Chờ một năm bùng nổ xuất khẩu

Dù mới chỉ đi được một nửa chặng đường quý II nhưng bức tranh xuất khẩu 6 tháng đầu năm đã dần rõ nét. Đó là sự bùng nổ của các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, với những chỉ báo này đang báo hiệu một năm xuất khẩu thành công cho dù vẫn còn đó những nỗi lo của các doanh nghiệp Việt.

Sự phục hồi của xuất khẩu là một tín hiệu tốt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực triển khai các biện pháp phục hồi nền kinh tế nói chung hậu đại dịch Covid-19. Xuất khẩu trong thời gian tới dự kiến sẽ còn tăng mạnh.

Các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh thắng lớn

Đầu tiên cần nhắc tới lĩnh vực nông nghiệp, có lẽ đây là một trong những thế mạnh trong tổng thể bức tranh xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây. Trong 4 tháng đầu năm, có 5 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị XK đạt trên 1 tỷ USD, gồm: Cà phê, gạo, nhóm rau quả, tôm, sản phẩm gỗ. Một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như: Cà phê, cao su, hồ tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn, cá tra, tôm, gỗ và các sản phẩm gỗ.

Dệt may vừa có một quý xuất khẩu thắng lợi, mở ra nhiều triển vọng cho xuất khẩu cả năm 2022 của ngành này.

Dệt may vừa có một quý xuất khẩu thắng lợi, mở ra nhiều triển vọng cho xuất khẩu cả năm 2022 của ngành này.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu cà phê đạt gần 1,7 tỷ USD (tăng 59,4%); cao su đạt khoảng 869 triệu USD (tăng 10,9%); hồ tiêu khoảng 367 triệu USD (tăng 29,6%); sắn và sản phẩm sắn đạt 574 triệu USD (tăng 29,5%), cá tra đạt 894 triệu USD (tăng 89,6%), tôm đạt trên 1,3 tỷ USD (tăng 38,6%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 5,5 tỷ USD (tăng 4,5%); mây, tre, cói thảm đạt 339 triệu USD (tăng 22,7%). Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 17,9 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, XK nhóm nông sản chính đạt trên 7,4 tỷ USD, tăng 10,5%; lâm sản chính đạt gần 5,9 tỷ USD, tăng 4,9%; thủy sản ước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 43,7%; chăn nuôi ước đạt 105,4 triệu USD, giảm 19,0%; XK đầu vào sản xuất khoảng 883 triệu USD, tăng 70,7% (nhất là phân bón giá trị XK khoảng 439 triệu USD, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái).

Tiếp đó là mặt hàng dệt may, mặt hàng dệt may vừa có một quý xuất khẩu thành công ngoài mong đợi. Trong quý I/2022, trị giá xuất khẩu nhóm hàng dệt may đạt 8,68 tỉ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 1,46 tỉ USD. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, tính từ năm 2012 đến nay. Tăng trưởng của nhóm hàng dệt may ở mức kỷ lục trong tháng 3.2022, đạt 3,05 tỉ USD, tăng 48,3%, tương ứng tăng hơn 1 tỉ USD so với tháng trước.

Theo Tổng cục Thống kê, là mặt hàng chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng của mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện có ảnh hưởng khá lớn đến tăng trưởng chung của xuất khẩu cả nước.

Trong quý I.2022, giá trị xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 13,2 tỉ USD, chiếm 14,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường xuất khẩu lớn của nhóm hàng này chủ yếu vẫn là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, trong đó xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện sang Hoa Kỳ tăng mạnh tới 17,2%, đạt gần 3 tỉ USD.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 35,6 tỷ USD, chiếm 29% tổng KNXK và tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 19 tỷ USD, tăng 16,7%; thị trường EU ước đạt 15,5 tỷ USD, tăng 19,9%; thị trường ASEAN ước đạt 11,1 tỷ USD, tăng 20,7%; Hàn Quốc ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 21%; Nhật Bản ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 12,2%.

