Chợ ế ẩm, nhiều tiểu thương bỏ kinh doanh
Nhiều ki-ốt đóng cửa, các gian hàng đắp bạt bỏ không, người bán hàng ngồi tán chuyện, than ế ẩm vì vắng khách… Đó là tình trạng đang diễn ra ở một số chợ lớn tại thành phố Lào Cai.
Chợ chính đìu hiu
Hơn 5 giờ chiều là khoảng thời gian các gia đình đi chợ mua thực phẩm nhiều nhất, nhưng tại khu vực bán thực phẩm của chợ Kim Tân (phường Kim Tân) lại vắng bóng khách. Nằm ở ngay đầu chợ thực phẩm - vị trí được coi là thuận lợi nhất nhưng các gian hàng bán hoa quả lại vắng tanh, chỉ vài hộ ở phía ngoài ngồi bán, những sạp hàng phía trong đều đắp bạt bỏ không, mạng nhện giăng vì lâu ngày không ai đụng đến. Bà Phạm Thị Huệ, chủ một sạp hàng tỏ ra ngán ngẩm, lôi ra cho chúng tôi xem thùng hoa quả đã bị thối, hỏng vì nhiều ngày không có khách mua. Những quả nhãn thối đen; bưởi, lê héo quắt; những quả dưa hấu cũng chẳng còn tươi. Bà Huệ cho biết, nhiều hộ đã bỏ gian hàng đi làm việc khác cả năm nay vì ngồi bán cũng không có khách vào mua. Riêng nhà bà, mỗi ngày bán thu được khoảng 200.000 - 300.000 đồng, trừ đi vốn ở lượng quả bị thối thì lãi không đáng là bao. Tuy nhiên, bán hàng đã nhiều năm, lại không có công việc khác thay thế nên bà phải duy trì.
Tiếp đến là khu bán đồ ăn, cả dãy dài chỉ lác đác vài hộ đang chuẩn bị đồ cho khách. Bà Nguyễn Thị Phương bán hàng ăn ở gian ngoài cùng chia sẻ: “Với vị trí thuận lợi như gian hàng của tôi, theo quy định mỗi quý phải đóng 1 triệu đồng phí các loại nhưng thu nhập lại bấp bênh, có những ngày chỉ bán được vài chục nghìn đồng. Hơn chục năm bán hàng ăn nên chủ yếu là khách quen vào mua, đã lâu tôi không thấy một khách lạ nào”.
Chợ Kim Tân di chuyển sang địa điểm mới và đi vào hoạt động từ cuối năm 2017. Khu vực chợ thực phẩm có 204 vị trí và đã có 199 hộ đăng ký kinh doanh, tuy nhiên thực tế chỉ khoảng 1/3 số hộ đang kinh doanh, số còn lại đều bỏ không gian hàng trong thời gian dài. Riêng hàng hoa quả có 25 gian song gần đây chỉ có 5 gian được bày bán. Gian hàng giải khát có 16 hộ đăng ký kinh doanh nhưng hiện cũng chỉ 1/4 số hộ hoạt động và rất vắng bóng khách.
Cùng chung cảnh ngộ, nhiều tiểu thương tại chợ Pom Hán (phường Pom Hán) cũng “ế hàng”. Buổi sáng tại đây chỉ có gian hàng thực phẩm tươi sống thu hút đông khách, các gian hàng đồ khô hầu như đắp bạt bỏ không hoặc có kinh doanh nhưng rất ít khách. Chị Hoàng Thị Thu Hiền, tiểu thương ở chợ cho biết: Tôi bán đồ ăn chín, chủ yếu là giò, chả. Khách đến mua đa phần là khách sỉ, lượng khách lẻ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Khu vực bán đồ may mặc, quần áo trên tầng 2 cũng không khá khẩm hơn là mấy, cả dãy dài ki-ốt đóng cửa, những người bán hàng ngồi tán chuyện, không có một khách hàng nào lui đến. Bà Trương Thị Minh, tiểu thương than thở: “Khi chợ Pom Hán ở vị trí cũ, tôi còn bán được hàng. Từ ngày chuyển vào chợ mới và bán hàng tại tầng 2, có ngày không có nổi một khách đi ngang qua gian hàng. Nhiều hộ không trụ được đã đóng cửa ki-ốt để làm việc khác. Tôi đã thuê gian hàng này 5 năm nên đành cố bám trụ cho hết thời gian, bây giờ mà bỏ đi tôi cũng không biết làm gì”.
Đâu là nguyên nhân?
Cùng một thời điểm nhưng trái ngược với khung cảnh đìu hiu trong chợ, hai bên đường vào chợ Kim Tân tấp nập người mua và bán, ô và bạt che khuất cả lối đi. Mặt hàng nào trong chợ thực phẩm chính có thì ở đây cũng có, thậm chí người bán còn đông hơn. Các tiểu thương trong chợ cho rằng, đây chính là nguyên nhân khiến hàng trong chợ “ế khách”. Bà Nguyễn Thị Phương tỏ ra bức xúc: “Những người bán hàng phía ngoài chỉ bỏ ra 3.000 đồng tiền vé mỗi ngày và cứ thế mang hàng ra bán. Nhiều người bán ngồi ngay lối đi lại, khách tiện đường nên dừng xe để mua tấp nập, như vậy khách đâu cần phải vào sâu trong chợ chính để mua. Tình trạng này đã diễn ra từ khi chợ mới chuyển đến đây”.
