Chờ một 'cuộc cách mạng'

Luật Tài nguyên nước 2023 sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7 tới. Các chuyên gia nhận định, đây là bộ luật sẽ mang đến nhiều bước đột phá, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý tài nguyên nước hiện nay.

Nhiều nội dung đáng chú ý

Tháng 11/2023, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước 2023. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá là “quá thừa, quá thiếu, quá bẩn” và bảo đảm tài nguyên nước được quản lý như tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Luật Tài nguyên nước 2023 gồm 10 Chương và 86 Điều, đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua 4 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị Quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 gồm: bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước và bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra.

Bốn nhóm chính sách này đều được thể hiện xuyên suốt trong luật tại các quy định về: nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; điều tra cơ bản tài nguyên nước, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; quy định về bảo vệ, phục hồi nguồn nước; điều hòa, phân phối tài nguyên nước; khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra; công cụ kinh tế, chính sách, nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; hợp tác quốc tế về tài nguyên nước; thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước và quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước về tài nguyên nước.

Luật Tài nguyên nước 2023 được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều bước đột phá, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý tài nguyên nước hiện nay. Ảnh: Phạm Hùng

Luật Tài nguyên nước 2023 được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều bước đột phá, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý tài nguyên nước hiện nay. Ảnh: Phạm Hùng

Một trong những điểm nổi bật của Luật Tài nguyên nước 2023 là được xây dựng theo hướng quy định tất cả nội dung về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra. Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của nhiều bộ, ngành liên quan theo đúng chức năng nhiệm vụ đã được giao tại các luật có liên quan đến tài nguyên nước để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý tài nguyên nước.

Ông Ngô Mạnh Hà - Phó Cục trưởng Cục Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, Luật Tài nguyên nước 2023 có rất nhiều điểm mới, tác động đến nhiều đối tượng, góp phần thay đổi rất lớn phương thức quản trị tài nguyên nước ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Trong đó, đáng chú ý là luật sẽ hướng tới mục tiêu năm 2030 là nâng cao mức bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia bảo đảm an ninh tài nguyên nước hiệu quả trong khu vực Đông Nam Á và tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới.

"Vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước cho sinh hoạt được đặc biệt chú trọng. Trong đó, quy định việc kiểm soát các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt” - ông Ngô Mạnh Hà nói.

Kỳ vọng lớn

Với rất nhiều điểm mới, Luật Tài nguyên nước 2023 đương nhiên đang nhận được kỳ vọng lớn từ dư luận và giới chuyên gia về một “cuộc cách mạng” trong chính sách quản lý, sử dụng nguồn nước - một trong những loại tài nguyên đặc biệt quý giá của nhân loại. Một trong những kỳ vọng đó là giải quyết được câu chuyện quản lý chất lượng nước sinh hoạt tại đô thị, điều lâu nay vẫn đang là nỗi trăn trở của các TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Trên thực tế, trong nhiều năm trở lại đây, nhiều khu vực tại đô thị đang phải đối mặt với nỗi lo về chất lượng nước sinh hoạt. Mặc dù đã có những quy chuẩn về chất lượng nước nhưng việc tuân thủ quy chuẩn này vẫn còn bỏ ngỏ. Với sự ra đời của Luật Tài nguyên nước 2023, vấn đề này được kỳ vọng sẽ sớm được giải quyết.

Thạc sĩ Nguyễn Thu Phương - Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ TN&MT nhận định, Luật Tài nguyên nước 2023 đã quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành. Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung quy định giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương xây dựng danh mục công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với những nội dung đáng chú ý trên, những vướng mắc, khó khăn và bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt thời gian qua chúng ta đang gặp phải sẽ sớm được giải quyết.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên tắc cốt lõi của luật là tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, nguồn nước với trách nhiệm quản lý Nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn... Với nguyên tắc cốt lõi đó, Luật Tài nguyên nước 2023 sẽ cải thiện triệt để công tác quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên nước, bảo đảm việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước một các hiệu quả và bền vững nhất.

Khát vọng làm sống lại các “dòng sông chết”

Một nội dung không thể không nhắc đến trong Luật Tài nguyên nước 2023 là khát vọng làm sống lại các “dòng sông chết” ở nước ta. Đây là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua, nhất là đối với người dân Thủ đô, nơi nhiều con sông đang “chết dần, chết mòn” vì ô nhiễm và nhiều nguyên nhân khác.

Đặt ra “khát vọng” phục hồi các “dòng sông chết”, Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung nhiều quy định, chính sách liên quan đến phục hồi các dòng sông và để đảm bảo tính khoa học, khả thi đã quy định rõ cơ chế, chính sách về tài chính cho hoạt động phục hồi nguồn nước để có cơ sở huy động, phân bổ nguồn lực phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.

Bên cạnh đó, luật cũng bổ sung quy định xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi các "dòng sông chết" nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm sống lại các dòng sông.

Trên thực tế, công tác phục hồi các “dòng sông chết” đã và đang được chúng ta từng bước thực hiện trong thời gian qua bằng việc xây dựng các đập dâng để tạo dòng chảy. Điển hình là sông Nhuệ và sông Đáy. Trong thời gian tới, khi Luật Tài nguyên nước 2023 chính thức có hiệu lực, “khát vọng” càng có cơ sở để hiện thực hóa hơn nữa.

Luật Tài nguyên nước 2023 đưa ra quy định quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số. Theo đó, công nghệ số được đẩy mạnh sẽ hỗ trợ các cơ quan quản lý trong quá trình quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước, vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, giảm thiểu tác hại do nước gây ra, đặc biệt khi xảy ra tình trạng thiếu nước trên các lưu vực sông.

Nguyễn Quý

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cho-mot-cuoc-cach-mang.html