Còn đó những nỗi lo

Mặc dù bức tranh xuất khẩu 4 tháng đầu năm đang cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ, nhưng đối với các doanh nghiệp nội thì trong niềm vui đó vẫn có sự lo lắng, bởi hiện nay khối nội vẫn đang tỏ ra “lép vế” so với khối ngoại. Theo phân tích từ Bộ KH-ĐT, tổng kim ngạch xuất khẩu quý 1-2022 đạt 88,58 tỷ USD thì có đến 73,7% thuộc về khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), còn lại là của doanh nghiệp trong nước.

Trong lĩnh vực xuất khẩu da, giày và túi xách cũng đang có sự chênh lệch rất rõ nét về tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu giữa khối doanh nghiệp nội và ngoại. 5 năm trước đây, tỷ lệ này là 65%-35% lần lượt cho doanh nghiệp khối ngoại và khối nội, đến nay thì tỷ lệ này đã bị đẩy xa hơn theo hướng 75%-25%.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da, giày và túi xách Việt Nam

Thực tế, từ năm 2019 đến nay, để giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp FDI đã đổ bộ mạnh vào thị trường Việt Nam. Điều này càng làm cho tiến trình chênh lệch kim ngạch xuất khẩu giữa khối nội và khối ngoại càng xa hơn.

Ngoài ra, việc giá cả đầu vào, nguyên liệu, chi phí vận tải vẫn tiếp tục là nỗi lo lắng của các doanh nghiệp xuất khẩu. Các nhà máy sản xuất của Việt Nam đang phải vật lộn để đáp ứng các đơn đặt hàng do thiếu nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc, vốn được sử dụng để sản xuất mọi thứ từ mặt hàng dệt may, da giày… trong bối cảnh phong tỏa kéo dài ở Trung Quốc.

Đơn cử, với ngành da giày, chính sách Zero-Covid của Trung Quốc đã khiến cho nguyên liệu chủ chốt tại các nhà máy giày giảm mạnh, nơi chiếm khoảng 60% nguồn cung từ Trung Quốc. Điều đó cũng đang làm gia tăng chi phí hậu cần.

Mặc dù vẫn còn những lo lắng trên, nhưng về tổng thể các chuyên gia cho rằng, năm 2022 bức tranh xuất khẩu sẽ còn sáng sủa hơn bởi kỳ vọng xuất khẩu tăng cũng đến từ Hiệp định thương mại tự do RCEP đã có hiệu lực từ đầu năm 2022. Theo báo cáo công bố cuối tháng 4 của Standard Chartered, danh mục xuất khẩu chính dự kiến sẽ được hưởng lợi từ RCEP bao gồm lĩnh vực công nghệ thông tin, dệt may, da giày, nông nghiệp, ô tô và viễn thông.

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, chia sẻ, RECP sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và tiếp cận tốt hơn với các thị trường tiêu dùng lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia.

“Hiệp định này sẽ giúp các nhà sản xuất tại Việt Nam giảm thiểu chi phí và tiếp cận chuỗi cung ứng trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Phần lớn nguyên liệu thô phục vụ cho xuất khẩu của Việt Nam được nhập từ các nước tham gia RCEP”, ông Tim Leelahaphan nói.

Để đẩy mạnh XK, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nói rằng, năm 2022, các FTA đặc biệt là các FTA thế hệ mới đã qua giai đoạn thực thi ban đầu, doanh nghiệp đã dần thích nghi với các cam kết của FTA cùng với lộ trình thuế nhập khẩu của các đối tác tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm. Điều này tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường, phát huy lợi thế với thuế quan ưu đãi, thúc đẩy XK tăng trưởng mạnh.

Theo các chuyên gia, ngoài các thị trường truyền thống lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… trong năm 2022, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào các thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, NewZealand, Nigeria, Brazil, Iran, Mexico bởi dư địa các thị trường này còn rất lớn.

Trà My

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 122,4 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực doanh nghiệp trong nước tăng cao (tăng 21,6%), cao hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 14,7%), điều này cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp.

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/cho-mot-nam-bung-no-xuat-khau-1085333.html