Cho em chồng mượn xe về Tết, chị dâu méo mặt ngày nhận lại
Tết nào, tôi cũng phải hỏi khéo em chồng có mượn xe của mình về quê vợ ăn Tết không. Vì nếu không hỏi, tôi sẽ bị mang tiếng là 'chị không nói gì, sao em dám mượn'.
Tết năm nào, tôi cũng phải đau đầu chuyện có nên cho em chồng mượn ô tô không. Cho mượn thì em không biết ý, làm bẩn hết xe nhưng không cho mượn thì lại mang tiếng với nhà chồng. Bởi nhà tôi có 2 xe, Tết đi chung một xe, còn một xe để không.
Giá như em chồng chủ động mở lời, tôi sẽ không phải lăn tăn gì. Nhưng đằng này, lần nào em cũng đợi tôi “gạ” cho mượn. Khi tôi hỏi “chú thím năm nay có lấy xe chị về không”, em chồng còn làm bộ khách sáo: “Dạ, nếu chị cần thì cứ giữ lấy đi, bọn em đi xe khách về quê cũng được”.
Nhưng nếu tôi có bận thật thì cũng chẳng để chú thím và các cháu đi xe khách về quê ăn Tết. Thế nên, lúc nào tôi cũng cho mượn trong tâm thế vui vẻ dù lòng lo lắng bộn bề. Lẽ ra chú thím phải cảm ơn nhưng khi mượn được rồi lại tiếp tục nói: “Chị mà không hỏi thì chắc vợ chồng em cũng chẳng mượn đâu”.
Câu nói ấy chẳng khác gì tôi “gạ” hay “ép” em chồng mượn xe của mình. Hay vì suy nghĩ đó mà chú ấy không bao giờ chủ động dọn dẹp hay đổ xăng xe cho tôi khi trả?
Tình trạng cho mượn xe kiểu này đã diễn ra 6 năm nay. Năm nào cũng vậy, cứ mùng 5 Tết, tôi lại nhận về một chiếc xe trông chẳng khác nào mới đi từ đầm lầy lên. Ngày nắng còn đỡ, nếu ngày mưa thì xác định xe bẩn từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, bánh xe bùn đất lấm lem.
Trong xe, bim bim, vỏ kẹo, lon nước rơi vãi, vứt lung tung. Trẻ con ăn bánh kẹo, bim bim, bôi dầu mỡ lên kính xe. Điều khiến tôi bức xúc hơn cả, là lần nào nhận lại, xe cũng hết sạch xăng, chỉ đi nổi tầm 10km ra đến chỗ đổ.
Ấy vậy mà không lần nào trước khi cho mượn tôi không lịch sự đổ đầy bình xăng cho chú thím, để vợ chồng chú khỏi phải dừng đổ giữa đường. Tôi cũng không muốn tính toán vài trăm nghìn tiền xăng nhưng chú thím thật sự quá thiếu ý thức.
Năm nay, tôi đã lo ngay ngáy về chuyện này và nghĩ có nên từ chối cho mượn xe hay không thì đùng một cái, chú thím lại ngỏ lời. Tôi khá bất ngờ vì chưa bao giờ chú ấy nói trước với tôi. “Hay tại lần trước mình kêu nhiều quá nên chồng nhắc nhở chú ấy”, tôi nghĩ bụng.
Vậy là tôi lại chẳng có cớ gì từ chối, vui vẻ cho mượn. Nhưng năm nay chú thím muốn mượn thật sớm vì có đứa em từ trong Nam ra chơi, muốn chở em đi đây đi đó, thăm thú Tết miền Bắc.
Dù bận sắm Tết, tôi cũng vẫn đồng ý. Mấy mẹ con hôm nào cũng bắt taxi đi mua đồ hoặc đi xe máy.
Tôi đã hết lòng như vậy nên chỉ mong em chồng hiểu và sống biết điều hơn một chút. Nhưng điều tôi hy vọng lại không như mong đợi.
Năm nay, tôi sợ tình trạng như năm ngoái nên cố ý gọi em chồng gửi lại xe sớm để còn đi rửa và dọn dẹp. Thật lòng tôi cũng hy vọng sẽ nhận được một cái xe sạch sẽ hơn. Nhưng khi vừa nhận lại, tình cảnh lại không khác gì năm ngoái. Bình xăng về gần vạch hết, trên xe đầy vỏ bánh kẹo, thậm chí sữa cũng đổ ra sàn.
Muốn nói tức vài câu nhưng lại sợ chồng khó chịu nên đành ngậm đắng nuốt cay. Thú thực, nếu em chồng cứ thiếu trách nhiệm và ỷ lại như thế này thì chắc năm sau tôi cũng phải kiên quyết chấm dứt tình trạng cho mượn xe, không nể nang gì nữa. Bằng mọi giá tôi phải tìm cách né chuyện này...
Mời độc giả gửi tâm sự của mình đến chúng tôi. Biết đâu, câu chuyện của bạn có thể giúp ai đó tìm thấy sự đồng cảm, hoặc đơn giản là giúp chính bạn vơi đi những muộn phiền.
Tâm sự gửi về email: Bandoisong@vietnamnet.vn.