Chờ đợi gì ở chứng khoán tháng 5?
Nhịp điều chỉnh của VN-Index trong tháng 4-2024, dù mạnh hơn dự đoán, nhưng vẫn nằm trong kỳ vọng của phần lớn nhà đầu tư trên thị trường.
VN-Index chung xu hướng bị nước ngoài rút ròng
Bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu trong tháng 4 vừa qua cho thấy dòng tiền chảy vào kênh cổ phiếu có phần kém tích cực.
Cụ thể, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, trong tháng 4, các quỹ cổ phiếu toàn cầu đã rút ròng 5,1 tỉ đô la Mỹ ở cả thị trường phát triển và thị trường đang phát triển, ghi nhận tháng rút ròng đầu tiên kể từ tháng 10-2023. Trong đó, dòng vốn vào quỹ cổ phiếu tại thị trường phát triển (DM) rút ròng 2 tỉ đô la khi sức hút từ thị trường Mỹ giảm nhiệt, trong khi dòng vốn vào quỹ cổ phiếu tại thị trường mới nổi (EM) rút ròng nhiều hơn với 3 tỉ đô la.
Đáng chú ý, riêng tại khu vực châu Á (trừ Nhật Bản) lại ghi nhận dòng vốn vào ròng 3,6 tỉ đô la. Trong đó, thị trường Đài Loan vào ròng 2,9 tỉ đô la, Ấn Độ vào ròng 1,5 tỉ đô la, Trung Quốc vào ròng 988 triệu đô la…, còn các thị trường châu Á mới nổi khác lại khá yếu, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á (rút ròng tháng thứ 4 liên tiếp với giá trị 174 triệu đô la).
Tại Việt Nam, xu hướng của dòng vốn ngoại cũng là rút ròng khá mạnh
Nhóm các quỹ đầu tư chủ động có sự phân hóa giữa các quỹ chỉ đầu tư vào Việt Nam và các quỹ đầu tư đa quốc gia. Trong khi các quỹ chỉ đầu tư vào Việt Nam vào ròng khoảng 640 tỉ đồng và tập trung cục bộ ở một số quỹ thì các quỹ đầu tư đa quốc gia lại rút ròng mạnh. Tính chung, dòng tiền rút ròng ở các quỹ đầu tư chủ động đạt khoảng 1.100 tỉ đồng trong tháng 4, đưa tổng mức rút ròng trong bốn tháng đầu năm 2024 lên gần 4.000 tỉ đồng.
Ở nhóm các quỹ đầu tư thụ động (ETF), giá trị rút ròng cũng lên tới gần 3.000 tỉ đồng trong tháng vừa qua, ghi nhận tháng rút ròng thứ 5 liên tiếp. Tính từ đầu năm 2024, dòng tiền đã rút ròng hơn 10.500 tỉ đồng ra khỏi các quỹ ETF, khiến tổng tài sản các quỹ này giảm về chỉ còn 70.000 tỉ đồng, trong khi mức đỉnh hồi tháng 8-2023 là 89.000 tỉ đồng.
Nhìn chung, dòng vốn vào các quỹ ETF của Việt Nam được đánh giá sẽ khó có sự bứt phá trong ngắn hạn do ba nguyên nhân chính: i) Việt Nam vẫn đang là thị trường cận biên nên khó thu hút được dòng tiền lớn từ các quỹ đầu tư nước ngoài; ii) tăng trưởng lợi nhuận của các chỉ số ETF như Fubon Vietnam hay VanEck đều đang kém hơn so với các thị trường như Mỹ hay Đài Loan; iii) số lượng nhà đầu tư cá nhân trong nước tham gia vào các quỹ ETF không lớn.
