Chở khách liên tỉnh từ 13-10: Các địa phương chưa sẵn sàng
Dù Bộ GTVT cho phép khôi phục xe khách liên tỉnh từ ngày 13 đến 20-10, song các địa phương và đơn vị vận tải vẫn chưa thể chủ động thực hiện.
Mới đây, Bộ GTVT ban hành Quyết định 1777 về việc cho thí điểm khôi phục xe khách liên tỉnh trên toàn quốc từ ngày 13 đến 20-10. Tuy nhiên, với những yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19 của Bộ GTVT, nhiều hãng xe chưa thể đáp ứng. Trong khi đó, nhiều địa phương cũng đang bị động và chưa thể sẵn sàng triển khai ngay.
Đại diện Bến xe Miền Tây cho biết theo kế hoạch của Bộ GTVT, từ ngày 13-10 sẽ thí điểm vận tải khách liên tỉnh theo tuyến cố định, song đến nay bến xe chưa nhận được tuyến nào sẽ hoạt động.
Hãng xe chưa đủ điều kiện tham gia vận tải
Cụ thể, Bộ GTVT quy định hành khách lưu thông từ địa phương có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địa phương có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong 72 giờ và tuân thủ các quy định phòng dịch.
Đối với tài xế, nhân viên phục vụ trên xe, Bộ GTVT đưa ra các quy định tương tự hành khách. Tuy nhiên, khi chuẩn bị hết thời hạn của giấy xét nghiệm, tài xế, nhân viên phục vụ phải đến cơ sở y tế hoặc bến xe, trạm dừng nghỉ, chốt kiểm soát dịch để xét nghiệm trước khi tiếp tục hành trình.
Đáng chú ý, Bộ GTVT yêu cầu tài xế và phụ xe phải tiêm đủ liều vaccine (thẻ xanh trên sổ sức khỏe điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng sáu tháng tính đến thời điểm về địa phương.
Kế hoạch khai thác giai đoạn thí điểm trong vòng chín ngày, sau đó Bộ GTVT sẽ tổng hợp và đánh giá kết quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.
Phần lớn các hãng vận tải khách đều mong muốn được hoạt động trở lại nhưng với quy định của Bộ GTVT thì các hãng cho rằng chưa thể đáp ứng yêu cầu.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, hãng xe khách Huy Hoàng (lộ trình Thái Nguyên - TP.HCM - Vũng Tàu) cho biết hiện nay nhiều tài xế của hãng ở Thái Nguyên chưa được tiêm vaccine hoặc mới chỉ tiêm một mũi nên không đủ điều kiện chạy.
“Ngoài ra, hiện nay tuyến cố định có được chạy lại hay không phải phụ thuộc vào các địa phương là Thái Nguyên, TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu. Các địa phương đều thống nhất thì hãng mới có thể chạy lại được” - đại diện hãng xe Huy Hoàng chia sẻ.
Tương tự, ông Quách Hôn, Giám đốc Công ty Vận tải Tuyết Hon (lộ trình TP.HCM -Kiên Giang), cho biết hiện nay công ty đang đợi Sở GTVT của Kiên Giang và TP.HCM đồng ý, hai sở thống nhất thì các hãng vận tải mới có thể chạy. Theo thí điểm của Bộ GTVT, tài xế, nhân viên phải tiêm đủ hai mũi vaccine mới được tham gia vận tải, song đến nay đa phần tài xế, tiếp viên của hãng mới chỉ tiêm một mũi nên việc hãng hoạt động trở lại từ ngày 13-10 là không khả thi.
“Chúng tôi cũng mong muốn được hoạt động trở lại để tạo điều kiện cho tài xế, nhân viên có công ăn việc làm và phục vụ người dân. Trường hợp Bộ GTVT cho chạy liên tỉnh thì cần tạo điều kiện cho tài xế, tiếp viên được tiêm vaccine và cần các địa phương liên quan cho phép” - ông Quách Hôn cho biết.
Các địa phương chưa sẵn sàng
Lãnh đạo các sở GTVT ở phía Nam cũng cho biết hiện nay đang phải bàn bạc phương án vận tải khách liên tỉnh với các địa phương liên quan và chưa có phương án thống nhất.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, cho rằng những hoạt động khôi phục cần có sự đánh giá, có ý kiến của cả Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh. Do đó, Bộ GTVT có thí điểm từ ngày 13-10 thì địa phương cũng chưa thể thực hiện ngay được. Tỉnh cần đánh giá nhu cầu hành khách có hay không, có thể di chuyển bằng hình thức nào và đề xuất thời gian áp dụng.
Sở GTVT tỉnh Tây Ninh cũng cho biết đối với việc chạy lại vận tải khách liên tỉnh theo tuyến cố định, sở cũng đang xem xét, nghiên cứu để tham mưu trình UBND tỉnh quyết định.
Tương tự, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Long An cho hay vận tải khách liên tỉnh cần có sự thống nhất của các địa phương. Hiện nay, các địa phương đang chủ động để lên phương án liên kết giao thông với nhau. Trường hợp đủ biện pháp phòng chống dịch thì sẽ cho một số tuyến chạy lại.
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, thông tin hiện nay giữa các tỉnh chưa có sự thống nhất với nhau nên xe liên tỉnh chưa thể chạy lại.
“Hiện Bộ GTVT có chủ trương nhưng cần có nhạc trưởng để các địa phương cùng thống nhất. Khi các tỉnh có tiếng nói chung, các công tác triển khai phòng chống dịch, đi lại liên tỉnh mới nhịp nhàng, mang lại hiệu quả” - ông Bon khẳng định.
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cũng cho biết: Trước khi có Quyết định 1777 của Bộ GTVT, sở đã có dự thảo vận tải khách liên tỉnh và gửi các địa phương góp ý. Hiện đã có Quyết định 1777 của Bộ GTVT thì sở sẽ thực hiện theo. Tuy nhiên, sở phải chờ văn bản thống nhất của các tỉnh, tỉnh nào đồng ý mới có thể cho xe khách hoạt động lại được.•
Dự thảo phương án vận tải khách đi và đến TP.HCM
Ngày 10-10, Sở GTVT TP.HCM đã gửi các tỉnh, thành về dự thảo phương án tổ chức các tuyến vận tải khách đến và đi từ TP.HCM.
Để được hoạt động, các đơn vị vận tải, bến xe, hành khách, tài xế… cần tuân thủ nhiều quy định. Đáng chú ý, hành khách tới TP.HCM yêu cầu có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, song không có yêu cầu về việc tiêm vaccine.
Đối với hành khách đi từ TP.HCM phải đáp ứng điều kiện đã tiêm ít nhất một mũi vaccine được 14 ngày (đối với các loại vaccine tiêm hai mũi) hoặc giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 (dưới sáu tháng) và kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Dự kiến tổ chức vận tải khách liên tỉnh theo ba giai đoạn. Giai đoạn 1, từ ngày 1 đến 15-11; giai đoạn 2, từ ngày 15 đến 30-11; giai đoạn 3, sau ngày 30-11 đến hết tháng 12. Đối với cả ba giai đoạn, việc tổ chức khai thác vận tải khách không quá 50% tần suất khai thác của các tuyến.