Chỗ dựa cho nạn nhân da cam

Gần 10 năm hoạt động, Trung tâm Nuôi dưỡng phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Tây Ninh (gọi tắt là Trung tâm Da cam, ở ấp Bàu Lùn, xã Bình Minh, TP. Tây Ninh) trở thành địa chỉ đáng tin cậy của những gia đình có người thân là nạn nhân chất độc da cam.

Nhân viên VNAH hướng dẫn các em vẽ tranh.

Nhân viên VNAH hướng dẫn các em vẽ tranh.

Sáng 20.7, trong Phòng Tâm vận động, anh Nguyễn Hoàng Dương Hải- cử nhân vật lý trị liệu của Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH) đang hướng dẫn các em nhỏ một số trò chơi vận động như ném bóng, leo núi, chui đường ống, nhảy qua những tấm nệm…

Các em thực hiện những động tác nêu trên với tốc độ chậm và khó khăn. Anh Hải cho biết: “VNAH triển khai ở Tây Ninh từ năm 2016 đến nay, bằng các hình thức hoạt động trị liệu, vật lý trị liệu, âm ngữ trị liệu, giúp trẻ ở đây có thể hoạt động như trẻ bình thường”.

Tại Phòng Phục hồi chức năng, chị Nguyễn Linh Lan- cử nhân hoạt động trị liệu của VNAH hướng dẫn một số em cách nhận biết các mệnh giá tiền Việt Nam. Sau đó, chị Lan hướng dẫn các em cách gấp chăn (mền). “Trước đây các cháu không tự gấp chăn được. Đến nay, khi em hỏi về nhà có tự gấp chăn không, các cháu đều trả lời dạ có. Đó là sự thành công trong việc can thiệp phục hồi chức năng mà em cảm nhận được”- chị Lan chia sẻ.

Ngoài sự hỗ trợ của VNAH, Trung tâm Da cam còn được cơ sở cắt tóc Hải Sài Gòn (thị xã Hòa Thành) hỗ trợ cắt tóc miễn phí cho các em mỗi tháng một lần. Anh Trần Phi Hải- chủ cơ sở cắt tóc Hải Sài Gòn chia sẻ: “Thấy các bạn ở đây có hoàn cảnh đáng thương nên anh em đến cắt tóc, góp phần chia sẻ khó khăn. Mỗi lần cắt tóc được gần 20 người”.

Thợ cắt tóc đến làm đẹp cho các em ở Trung tâm.

Thợ cắt tóc đến làm đẹp cho các em ở Trung tâm.

Nhờ sự chăm sóc tận tình của Trung tâm, nhiều nạn nhân chất độc da cam có được điểm tựa vững chắc tiếp tục cố gắng, vươn lên trong cuộc sống. Trường hợp của vợ chồng chị Võ Thị Kim Tuyến và anh Nguyễn Trường Hận là một ví dụ.

Chị Tuyến năm nay 32 tuổi, quê ở xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu. Chị Tuyến bị liệt 2 chân từ nhỏ. Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, cha mẹ cho chị học đến lớp 2 rồi nghỉ. Khi Trung tâm Da cam Tây Ninh thành lập, gia đình đưa chị Tuyến đến ở bán trú để điều trị. Tại đây, chị Tuyến tiếp tục học văn hóa, được hướng dẫn cách chăm sóc bản thân, nấu cơm, rửa chén, quét nhà.

Ở Trung tâm Da cam Tây Ninh khi đó có chàng trai kém may mắn tên Nguyễn Trường Hận đang điều trị. Từ nhỏ, anh Hận đã bị tật đôi chân, đi lại không thuận tiện. Sau 6 năm cùng ăn, cùng học ở Trung tâm, hai mảnh đời khốn khó tìm thấy một nửa của nhau và quyết định tiến tới hôn nhân. Lãnh đạo Trung tâm đứng ra tổ chức đám cưới cho đôi bạn. Đôi vợ chồng đã có với nhau một bé gái 2 tuổi, thân hình lành lặn, dễ thương.

Chị Tuyến kể: “Lãnh đạo Trung tâm còn giúp đỡ bằng cách tìm đại lý vé số giới thiệu cho hai vợ chồng em nhận vé số đi bán dạo. Mỗi ngày, vợ chồng em bán gần 300 tờ, kiếm khoảng 300.000 đồng”. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng ngày nào bán hết vé số sớm, vợ chồng chị Tuyến đều đến Trung tâm phụ các nhân viên ở đây tắm rửa cho các bé và phụ quét nhà, nấu cơm, rửa chén.

Trung tâm Phát triển sức khỏe bền vững (VietHealth) là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực y tế và sức khỏe cộng đồng, đặc biệt về sức khỏe tình dục và sinh sản, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phát hiện và phục hồi chức năng cho người khuyết tật.

Nhiều bạn trẻ khác, nhờ được nương tựa ở Trung tâm mà tự tin hơn trong cuộc sống. Học viên Phạm Thanh Trà, 23 tuổi, ngụ phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh nhớ lại, trước đây, khi ở nhà luôn có mẹ kế bên nên em ít tự lập. Hơn 8 năm đến Trung tâm, được các cô chú giúp đỡ, giờ em biết tự chăm sóc bản thân tốt hơn”.

