Chờ gì trong chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập?

Ông Tập đang có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới CHDCND Triều Tiên trong tuần này, làm nồng ấm mối quan hệ giữa hai nước trong thời điểm các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình trệ, theo báo South China Morning Post.

Chuyến thăm hai ngày của Chủ tịch Trung Quốc tới Bình Nhưỡng diễn ra một tuần trước cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Nhật Bản.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ có liên quan đến sự phát triển và nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh chưa có nhiều tiến triển kể từ khi hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội hồi tháng 2 kết thúc mà không có thỏa thuận.

Dưới đây là những vấn đề chính cần chú ý.

Phi hạt nhân hóa

Hôm 19-6, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đã đăng một bài bình luận của ông Tập kêu gọi nước này hãy tiếp tục đi theo “hướng đi đúng” liên quan đến việc giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.

Người phát ngôn của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, ông Ko Min-jung, hy vọng chuyến đi của ông Tập sẽ giúp mở đường cho việc sớm nối lại các cuộc đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa và một nền hòa bình.

Nhưng các nhà quan sát cho rằng chuyến đi sẽ khó có thể mang lại tiến bộ đáng kể trên mặt trận này.

Ông Denny Roy, thành viên cao cấp tại Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii, cho biết cuộc gặp Kim-Tập có khả năng tập trung vào thiện ý của Triều Tiên trong việc đàm phán về phi hạt nhân hóa, nhưng những khác biệt với Mỹ vẫn là một trở ngại.

Những chuyến thăm lần trước của lãnh đạo hai nước đều ở trạng thái không chính thức. Chuyến thăm chính thức Triều Tiên lần này của Chủ tịch Tập sẽ “nâng tầm vị thế” cho ông Kim.

Rõ ràng Trung Quốc nhận thấy họ cần coi trọng Triều Tiên sau việc Tổng thống Trump đồng ý cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với ông Kim ở Singapore. “Ông Tập không muốn một mối quan hệ mới giữa Mỹ-Triều sẽ đẩy Trung Quốc ra ngoài”, ông Roy nói.

Kim và Tập đã gặp nhau nhiều lần, nhưng chưa bao giờ diễn ra ở Triều Tiên. Ảnh: AFP

Kim và Tập đã gặp nhau nhiều lần, nhưng chưa bao giờ diễn ra ở Triều Tiên. Ảnh: AFP

Tình hữu nghị giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng

Chuyến thăm của ông Tập cũng sẽ bao gồm các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Triều Tiên.

Hai nước đã từng là đồng minh trong lịch sử, nhưng mối quan hệ đó đã trở nên căng thẳng do những động thái khó dự đoán của ông Kim.

Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, hỗ trợ mạnh mẽ cho nền kinh tế của nước láng giềng, và hai nước bị ràng buộc bởi một hiệp ước tương trợ.

Bà Rorry Daniels, Phó Giám đốc dự án tại Diễn đàn về an ninh châu Á-Thái Bình Dương, cho biết chuyến đi này có thể sẽ chỉ có ý nghĩa về mặt nghi thức hơn là đưa ra các giải pháp chi tiết.

Nhưng nó cũng có thể báo hiệu Triều Tiên đang phục hồi các chính sách ngoại giao, và sẽ sẵn sàng có những động thái hàn gắn liên quan đến Mỹ.

“CHDCND Triều Tiên rất coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc và hiểu rằng ông Tập Cận Bình là người bảo đảm cho mối quan hệ đó”, bà Daniels nói.

“Có thể Triều Tiên muốn phối hợp với Trung Quốc trước khi tiếp cận Mỹ và các nước lớn khác, bao gồm Hàn Quốc về mặt ngoại giao”.

Quốc kỳ Triều Tiên và Trung Quốc tung bay tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng hôm 20-6 . Ảnh: AFP

Quốc kỳ Triều Tiên và Trung Quốc tung bay tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng hôm 20-6 . Ảnh: AFP

Tập trung vào kinh tế

Triều Tiên đã bị tổn hại bởi những lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc liên quan đến việc phát triển vũ khí hạt nhân và thử tên lửa, và ông Kim đã chuyển trọng tâm sang phát triển kinh tế trong nước.

Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết chuyến thăm sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế và thương mại song phương.

Tờ báo trích lời ông Zheng Jiyong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc tại Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, nói rằng hai nước sẽ tập trung vào du lịch văn hóa và giáo dục - hai lĩnh vực không nằm trong phạm vi chế tài của các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Một nguồn tin ngoại giao cho biết Trung Quốc có thể cung cấp viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên sau chuyến thăm.

Đòn bẩy tiềm năng cho Trung Quốc đương đầu Mỹ?

Thời điểm chuyến thăm rất gần với cuộc gặp trực tiếp của ông Tập với ông Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20 đã thúc đẩy suy đoán rằng Trung Quốc sẽ cố gắng sử dụng mối quan hệ với Triều Tiên như một đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Mỹ.

Ông Zhao Tong, nghiên cứu viên tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua, cho biết Trung Quốc có thể muốn thúc đẩy các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa để kêu gọi Washington thực hiện một cách tiếp cận ít mang tính đối đầu hơn.

“Bằng cách thể hiện một mối quan hệ độc nhất với CHDCND Triều Tiên tại thời điểm mà cả Washington và Seoul đều không thể tiếp cận Bình Nhưỡng, Bắc Kinh đang báo hiệu với Washington rằng Trung Quốc vẫn là một đối tác hữu ích, và không thể thiếu nếu muốn giải quyết các vấn đề quan trọng trong khu vực”, ông nói.

Nhưng ông Roy cảnh báo rằng có những giới hạn ông Tập không thể vượt qua. “Ông Tập không thể sử dụng Triều Tiên để đổi lấy việc được Mỹ dỡ bỏ thuế quan vì ông ấy không thể ngăn ông Kim thử nghiệm hay từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình”.

NGUYỆT ÁNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/cho-gi-trong-chuyen-tham-trieu-tien-cua-ong-tap-841185.html