Ảnh
Những ngày cuối tháng Chạp, chợ hoa Hàng Lược khu chợ tồn tại hơn trăm năm giữa lòng phố cổ trở thành điểm đến quen thuộc của người dân Hà Nội và du khách.
Chợ hoa Hàng Lược là chợ hoa Tết lâu đời nhất của người Hà Nội, chợ chỉ mở phiên duy nhất trong năm từ sau ngày Rằm tháng Chạp cho tới trước ngày 30.
Những ngày này, hàng trăm gian hàng hoa tết rực rỡ, từ đào Nhật Tân hồng phớt, mai vàng miền Nam, đến những cành quất trĩu quả, cùng các loại hoa cúc, hoa lan và hoa ly, mang không khí tươi mới, báo hiệu mùa xuân đang đến gần.
Tết Ất Tỵ 2025, khi thời gian như chậm lại giữa nhịp sống hối hả, chợ hoa Hàng Lược chính là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống, là sắc màu không thể thiếu trong bức tranh xuân Thủ đô.
Tại đây, không khó để bắt gặp những cụ ông, cụ bà thong thả lựa chọn từng nhành đào, chậu quất trong những chiều cuối năm.
Bên cạnh đào quất truyền thống, năm nay chợ hoa Hàng Lược còn có thêm màu sắc từ các loài hoa lan.
Chợ hoa Tết Hàng Lược còn là địa điểm được nhiều người yêu thích tìm tới để chụp những bức ảnh Tết ý nghĩa.
Không khí tại chợ hoa Hàng Lược những ngày giáp Tết không chỉ là niềm vui hội tụ mà còn là dịp để mỗi người con Hà Nội tìm lại những ký ức đẹp về ngày Tết xưa cũ.
Dạo bước dưới bóng cờ hoa phấp phới, lắng nghe tiếng nói cười, ngắm nhìn sự tấp nập của người mua kẻ bán, dường như mỗi người đều cảm nhận được hơi thở Tết đang tràn về.
Chị Nguyễn Thị Lan, một tiểu thương tại chợ hoa Hàng Lược, chia sẻ: “Mỗi dịp Tết đến, chúng tôi bày bán đủ loại hoa tươi, cây cảnh, mong đem lại chút hương sắc xuân cho từng gia đình. Năm nay, đào Nhật Tân được ưa chuộng hơn cả vì hoa nở đúng dịp và dáng cây rất đẹp. Bên cạnh đào huyền, nhiều người năm nay lại chuộng loại đào tròn truyền thống ghép nhiều cành và gốc trong 3-5 năm.”
Những ngày cận Tết là thời gian chợ hoa Hàng Lược nhộn nhịp nhất. Người dân Hà Nội tới để ngắm hoa, đi dạo ngắm cảnh, thưởng thức không khí Tết cận kề và mua sắm những cành hoa tươi đẹp nhất để trưng Tết.
Không chỉ là nơi giao thương, chợ Hàng Lược còn mang ý nghĩa văn hóa, như một nhịp cầu nối quá khứ và hiện tại, nơi lưu giữ những nét văn hóa về một cái Tết Hà Nội xưa cũ.
Khánh Huy