Ngày xuân đi tìm huyền thoại Thác Voi

Bằng mô-típ quen thuộc trong sáng tác những truyền thuyết và huyền thoại, các tác giả thường dựa vào những chuyện cổ tích của các dân tộc trong vùng để phác thảo nên tác phẩm của mình.

Thác Voi - ảnh chụp trong những năm 1980

Thác Voi - ảnh chụp trong những năm 1980

Nhà báo Uông Thái Biểu, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nhân dân ở Tây Nguyên đã từng viết trong “Thác Voi huyền thoại về lời ca và nước mắt”, cho rằng: “Ngày xưa lâu lắm rồi dưới chân dãy Núi Voi, bên dòng Cam Ly Hạ là nơi sinh sống của buôn Nam Ban. Người K’Ho Nam Ban bao đời nay sống yên bình bên dòng suối của xứ sở mình. Con trai vào rừng sâu săn thú, con gái chuyên cần dệt vải và hái lượm. Những đêm trăng sáng họ quây quần bên chóe rượu cần, say sưa trong âm thanh của Ching Droòng, của khèn M’Buốt.

Chàng K’Yar và nàng Ka Yung là đôi trai tài, gái sắc của buôn Nam Ban. Bao mùa rẫy đi qua, đêm đêm đôi trai gái vẫn hẹn hò cùng nhau bên suối. Núi Voi sừng sững cuối trời xa như chứng kiến lời hẹn thề muôn thuở của tình yêu. Khi ánh trăng đã treo đầu ngọn bằng lăng, chàng K’Yar cong người cất lên tiếng nhạc khèn bầu. Sáu ống nứa rung âm thanh réo rắt trôi theo dòng nước, trôi trong ánh trăng, hòa vào gió núi. Nàng Ka Yung cất tiếng hòa nhịp theo lòng. Tiếng hát, tiếng khèn đồng điệu với tiếng lòng hòa quyện vào nhau hòa trong suối trăng. Âm thanh và lời ca như muốn nói rằng: Dù bao mùa rẫy đi qua, dù cho đá lở đất bồi, tình yêu của họ vẫn son sắt thủy chung như dòng Cam Ly mềm mại trôi bên dãy Núi Voi sừng sững muôn đời.

Du khách tham quan Thác Voi - Nam Ban - Lâm Hà

Du khách tham quan Thác Voi - Nam Ban - Lâm Hà

Chim chóc từ muôn cánh rừng bay về quây quần nghe tiếng hát, tiếng khèn của đôi trai gái, cất tiếng hót véo von hòa cùng lời ca của họ. Những đàn voi rùng rùng bước xuống chân núi nằm phủ phục bên dòng Cam Ly, rung động cùng tiếng hát Ka Yung và tiếng khèn K’Yay.

Cho đến một ngày kia, một Mơ-toa khét tiếng hung ác dẫn đạo quân của hắn lên xâm chiếm cao nguyên xa xôi. Làng buôn ly tán. K’Yar và Ka Yung chỉ kịp gặp nhau bên suối, hẹn ngày tái ngộ, lại cất tiếng hát, tiếng khèn đẹp dòng Cam Ly. Chàng K’Yar dẫn trai tráng đi đuổi kẻ thù giữ lấy làng buôn. Bao mùa rẫy qua, bao mùa trăng qua, buôn làng đã bình yên vậy mà chàng vẫn đi, đi mãi không về!

Nàng Ka Yung thủy chung chờ đợi, mỏi mòn trong nước mắt. Nhớ người tình xưa khuất bóng, trong một đêm trăng, nàng lại một mình tìm đến nơi hò hẹn ngày xưa. Trăng mông lung soi bóng Ka Yung lẻ loi trên mặt nước. Núi Voi lừng lững lặng lẽ cuối trời xa. Nàng cất lên tiếng hát, tiếng hát cô liêu vắng tiếng khèn bầu. Những đàn chim lại tìm về nghe tiếng hát của nàng, những đàn voi phủ phục dưới chân nàng. Lời ca u uất khổ đau của nàng hòa trong tiếng chim rừng dáo dác, tiếng voi gầm rú thác loạn cùng chia sẻ nỗi niềm thương cảm với người tình nữ.

Cho đến một đêm khuya, trong tiếng hát khổ đau của nàng Ka Yung đã rung thành tiếng khóc, dòng Cam Ly bỗng nhiên rùng mình gãy khúc. Đất đá một vùng sụt lở, dòng nước đổ gầm gào cuốn trôi ào ạt. Trong đêm khuya chỉ có ngọn Núi Voi chứng kiến. Sáng ra, dân làng không tìm thấy Ka Yung nhưng tiếng hát tình ca đã hòa trong nước mắt của nàng vẫn giữ lại trong cơn gào thét của dòng Cam Ly gãy khúc. Những đàn voi phủ phục dưới chân nàng đã ngấm sâu tiếng hát, ngấm nỗi khổ đau của người tình nữ đã rùng mình hóa đá để trở thành chứng tích muôn đời cho huyền thoại về mối tình thủy chung.

