Chờ mùa bằng lăng!
Khi ánh nắng khô hanh cuối tháng 3 thiêu đốt đất trời, cũng là lúc hoa bằng lăng bước vào mùa rực rỡ. Với vẻ đẹp đơn sơ, chân chất mà thu hút, hoa bằng lăng vẫn chiếm lấy một khoảng trong trái tim của những người yêu mến vẻ đẹp thiên nhiên.
Cuối tháng 3, đất trời còn vắng những cơn mưa. Dọc theo mấy con đường từ phố thị đến thôn quê, đã thấy thấp thoáng sắc tím bằng lăng. Loài hoa chân quê ấy sở hữu vẻ đẹp dịu dàng nên đi vào thơ văn hay tác phẩm nghệ thuật như lẽ đương nhiên. Với người thực tế, hoa bằng lăng được xếp vào nhóm “trông đẹp mắt”. Người mộng mơ một chút lại bảo loài hoa ấy mang theo nỗi nhớ xa xôi, cứ quấn lấy ký ức của họ từ thời thơ ấu đến lúc trưởng thành.
Như những loài hoa mùa hạ, bằng lăng chỉ trổ bông khi đất trời hanh hao sức nóng. Nhưng bằng lăng không báo hiệu sự chia xa, cách biệt của tuổi học trò, mà chở những cảm xúc trong sáng, thanh tao rất riêng. Nếu phượng vĩ mang theo nỗi buồn mộng mơ, thì bằng lăng ẩn chứa một tình yêu mãnh liệt, với sự chờ đợi thủy chung từ những mối tình đằm thắm.
Thi thoảng, tôi vẫn bắt gặp những cô học trò lặng lẽ đứng ngắm cái sắc tím dịu dàng ấy với cảm xúc mơ màng, trong trẻo. Có cô bé len lén hái những cánh bằng lăng tim tím rồi nhoẻn miệng cười, trong đôi mắt ánh lên điều gì khôn tả. Chả trách người ta cứ chọn loài hoa ấy để trồng dọc theo những con đường phố thị. Bằng lăng đẹp đã đành, mà sắc hoa ấy luôn khiến người ta cảm thấy lòng mình nhẹ lại giữa cuộc sống ồn ào, náo nhiệt.
Trong những chặng đường miệt mài cùng nắng gió, không ít lần tôi dừng lại dưới gốc bằng lăng rực rỡ để chiêm ngưỡng cái vẻ chân quê cuốn hút ấy. Ở Bảy Núi, mùa khô khắc nghiệt lắm! Tuy vậy, bằng lăng vẫn cứ bình thản bước vào mùa đẹp nhất, như thách thức với thiên nhiên. Vì được xếp vào những cây trồng đô thị, nên bằng lăng luôn có dịp khoe sắc trong những lúc hạ về. Tuy nhiên, người biết chiêm ngưỡng sẽ đợi đến cuối tháng 4, lúc ngoài trời lất phất hạt mưa đầu mùa. Khi đó, bằng lăng rừng cũng bước vào mùa đẹp nhất.
Như sự cố tình của tạo hóa, bằng lăng rừng thường trổ bông muộn hơn bằng lăng ở phố chừng 1 tháng. Có lẽ, những cây bằng lăng sinh trưởng trên núi cao với điều kiện sinh sống khắc nghiệt, đã cố gắng dành những gì đẹp nhất của mình cho mùa mưa. Ở huyện Tịnh Biên, hầu hết các ngọn núi đều có bằng lăng rừng hiện hữu, nhưng nhiều nhất và đẹp nhất phải kể đến núi Cấm, núi Trà Sư, núi Két. Từ chân núi nhìn lên, những cây bằng lăng như đóa hoa khổng lồ thắp sáng cảnh sắc núi rừng. Tham quan Bảy Núi vào mùa bằng lăng, người ta cảm nhận được một vẻ đẹp rất thơ mộng, nhẹ nhàng của miền bán sơn dã này.
Nếu phân biệt, bông bằng lăng rừng có rất nhiều sắc độ so với bằng lăng trồng ở phố. Chúng có đủ màu, từ tím đậm, tím nhạt pha trắng cho đến màu hồng, màu đỏ… Bông bằng lăng rừng có cánh lớn, kết thành chùm xum xuê. Mỗi lần ngắm hoa bằng lăng rừng, người ta dễ liên tưởng đó là những cánh phong lan! Bởi vẻ đẹp rực rỡ của mình, bằng lăng rừng dần xuất hiện trong vườn nhà. Có người còn chọn những gốc bằng lăng có dáng đẹp để uốn thế, tạo dáng bon-sai.
Điểm đặc biệt nữa của bằng lăng núi là lá của chúng cũng được xếp vào danh sách những loại rau rừng. Nếu có dịp thưởng thức bánh xèo rau núi, thực khách sẽ không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp mấy đọt bằng lăng nằm xen lẫn trong dĩa với các loại rau khác. Với dân sành ăn, họ khá thích đọt bằng lăng rừng. Tuy nhiên, vị của nó hơi chát, người không quen ít chịu dùng. Ngoài ra, người ta còn dùng bằng lăng để chế biến những món ăn khác.
Một anh bạn của tôi là người Khmer bật mí, về chế biến món ăn từ bằng lăng thì đồng bào dân tộc thiểu số ở Tịnh Biên, Tri Tôn rất rành. Họ dùng đọt bằng lăng để nấu canh với bông đu đủ, ăn khá ngon. Bây giờ, thỉnh thoảng món canh này vẫn xuất hiện trong bữa cơm của người Khmer. Khi các loại rau rừng Bảy Núi được biết đến nhiều hơn, người ta mới đưa đọt bằng lăng vào ăn với bánh xèo, chứ xuất phát của chúng là từ gian bếp của người Khmer ở vùng Bảy Núi.
Bởi vẻ đẹp độc đáo, lại náu mình ở chốn non cao nên bằng lăng rừng những lúc trổ bông cũng trở thành “đặc sản” của vùng Bảy Núi. Cánh nhiếp ảnh rất thích săn ảnh hoa bằng lăng. Với sự phát triển của thiết bị bay không người lái (flycam), mùa bằng lăng rừng được tái tạo với những góc nhìn hùng vĩ, đẹp mắt đến không ngờ. Với những bạn trẻ, được chụp ảnh với hoa bằng lăng rừng sẽ là kỷ niệm khó quên, bởi loài hoa xuất thân hoang dã này lại có vẻ đẹp rất nên thơ, luôn cuốn hút những ai yêu mến thiên nhiên. Do đó, mùa hoa bằng lăng cũng có thể là nguồn “tài nguyên” để phục vụ nhu cầu check-in của du khách, khi đến hành hương, chiêm ngưỡng cảnh sắc của vùng Thất Sơn hùng vĩ.
Một mùa bằng lăng nữa lại về với cái sắc tím mộng mơ tô điểm phố phường, đồi núi, báo hiệu bước chuyển của thời gian theo vòng quay tạo hóa. Nếu là người thực tế, bạn nên thử một lần ngắm lại sắc tím bằng lăng, để cảm nhận vẻ đẹp từ loài hoa dân dã và tìm một chút an yên giữa cuộc sống bộn bề!
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/cho-mua-bang-lang--a358347.html