Chờ hương thả gió - những hoài niệm đẹp, buồn thời trai trẻ

Chờ hương thả gió là tựa đề thi phẩm thứ ba của nhà thơ Hồ Sĩ Bình, do NXB Hội Nhà Văn ấn hành (tháng 5-2024). Trong đó, phần phụ lục gồm hơn 10 bài viết cảm nhận của nhiều cây bút nổi tiếng và các thân hữu của tác giả như: Tần Hoài Dạ Vũ, Thanh Thảo, Trung Trung Đỉnh, Nhật Uyển Thư Cưu, Trương Điện Thắng, Hoàng Dục, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Phạm Xuân Dũng…

Chờ hương thả gió là tựa đề thi phẩm thứ ba của nhà thơ Hồ Sĩ Bình, do NXB Hội Nhà Văn ấn hành (tháng 5-2024). Trong đó, phần phụ lục gồm hơn 10 bài viết cảm nhận của nhiều cây bút nổi tiếng và các thân hữu của tác giả như: Tần Hoài Dạ Vũ, Thanh Thảo, Trung Trung Đỉnh, Nhật Uyển Thư Cưu, Trương Điện Thắng, Hoàng Dục, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Phạm Xuân Dũng…

Bìa tập thơ "Chờ hương thả gió".

Bìa tập thơ "Chờ hương thả gió".

Nhìn lại một loạt tác phẩm bút ký, tản văn và đặc biệt những thi tập ra mắt gần đây của Hồ Sĩ Bình (Mưa nắng lưng đèo, Ngày sinh của gió), bạn đọc có thể nhận biết gần như tác giả đã chọn "gió" làm cảm hứng và tâm điểm sáng tác, để đeo đuổi cuộc rong chơi phiêu bồng đầy cam go và cũng nhiều thi vị của mình. Cụ thể hơn, như nhận định của Nhật Uyển Thư Cưu: "… sâu xa trong thơ anh là suy niệm về sự chuyển động. Gió là ẩn ngữ nói lên mọi sự chuyển động như đời sống vốn đang là. Thời gian và vạn hữu chuyển động trong nhịp điệu vô thường". Giờ đây, khi cầm tập thơ "Chờ hương thả gió" trên tay, hẳn nỗi háo hức chờ đợi đầu tiên của người đọc muốn chia sẻ cùng Hồ Sĩ Bình là "hương" gì sẽ đến với gió? Điều ấy có tạo nên cơn chuyển động xao xác cho nỗi bơ vơ, thương nhớ, đeo đẳng dai dẳng suốt cuộc lữ hành? Không cần phải quá bí ẩn, tác giả đã hiển ngôn ngay trong tựa đề: Chờ hương thả gió. Dù vậy, thi ảnh ấy vẫn không khỏi làm người đọc gợi nhớ đến những "hương" của Xuân Diệu (Biết bao hoa đẹp trong rừng thẳm/Đem gửi hương cho gió phũ phàng!), của Hàn Mạc Tử (Nghe gió là ôm ngang lấy gió/ Tưởng chừng như trong đó có hương/ Của người mình nhớ mình thương/ Nào hay gió tạt chả vương vấn gì), của Phan Thị Thanh Nhàn (Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/ Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu)… cùng nỗi băn khoăn: "hương" ấy đến từ đâu? Là người hay việc? Là kỷ niệm xa xôi hay là viễn cảnh của ngày mai?