Còn tại chợ Pom Hán, cứ cuối buổi chiều, tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán khá phổ biến, thậm chí còn tràn xuống cả lòng đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan đô thị. Ngoài nguyên nhân là tình trạng bày bán hàng tràn lan phía ngoài, những tiểu thương trong chợ Pom Hán cho rằng, hầu hết các phường đã có chợ, chợ Pom Hán không còn là chợ trung tâm của các xã, phường phía Nam thành phố nên sức mua của người dân cũng giảm. Chợ được xây dựng ở vị trí không thuận tiện, xung quanh chợ đều là các hộ kinh doanh, chợ Pom Hán giống như ở giữa lòng chảo, các gian hàng trên tầng 2 không thuận tiện cho người mua.
Được biết, tiểu thương các chợ đã nhiều lần nêu ý kiến tại các cuộc họp với Ban Quản lý chợ, thể hiện sự bức xúc trước tình trạng bán hàng tràn lan phía ngoài. Anh Phạm Văn Xuyên, tiểu thương chợ Kim Tân cho biết: Chúng tôi yêu cầu giải tán những trường hợp buôn bán tự phát tại lối đi vào chợ, không cấm họ bán hàng nhưng chúng tôi mong muốn di chuyển hoặc quy hoạch vị trí bán hàng cho những người này một cách hợp lý để công bằng giữa các tiểu thương. Bên cạnh đó, theo quy định, chợ đầu mối nông sản chỉ hoạt động từ 0 đến 6 giờ sáng, tuy nhiên nhiều trường hợp không tuân thủ, tan chợ muộn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của những tiểu thương khác. Bà Phạm Thị Lan, tiểu thương chợ Pom Hán cũng cho biết: “Chúng tôi đề nghị giảm giá thuê ki-ốt để thuận lợi cho kinh doanh, ngoài ra sẽ thu hút được các hộ khác chuyển vào phía trong chợ”.
Cần gỡ khó cho các tiểu thương
Trao đổi với phóng viên, bà Nông Thị Phượng, Phó Trưởng Ban quản lý chợ Kim Tân cho biết: Ban đã nắm được tình hình phản ánh và bức xúc của các tiểu thương. Hiện chợ thực phẩm Kim Tân có 199 hộ đăng ký kinh doanh nhưng khoảng 77 hộ không hoạt động, trong đó có một số hộ đã xin tạm ngừng kinh doanh. Khu vực dọc bờ suối chợ Kim Tân, chủ yếu là người dân lân cận tự mang rau và hoa quả ra bán. Ban Quản lý chợ đã bố trí khu vực sân gần khu bán hàng thực phẩm để người dân đang buôn bán tự phát đến đó kinh doanh, trả lại đường đi cho người tham gia giao thông và thuận lợi cho các tiểu thương kinh doanh trong chợ. Đối với các tiểu thương hoạt động ở chợ đầu mối, trước 6 giờ sáng hằng ngày, Ban Quản lý chợ đều thông báo trên loa để họ dọn dẹp hàng, trả lại vị trí cho chợ ban ngày hoạt động.
Về phần chợ Pom Hán, Ông Nguyễn Duy Hà, Trưởng Ban quản lý chợ Pom Hán cho biết: Để tiểu thương bán hàng tự phát, lấn chiếm lòng lề đường tại khu vực gần chợ Pom Hán là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Ban Quản lý chợ đang khảo sát ý kiến của tiểu thương để đưa ra mức giá thuê ki-ốt phù hợp, thu hút tiểu thương vào chợ kinh doanh.
Trước phản ánh của các tiểu thương, ngày 12/6/2019, tại buổi họp nghe báo cáo về khó khăn và đề xuất giải pháp trong công tác quản lý và khai thác chợ trên địa bàn thành phố, bà Nguyễn Thị Vi Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo: Ban Quản lý chợ Kim Tân cần thông báo, sắp xếp các hộ kinh doanh không cố định bán hàng theo đúng phương án đã được phê duyệt xong trước ngày 1/7/2019; yêu cầu các hộ không bán hàng theo đúng quy định phải tháo dỡ toàn bộ ô, dù trước ngày 25/6/2019. Đối với chợ Pom Hán, Ban Quản lý chợ cần rà soát lại các ki-ốt đấu giá không thành công, khảo sát nhu cầu thị trường và nghiên cứu đơn giá cho thuê hằng năm, đề xuất và báo cáo với UBND thành phố trước ngày 30/6/2019; kiểm tra, sắp xếp khu vực hàng tươi sống theo phương phán được phê duyệt, đảm bảo mỹ quan trong chợ.
Đến chiều 29/6, theo quan sát của phóng viên, một số hộ kinh doanh tự phát ở khu vực chợ Kim Tân đã chuyển đến địa điểm sân gần chợ, tuy nhiên khu vực đường vào chợ còn nhiều người bày bán tự do; số ô, dù căng lên để bán hàng dọc kè bờ suối đã giảm nhưng còn hộ không chấp hành theo quy định. Đối với chợ Pom Hán, Ban Quản Lý chợ đã rà soát lại các ki-ốt đấu giá không thành công, khảo sát nhu cầu thị trường, nghiên cứu đơn giá cho thuê hằng năm và đề xuất, báo cáo với UBND thành phố.