Định giá về lại vùng hấp dẫn
Về phương diện kinh tế, các số liệu vĩ mô trong tháng 4 của Việt Nam cho thấy nền kinh tế chưa có sự bứt phá mạnh ở các động lực tăng trưởng chính.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp ghi nhận sự tăng trưởng thận trọng trên mức nền thấp; tiêu dùng đang yếu hơn tốc độ tăng trưởng tiềm năng trước đại dịch Covid-19; giải ngân đầu tư công không quá khác biệt so với các năm trước khi tốc độ khá chậm trong gần nửa đầu năm; lạm phát đi ngang trong tháng 4 nhưng mức nền thấp trong năm 2023 khiến lạm phát bình quân bốn tháng bật tăng; áp lực về tỷ giá xuất hiện rõ rệt trong tháng 4… Cùng với đó, mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 và 2 đều có xu hướng bật tăng trở lại trong tháng 4 dù mức độ tăng không lớn.
Trong khi đó, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 1-2024 của các doanh nghiệp cho thấy sự hồi phục nhưng không mạnh như kỳ vọng.
Theo thống kê, tổng lợi nhuận sau thuế của toàn thị trường tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,1% so với quí trước.
So với mức phục hồi lên tới 36,1% trong quí 4-2023 thì tốc độ tăng trưởng trong quí vừa qua đã chậm lại nhưng chủ yếu do nền so sánh cùng kỳ cao dần lên và một phần tăng trưởng chung chịu áp lực từ nhóm bất động sản (-63,6%) và nhóm điện, nước, xăng dầu và khí đốt (-49%). Trong đó, nhiều doanh nghiệp đầu ngành có lợi nhuận đi xuống như VHM, GAS và POW.
Về tâm lý thị trường nói chung, nhịp điều chỉnh của VN-Index trong tháng 4 vừa qua dù mạnh hơn dự đoán nhưng vẫn nằm trong kỳ vọng của phần lớn nhà đầu tư trên thị trường. Với các yếu tố rủi ro hiện diện khá rõ ràng, đặc biệt sau giai đoạn đi lên liên tục năm tháng, việc chủ động tái cơ cấu và cân bằng danh mục là chiến lược phù hợp với các nhà đầu tư trong tháng vừa qua. Nhịp điều chỉnh diễn ra mạnh, nhưng khá nhanh và độ bật lại tốt ở các nhóm ngành triển vọng cho thấy dòng tiền chờ cơ hội đã hoạt động tích cực.
Về các yếu tố rủi ro, theo Công ty Chứng khoán SSI, khi gần đây Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu sẽ neo lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn, thì biến động của tỷ giá vẫn là một yếu tố thị trường cần tiếp tục theo dõi trong hai quí tới. Biến động tăng lại của lãi suất cũng là một quan ngại, tuy nhiên lãi suất có thể sẽ chỉ chuyển từ mức rất thấp về mức thấp và định hướng của chính sách tiền tệ là vẫn giữ nguyên không thay đổi.
Ở mặt bằng định giá chung, hệ số P/E Forward một năm của VN-Index sau nhịp điều chỉnh đã tiến về lại vùng định giá hấp dẫn trong dài hạn (11,2 lần). Theo đó, thị trường sẽ được hỗ trợ khi tiến sâu hơn vào vùng định giá hấp dẫn này và sự phân hóa sẽ diễn ra với lợi thế thuộc về các nhóm cổ phiếu cho thấy sự phục hồi và quay lại quỹ đạo tăng trưởng của kết quả kinh doanh cốt lõi.
Bên cạnh đó, các hoạt động như thương mại, tiêu dùng, du lịch phục hồi, giải ngân FDI bứt phá có thể là các tín hiệu ban đầu hỗ trợ cho sự tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, để xu hướng tăng của thị trường chứng khoán trở nên bền vững thì việc lợi nhuận phục hồi trên diện rộng trong các quí tiếp theo là điều cần thiết.
Riêng tháng 5 là thời điểm vùng trũng về mặt thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh nên sự quan tâm của các nhà đầu tư sẽ quay lại các biến động về lãi suất, lạm phát và thông tin chính sách từ kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khai mạc vào ngày 20-5-2024.
Trước khi thị trường xây lại nền tảng vững chắc, việc đa dạng và cân bằng trạng thái danh mục, nắm bắt nhanh cơ hội ở những nhịp biến động là chiến lược phù hợp cho nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cho-doi-gi-o-chung-khoan-thang-5/