Là người quê quán ở Quảng Trị, nhưng định mệnh đưa đẩy Hồ Sĩ Bình suốt thời trai trẻ đã phải bôn ba khắp mọi miền đất nước. Đó là: Gia Nghĩa (Đăk Nông), Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), Bàu Trúc (Phan Rang), sông Kôn (Bình Định), Sa Pa, Mai Châu… và dĩ nhiên không thể thiếu Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn. Có lẽ chính từ những nơi chốn ấy, anh đã tìm gặp, lưu giữ những chất liệu cho "Chờ hương thả gió". Ngay ở bài thơ đầu tiên, Hà Nội kéo tôi đi, tác giả hé lộ: "mơn man óng ả một màu thu Hà Nội/ không ai từng vẽ nổi lên tranh/ chợt nhớ mùi hương trái thị/ nắng vàng đã đưa", hoặc: "vội vã lần nào cũng thế chia tay/ chỉ kịp mang theo/ một chút mùi hương nhẹ biếc". Có lẽ tác giả Hồ Sĩ Bình đã không ít lần lan man qua những ngõ phố Hà Nội, lướt qua "những ô màu xám lạnh", "những ngôi nhà cổ dưới bóng cây xanh", "những món ngon hàng quán lao xao"…, nhưng chừng trong trái tim thi sĩ, mọi thứ vẫn in đậm trong ký ức trên trang sách xưa cũ, và mỗi lần chia tay, anh vẫn chỉ còn giữ lại "một chút hương mùa nhẹ biếc". Cứ như thế, như "Con ong đuối sức đi tìm mùi hương" (bóng xuân), tác giả dẫn dắt người đọc đến nơi này qua nơi khác để cùng chia sẻ: "Hãy đốt lên một ngọn lửa ấm/ và một nhúm hương trầm để nghĩ về ngày sắp tới / những hẹn hò giêng hai" (Chút lửa ấm mùa xuân). Những nơi chốn ấy, chúng ta sẽ gặp lại ký ức đẹp đẽ của quê nhà: "Người về nhặt lại hương cau/ có nghe lục lạc bên cầu quê hương" (qua mấy nẻo sông), hoặc: "Bông mướp vàng thả hương con ong mật/ chén rượu nồng tro trấu/ bánh tét bánh chưng/ mùi mồ hôi của cha và gió bấc mưa phùn/ môi em thơm mùi giêng non/ tóc mây thầm thì hương con gái" (hương bùn đất đồng), để rồi khi chia tay lại nhắn nhủ: "Ngùi thương hoa bưởi hoa ngâu/ chờ hương thả gió mùa sau. Tôi về" (tôi về)…

Quả nhiên, như một ám thị đã an bày, song hành cùng với "gió", "hương" như là một chủ thể không thể rời xa nằm rải rác trong hơn 50 bài thơ của thi phẩm "Chờ hương thả gió" của Hồ Sĩ Bình. Càng đáng chú ý hơn, trong cái hương vị quê nhà da diết ấy, tác giả không quên giữ lại những hương kỷ niệm là báu vật dành cho riêng mình :"đêm gọi tôi về thơm áo lụa/áo đẫm vai người hương của khuya" (thư tình gởi Nam Giao) hoặc: "hương ơi trời cứ lâm thâm/ ngoài kia thuyền đã chở trăng đi rồi"; "sơn quỳ lạc giữa mai sau/ ngồi với núi lại đẫm nhàu hương xa" (Hương ơi).

Xuyên suốt tập thơ "Chờ hương thả gió", ấn tượng với riêng tôi còn là những câu thơ đậm dấu ấn thời trai trẻ của Hồ Sĩ Bình: có khi là cái thời trầm mặc, triền miên ngồi ở giảng đường dán mắt vào chồng sách cũ, giấy đã ố vàng (gửi người bạn thích đọc ERICH MARIA REMARQUE), có khi là những ngày đầu bỡ ngỡ cầm viên phấn trắng bước đến với các em học sinh miền cao ở Tây nguyên (Ngày ấy trên nương), có khi là nỗi ám ảnh khôn nguôi trên mỗi bước chân về một quê quán "bao lần trở lại/ trở lại bao lần/ cũng chỉ để mà đi…" (mộng mị quanh đời). Và một lần nữa, tôi lại nhớ đến lời cảm nhận chia sẻ của Nguyễn Thị Tịnh Thy: "Thơ Hồ Sĩ Bình là một niềm bi diễm - vẻ đẹp buồn - buồn bã mà sang trọng, cô đơn mà kiêu bạc. Đó là giọng thơ điềm tĩnh, trĩu nặng nội tâm và hoài niệm. Tất cả được chuyển tải qua lối cấu tứ rất phóng túng, phiêu dạt và tài hoa với những con chữ đậm mùi cô tịch và điển tích của một hồn thơ có nền tảng văn hóa và tri thức rất dày dặn". Xin chúc mừng thi phẩm "Chờ hương thả gió", với hy vọng niềm hưng phấn, sáng tạo ấy của Hồ Sĩ Bình tiếp tục lan tỏa, bay xa.

Trần Trung Sáng

Hồ Sĩ Bình sinh năm 1953 tại Võ Thuận, Triệu Thuận, Triệu Phong, Quảng Trị. Anh là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, hiện làm việc tại NXB Hội Nhà Văn (chi nhánh Miền Trung và Tây nguyên, trụ sở tại TP Đà Nẵng). Đã xuất bản 7 tác phẩm gồm bút ký, tiểu luận và thơ.

Trong những tác phẩm của anh, đặc biệt ở các thi tập luôn ký thác nỗi buồn thương nhớ quê xưa; những ký ức nặng nợ với cuộc đời; những con người trên nhiều vùng đất, để lại trong tâm hồn người thơ bao nỗi niềm, tình nghĩa…

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/cho-huong-tha-gio-nhung-hoai-niem-dep-buon-thoi-trai-tre-post295945.html