống. Ông đã nhiều lần lên án sự bất công Mỹ nhận từ các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc. Trong ngày 24/9, khi những bài phát biểu bắt đầu tại Đại hội đồng, ông Trump sẽ được bao quanh bởi nhiều nhà lãnh đạo có cùng phong cách với mình.
Trước phần phát biểu của tổng thống Mỹ sẽ là bài diễn văn của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người được truyền thông ví von là một phiên bản Nam Mỹ của ông Trump. Tổng thống vừa nhậm chức vào đầu năm 2019 là nhân vật gây tranh cãi tại quê nhà với các chính sách cánh hữu bảo thủ, phủ nhận mối đe dọa từ biến đổi khí hậu và thường xuyên lên mạng xã hội công kích cá nhân các đối thủ.
Sau Tổng thống Trump sẽ là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, nhà lãnh đạo nổi tiếng sẵn sàng đáp trả cứng rắn với ý kiến chống đối. Tuy nhiên, cùng phong cách cứng rắn không đồng nghĩa rằng giữa hai nhà lãnh đạo không có bất đồng. Tổng thống Trump dự kiến có cuộc gặp với người đồng cấp Erdogan bên lề hội nghị để hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ trong một loạt các vấn đề.
Washington đang cân nhắc khả năng trừng phạt chính phủ Ankara vi phạm lệnh cấm vận Nga. Thành viên của liên minh NATO bất chấp các cảnh cáo vẫn mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 thay vì "lá chắn thép" Patriot.
Trong khi đó, Tổng thống Erdogan nhiều lần bày tỏ bức xúc về vai trò của Mỹ trong chiến trường phía bắc Syria, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ông chỉ trích Mỹ không thiết lập được vùng an toàn để ngăn chặn phiến quân người Kurd, vốn bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ xem là lực lượng khủng bố chống lưng cho phong trào ly khai tại nước này.
Những cuộc đối mặt gay cấn
Một cuộc đối mặt khác được chờ đợi diễn ra trong kỳ họp lần này của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là giữa lãnh đạo Iran và Tổng thống Trump.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ có bài phát biểu trước hội nghị vào ngày 25/9. Gần như chắc chắn nhà lãnh đạo Iran sẽ cáo buộc Mỹ châm ngòi xung đột ở Vùng Vịnh sau khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018, tái lập trừng phạt và gia tăng hiện diện quân sự tại khu vực.
Trong khi đó, Mỹ đang tìm cách xây dựng một liên minh kiềm tỏa Iran, dù chưa định hình được cách thức cụ thể để ngăn chặn sự trỗi dậy của nước này. Các quan chức Mỹ cũng hứa hẹn công bố cho cộng đồng quốc tế bằng chứng cho thấy Iran đứng sau vụ không kích hai cơ sở sản xuất dầu trọng yếu của Saudi Arabia vào ngày 14/9.
Kỳ họp Đại hội đồng cho chính phủ Mỹ cơ hội để "từng bước hướng đến một biện pháp đáp trả quân sự, lôi kéo sự ủng hộ xây dựng liên minh và gia tăng sức ép kinh tế, chính trị", Aaron David Miller, chuyên gia tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, nhận định.
Bên lề hội nghị lần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng dự kiến có cuộc gặp với các quan chức cấp cao phía Trung Quốc. Cuộc gặp được kỳ vọng giảm căng thẳng giữa hai nước và tạo bầu không khí hiệu quả trước vòng đàm phán thương mại vào tháng 10. Bắc Kinh và Washington đều đang tạm hoãn leo thang áp thuế hàng hóa.
Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ lại tìm cách thúc đẩy Tổng thống Trump đề cập đến một số vấn đề khác của Trung Quốc, trong đó có vấn đề nhân quyền và tình hình tại Hong Kong. Nếu ông Trump thể hiện lập trường cứng rắn, bầu không khí hòa dịu trước đàm phán có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Dấu hỏi về vai trò lãnh đạo của Mỹ
Vấn đề trọng tâm của kỳ họp Đại hội đồng năm nay sẽ là khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Khoảng 60 lãnh đạo các quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Hành động vì Môi trường của Liên Hợp Quốc, tổ chức ngày 23/9. Nhiều quan chức cấp cao sẽ đưa ra sáng kiến cắt giảm khí thải carbon, chống hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.
Mỹ không có kế hoạch đóng góp cho hội nghị thượng đỉnh này và không mặn mà với vị trí lãnh đạo nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Tổng thống Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu vào năm 2017. Dù lãnh đạo quốc gia vắng mặt, một số thống đốc bang là thành viên Liên minh Khí hậu Mỹ đã tuyên bố sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh và gặp gỡ phái đoàn các nước.
Vai trò của Mỹ làm cầu nối giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh quan trọng ở Đông Bắc Á, cũng được giới quan sát chú ý tại kỳ họp Đại hội đồng năm nay. Căng thẳng quan hệ Nhật-Hàn liên quan đến các di sản sau Thế chiến II đã leo thang thành chiến tranh thương mại và "khai tử" thỏa thuận chia sẻ tình báo giữa hai nước.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In không có ý định gặp nhau tại New York. Nhiều chuyên gia hoài nghi khả năng ông Trump dàn xếp được một cuộc gặp ba bên để Nhật Bản và Hàn Quốc bước đầu nối lại đối thoại, cùng tập trung giải quyết bài toán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.