Chợ Đồn: Xây dựng thương hiệu đặc sản vùng từ sản xuất lúa hữu cơ

Là vùng có diện tích lúa Bao thai lớn nhất tỉnh cũng như sản xuất thành công gạo Nhật Japonica (J02 ) mấy năm trở lại đây đã mang lại ưu thế rất lớn cho huyện Chợ Đồn trong việc hình thành và xây dựng lúa đặc sản từ các giống chất lượng cao.

Một mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Yên Phong thu được kết quả khá trong vụ xuân vừa qua.

Một mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Yên Phong thu được kết quả khá trong vụ xuân vừa qua.

Hiệu quả từ liên kết sản xuất lúa chất lượng cao

Đất trồng lúa 2 vụ của huyện Chợ Đồn có hơn 4.000ha mỗi năm, đây được xem là vùng canh tác cây lương thực lớn của tỉnh với sản lượng lúa hằng năm hơn 20.000 tấn, trong số đó huyện duy hơn 1.700ha giống lúa Bao thai áp dụng theo quy trình sản xuất tiến bộ, năng suất đạt từ 51-52 tạ/ha, cao hơn 4-5 tạ/ha so với giống lúa đại trà.

Nắm bắt rõ thế mạnh đó, huyện Chợ Đồn đã phối hợp với các ngành lồng ghép từ các chương trình, dự án của Nhà nước đưa vào sản xuất một số giống lúa chất lượng cao, bước đầu mang lại hiệu quả. Cụ thể, năm 2018 huyện đã trồng thử nghiệm giống lúa Nhật J02 với diện tích 9ha tại xã Phương Viên; năm 2021 tiếp tục mở rộng 200ha tại các xã Phương Viên, Yên Thịnh, Đại Sảo, Yên Phong, Bình Trung; năm 2022 Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng cũng tiến hành triển khai 17ha mô hình gạo lúa Nhật J02 tại xã Yên Phong theo tiêu chuẩn hữu cơ, HTX Sơn Lâm (thị trấn Bằng Lũng) thực hiện mô hình liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm được hơn 45ha trong vụ xuân năm 2021-2022 với giống lúa Nhật J02, tiêu thụ hơn 50 tấn thóc mỗi năm.

Từ việc sản xuất liên kết, nhiều hộ đã có thu nhập từ bán thóc, điển hình như hộ Hoàng Văn Hậu ở thôn Đon Mạ, ông Hoàng Văn Khuynh ở thôn Bản Quăng (xã Yên Phong) mỗi hộ đều bán được hơn 2 tấn thóc thu về hơn 10 triệu đồng trong vụ xuân vừa qua. Ông Hoàng Thế Vĩnh- Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phong cho biết: "Nhờ các chương trình, dự án của Nhà nước, xã đã tham gia sản xuất gạo Nhật J02 từ vài năm nay. Cây lúa Nhật cho năng suất cao, đạt trên 60 tạ/ha, chất lượng gạo dẻo, phù hợp với điều kiện canh tác vùng. Vụ mùa 2022, địa phương tiếp tục thực hiện 15ha giống lúa Bao thai theo tiêu chuẩn hữu cơ, nếu bao tiêu ổn định chắc chắn diện tích lúa hàng hóa sẽ còn được nhân lên”.

Tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ

Giống lúa Bao thai, Japonica (J02) đã được một số tổ chức, cá nhân liên kết, chế biến thành các sản phẩm như bún, phở khô với sản lượng đạt khá. Cụ thể như HTX Hồng Luân, xã Tân Lập sản lượng đạt 35 tấn bún khô/năm; hộ bà Hoàng Thị Cát, xã Nam Cường đạt 6 tấn phở khô; hộ Hoàng Ngọc Hường, xã Bình Trung đạt 30 tấn. Huyện duy trì và phát triển nhãn hiệu tập thể “Gạo Bao thai Chợ Đồn”, trong đó gạo Bao thai và gạo Japonica hiện đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là lợi thế rất lớn để sản phẩm của địa phương cạnh tranh, vươn ra thị trường, duy trì thương hiệu gạo đặc sản đặc trưng của vùng

 HTX Sơn Lâm,thị trấn Bằng Lũng tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm gạo Japonica của huyện Chợ Đồn.

HTX Sơn Lâm,thị trấn Bằng Lũng tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm gạo Japonica của huyện Chợ Đồn.

Trên cơ sở lợi thế đã có và những kết quả liên kết bước đầu giữa Nhà nước - HTX và người dân, chủ trương của huyện Chợ Đồn trong giai đoạn tới sẽ hình thành và phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn hữu cơ. Chủ trương này hiện đã được HĐND huyện thông qua tại Kỳ họp lần thứ sáu vừa qua. Cụ thể, huyện sẽ thực hiện phương án hỗ trợ sản xuất lúa chất lượng cao theo quy trình hữu cơ giai đoạn 2023-2025. Mục tiêu đến năm 2025 trên địa bàn có 50ha diện tích lúa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ (TCVN 11041-2:2017), chứng nhận 20ha lúa sản xuất hữu cơ; 50ha diện tích chuyển đổi hữu cơ. Địa điểm dự kiến thực hiện tại xã Đồng Thắng.

Ông Đặng Đình Phong- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Kinh tế nông nghiệp của huyện thực tế cho thấy chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ. Sản xuất manh mún, chưa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ. Trước thực trạng đó, địa phương đã tính toán, xây dựng phương án sản xuất lúa chất lượng cao theo quy chuẩn hữu cơ, thời gian thực hiện 3 năm. Huyện đã khảo sát vùng, chọn địa điểm và đang chuẩn bị các bước để có thể triển khai vào năm tới. Hy vọng đây sẽ là giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm gạo đặc sản vùng, giữ vững thương hiệu gạo địa phương"./.

Thu Trang

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202207/cho-don-xay-dung-thuong-hieu-dac-san-vung-tu-san-xuat-lua-huu-co-d1d0926/