Từ một cậu bé chỉ biết dựa dẫm vào mẹ, nay Trà đã là chàng trai cứng cỏi. Hằng ngày, em tự đi xe đạp điện đến Trung tâm và từ Trung tâm trở về nhà. Buổi trưa, em còn trông coi, nhắc nhở các em nhỏ giữ trật tự, ngủ trưa. Hai bàn tay, bàn chân bị co rút, nhưng Trà sử dụng điện thoại thông minh thành thạo.

Đoàn Thanh Trường, 25 tuổi, ngụ xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh là một trong những học viên kỳ cựu của Trung tâm. Gần 10 năm trước, khi Trung tâm mới thành lập, Trường được cha chở đến. Phải rất vất vả cha mới dìu được em từng bước vào hội trường.

Sau thời gian kiên trì tập luyện ở Trung tâm, đến nay, Trường đã có thể chống nạng đi lại mà không cần người dìu dắt. Chàng trai bộc bạch: “Đến đây, em học chữ, hòa đồng với các bạn, không còn sợ nói chuyện với người khác và biết đếm tiền”. Trường tâm sự, dự kiến sắp tới sẽ đi học nghề chỉnh sửa ảnh, vì công việc phù hợp với hoàn cảnh.

Cán bộ VNAH hướng dẫn các em trò chơi leo núi.

Cán bộ VNAH hướng dẫn các em trò chơi leo núi.

Trí là một trong những trường hợp bị ảnh hưởng rất nặng bởi chất độc hóa học. Bà Nguyễn Ngọc Tuyền- mẹ của Trí nhớ lại: “Khi sinh ra Trí đã như cục bột, để đâu nằm im đó. Lớn lên cũng không biết nói, cho ăn thì ăn, không cho thì thôi, không biết đòi.

Sau thời gian vào Trung tâm, Trí tiến bộ nhiều, biết phân biệt một số con vật. Hồi trước, ở nhà kêu làm việc gì cũng không chịu. Nay về nhà biết xếp mền, gối cho ngay ngắn. Cơm nước xong, biết tự dọn chén đũa xuống rửa. Mặc dù rửa chén đũa chưa được sạch lắm nhưng cũng biết sắp xếp chén để một bên, đũa một bên”.

Ông Nguyễn Ngọc Vinh- ngụ phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh, phụ huynh của em Nguyễn Thị Tuyết Em rất hài lòng với kết quả dạy dỗ của Trung tâm. Ông Vinh kể, trước đây ít khi bé chịu làm việc nhà. Từ khi vào Trung tâm, được các cô chỉ bảo, bé tiến bộ nhiều. Tuy học văn hóa không bằng những đứa trẻ bình thường khác, nhưng về nhà bé có phần năng động hơn.

Công tác chăm sóc, phục hồi cho những nạn nhân này không hề đơn giản. Trẻ em ở đây đều bị tật. Nhiều em bị khoèo tay, khoèo chân, đi đứng, cầm nắm khó khăn. Có em không nghe, không nói. Nhiều em có vấn đề về não, hạn chế nhận thức, hành động. Bà Võ Thị Thu Vân- Phó Giám đốc Trung tâm Da cam cho biết, Trung tâm Da cam chính thức hoạt động từ tháng 6.2013, hiện nuôi dưỡng, phục hồi chức năng miễn phí cho 25 trẻ em nam, nữ bán trú và điều trị ngoại trú cho 10 nạn nhân chất độc da cam/Dioxin khác.

Ngoài việc nuôi dưỡng, phục hồi chức năng theo giáo trình, những năm gần đây, Trung tâm còn được VNAH và Trung tâm Phát triển sức khỏe bền vững (VietHealth) hỗ trợ. Vào các ngày thứ 2, 4, 6 hằng tuần, một số cán bộ của VNAH đến Trung tâm giúp các nạn nhân da cam ở đây phục hồi chức năng; mỗi tháng có bác sĩ ở Thành phố Hồ Chí Minh đến khám tổng quát cho các em.

Chị Tuyền, anh Hận nên duyên chồng vợ và có với nhau 1 cô con gái.

Chị Tuyền, anh Hận nên duyên chồng vợ và có với nhau 1 cô con gái.

Tuy nhiên, hoạt động của Trung tâm cũng còn một số hạn chế, như: chỉ nhận nuôi dưỡng, phục hồi trẻ em theo hình thức bán trú chứ chưa nuôi dưỡng nội trú, vì thế nhiều gia đình ở các huyện, thị xa xôi như Tân Biên, Tân Châu, Gò Dầu, Bến Cầu có con em bị nhiễm chất độc da cam/Dioxin không thể gửi vào Trung tâm.

Thêm vào đó, lương giáo viên Trung tâm quá thấp, trung bình chỉ 3 triệu đồng/người/tháng, vì thế, vừa qua đã có 2 giáo viên nghỉ việc. Từ khi thành lập đến nay có đến 8 nhân viên lần lượt nghỉ việc. Hiện Trung tâm chỉ còn 1 giáo viên, vừa phụ trách việc đón nhận, giao trả, dạy dỗ, vừa kiêm luôn việc cơm nước cho các em. Trung tâm không có biên chế nên tất cả chi phí hoạt động đều dựa vào sự đóng góp của các mạnh thường quân.

VNAH là tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ đã cùng với các nhà tài trợ và đối tác tại Việt Nam thực hiện nhiều dự án cải thiện chất lượng sống, hòa nhập xã hội cho người khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ xây dựng và triển khai các chính sách vì người khuyết tật, nâng cao năng lực cho các đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ y tế, xã hội và giáo dục tại địa phương.

Đại Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/cho-dua-cho-nan-nhan-da-cam-a147543.html