Chàng K’Yar và nàng Ka Yung đôi trai tài, gái sắc với mối tình huyền thoại đã bay vào bầu trời cổ tích, đã hóa thân vào điệu Doslong, lời hát Yâlyau, nhưng nơi hò hẹn của họ ngày xưa thì mãi mãi vẫn còn. Dòng Thác Voi cuối dòng Cam Ly vẫn ầm ào tung cầu vồng bảy sắc, tung màn bụi bạc lên đàn voi đã phủ phục vĩnh hằng. Thác Voi hôm nay vẫn còn giữ nguyên những nét hoang sơ ngự trị bên thị trấn Nam Ban như một lời mời gọi bước chân và tâm hồn du khách, mời gọi những ai muốn tìm về thiên nhiên hùng vĩ và cội nguồn của lời ca - nước mắt của nàng Ka Yung”.

Rồi một ngày, tôi đọc thêm một huyền thoại mới về Thác Voi do một nhà báo trẻ - Nguyễn Thị Tuyết Dân, từng là cộng tác viên của Phòng Biên tập văn nghệ của Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng, kể lại: “Thác Voi cao hơn 30 m nằm trên dòng suối Cam Ly, dưới chân là những khối đá huyền vũ bị bào mòn theo năm tháng. Các già làng K'Ho cư trú lâu đời tại miền đất này kể rằng: Ngày xưa, vị tù trưởng của vùng núi Jơi Biêng có cô con gái rất đẹp. Mỗi khi nàng cất giọng ca thì lá rừng thôi xào xạc, chim muông cũng ngừng tiếng lắng nghe. Nàng có người yêu là con trai của vị tù trưởng làng bên. Chàng được dân làng yêu mến, quý trọng không chỉ bởi vóc dáng vạm vỡ, khuôn mặt khôi ngô mà còn vì sự gan góc, dũng cảm không người nào sánh kịp. Họ đã trao cho nhau lời hẹn ước nên duyên chồng vợ. Song một ngày, chàng trai phải lên đường giết giặc và rồi nhiều mùa trăng trôi qua mà chẳng thấy quay về. Cô gái đau khổ tìm đến ngọn núi hoang vắng mà trước kia họ từng hò hẹn, cất tiếng hát thiết tha, sầu thảm với hy vọng người tình sẽ tìm về chốn xưa. Tiếng hát của nàng khiến cho loài chim B’ling xúc động. Chúng rủ nhau bay thật xa để đi tìm tin tức và biết rằng chàng trai đã hy sinh ngoài chiến trận. Thế nhưng, sơn nữ ấy vẫn không tin vào sự thật phũ phàng đó. Nàng cứ hát, hát mãi cho đến khi kiệt sức và ngã quỵ…

Đàn voi bấy lâu phủ phục nghe nàng hát, nay cũng hóa đá lặng câm. Rồi một tiếng nổ lớn, trời đất chuyển rung khiến ngọn núi gãy ngang và một dòng thác đột ngột tuôn trào, bọt tung trắng xóa. Tiếng thác nước rì rầm hòa cùng tiếng lá xào xạc của rừng cây, tiếng chim líu lo như tiếp nối lời ca của nàng sơn nữ xinh đẹp, thủy chung. Người K'Ho bèn đặt tên cho thác là dòng Liêng Rơwoa Jơi Biêng - thác nước của những con voi phủ phục hóa đá trước tình yêu nồng nàn, son sắt…”.

Vậy là chí ít trong tôi có đến hai dị bản. Dẫu là hai dị bản nhưng cũng đều được các tác giả tái tạo thành một câu chuyện tình yêu chung thủy, vốn được sử dụng để sáng tác nên những truyền thuyết, huyền thoại. Những câu chuyện như thế này thường gợi lên cho người đọc những tình cảm đặc biệt về một vùng đất, về một địa danh… góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân gian bản địa.

Đến với Thác Voi - một thắng cảnh được xếp hạng quốc gia, nhưng còn có một ý nghĩa khác, là ngọn thác này nằm ngay trung tâm thị trấn Nam Ban, bên cạnh “đại bản doanh” ngày nào của ban xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. “Đại bản doanh” này qua thời gian đã trở thành sở hữu của ngôi chùa Linh Ẩn trầm mặc, uy nghi.

Mùa xuân đi lễ chùa, được ngắm ngọn thác ngày đêm trườn mình qua từng tảng đá tung bọt trắng xóa, càng gợi cho người xa quê thêm nhớ quê nhà, thêm nhớ những ngày Tết đến, xuân về biết bao kỷ niệm.

TRẦN TRỌNG VĂN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202501/ngay-xuan-di-tim-huyen-thoai-thac-voi-327104e/