Chờ đợi những gam màu sáng

Năm 2024 của thể thao Việt Nam khép lại với nhiều vấn đề tồn đọng. Thế nhưng, những khoảnh khắc thăng hoa, đặc biệt vào cuối năm, dẫu có ít ỏi cũng phần nào gợi mở về tương lai khởi sắc hơn.

Bóng chuyền nữ Việt Nam là một trong những đội tuyển hiếm hoi thi đấu khởi sắc trong năm 2024.

Hụt hơi với thế giới

Thể thao nước nhà mở đầu năm 2024 với thành tích bết bát của bộ môn thể thao “vua”. Đội tuyển Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng Asian Cup 2023, để rồi tiếp tục trượt dài ở vòng loại World Cup 2026, khi thua liên tiếp hai lượt trận trước Indonesia. Chưa hết, Đội tuyển futsal nam cũng không thể giành vé dự Futsal World Cup sau hai lần liên tiếp tham dự vòng chung kết thế giới trước đó.

Ở đấu trường được mong chờ nhiều nhất - Olympic Paris, thể thao Việt Nam có 16 vận động viên góp mặt, trong đó có hai cá nhân tham dự theo diện đặc cách ở môn bơi và điền kinh. Đây là con số thấp nhất kể từ Thế vận hội London 2012 tới nay.

Sau hơn một thập niên đầu tư không ngừng nghỉ, các vận động viên nước nhà vẫn cho thấy rõ khoảng cách chưa thể san lấp với thế giới. Việc phải “tay trắng” trở về được xem như thất bại rõ ràng nhất, khi so sánh với mặt bằng các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Philippines.

Thực tế, năm 2024 cũng là khoảng thời gian thể thao Việt Nam chứng kiến nhiều vụ bê bối được vạch trần trong nội bộ các đội tuyển. Công tác đào tạo và huấn luyện gặp vấn đề, câu chuyện đạo đức nghề nghiệp của những cán bộ công tác trong ngành cũng được đặt dấu hỏi. Những khó khăn về chính sách hỗ trợ, việc thiếu vắng chuyên gia chất lượng cao cần được chỉ rõ như nguyên nhân khiến các lứa vận động viên tài năng không thể bứt phá và giành thành tích cao.

Tại Hội nghị triển khai chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nguyên Vụ trưởng Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh đã nhấn mạnh, thực tế yếu kém liên tiếp tại ASIAD Hàng Châu và Olympic Paris là nỗi đau của thể thao nước nhà. Việc không thể giành bất kỳ tấm huy chương nào trong hai kỳ Olympic liên tiếp khiến người hâm mộ không thể hài lòng.

“Hệ thống đào tạo giờ thiếu đi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý và cơ sở đào tạo. Các liên đoàn thể thao cũng chưa xây dựng được chiến lược dài hạn phù hợp, dẫn đến sự chậm trễ trong việc phát triển các môn thể thao mũi nhọn. Sự thiếu hụt các chuyên gia nước ngoài chất lượng cao bắt nguồn từ mức đãi ngộ chưa hấp dẫn. Ngân sách hạn chế khiến việc tổ chức các giải đấu trong nước và quốc tế thiếu tính chuyên nghiệp. Ngoài ra, vấn đề đào tạo trẻ không đồng đều cũng khiến chúng ta chưa thể xây dựng lực lượng kế thừa vững chắc”, ông Nguyễn Hồng Minh chỉ rõ.

La bàn hướng tương lai

Dù nửa đầu năm 2024 là quãng thời gian có phần trầm lắng, những tháng sau đó lại chứng kiến thành tích bất ngờ của cờ vua, bóng chuyền và billiard. Lê Quang Liêm đánh bại “vua cờ” Đinh Lập Nhân, mở ra một chương mới cho cờ vua Việt Nam tại đấu trường Olympiad. Bóng chuyền nữ vô địch AVC Challenger Cup và không ngừng gây tiếng vang. Chính sự đầu tư bài bản của các liên đoàn, đội tuyển và bản thân các vận động viên đã chứng tỏ hướng đi đúng đắn, đồng thời níu kéo lại hy vọng cho người hâm mộ.

Năm 2025 sẽ là thời điểm diễn ra SEA Games 33 tại Thái Lan. Thể thao Việt Nam chắc chắn sẽ đặt mục tiêu dẫn đầu đấu trường khu vực. Thế nhưng, liệu chúng ta có một lần nữa rơi vào cạm bẫy thành tích của chính mình?

“Thể thao Việt Nam nên dừng đặt mục tiêu đứng top 1, top 2 huy chương tại SEA Games nữa. Thay vào đó, nên xem SEA Games là bước chuẩn bị cho Olympic. Như vậy, giữa các sân chơi sẽ có sự liên thông. Đạt thành tích tốt những môn này tại SEA Games cũng là cách đầu tư cho tương lai ở Thế vận hội”, ông Nguyễn Hồng Minh chia sẻ.

Dẫu vẫn còn nhiều tiếc nuối khi năm 2024 khép lại, nhưng người làm thể thao cũng có thể lấy đó làm điểm tựa để quyết tâm thay đổi, chuyển mình, hướng tới những mục tiêu quan trọng trong năm mới 2025.

Rõ ràng, thể thao nước nhà cần xây dựng những chiến lược dài hơi để tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ tài năng trẻ. Song song với đó, cần chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ xuyên suốt quá trình này nhằm thúc đẩy các vận động viên bứt phá giới hạn bản thân. Câu chuyện huấn luyện và thi đấu từ lâu đã không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm cá nhân của những người thầy mà phải dựa trên thông số dữ liệu để xác định kế hoạch phát triển riêng cho mỗi người.

Từ bài học tại Thế vận hội đến những thành công khiêm tốn ở các giải đấu quốc tế đã qua, thể thao Việt Nam cần có sự chuyển biến quyết liệt hơn, mới có thể hy vọng vào tương lai phát triển bền vững.

(Theo nhandan.vn)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/the-thao/202412/cho-doi-nhung-gam-mau-sang-1030615/