Cho mùa xuân thêm xanh

Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, đã trở thành truyền thống, các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh nô nức trồng cây, trồng rừng để nhân lên những mầm xanh. Mỗi cây xanh được trồng gửi gắm ước mong, đón đợi những điều tốt lành cho một năm mới với niềm tin mới.

Về xã Sơn Hà (Bảo Thắng), chúng tôi được biết những năm qua phong trào trồng cây, trồng rừng nơi đây được đẩy mạnh, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm 2024, dù không có kế hoạch trồng rừng, địa phương đã trồng được hơn 3,5 ha rừng sau khai thác, 6.300 cây phân tán. Hiện, xã có hơn 1.200 ha rừng sản xuất, chủ yếu là cây quế, mỡ, trồng rừng được xác định là chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương.

Gia đình ông Bùi Văn Bường là hộ có diện tích rừng lớn nhất xã với gần 20 ha (chủ yếu quế, mỡ), đây cũng là một trong những hộ trồng rừng đầu tiên ở thôn Khe Đền, xã Sơn Hà. Mỗi dịp xuân về, hưởng ứng phong trào Tết trồng cây, gia đình ông Bường đã tập trung phát dọn thực bì, đào hố, chuẩn bị cây giống để triển khai trồng rừng đảm bảo tiến độ, đúng khung thời vụ để cây phát triển tốt.

Với nhiều năm kinh nghiệm trồng rừng, ông Bường cho rằng, để phát triển bền vững thì cần lấy ngắn nuôi dài, vì vậy với phương pháp trồng rừng đa tầng, xen canh giữa các loài cây lâm nghiệp (mỡ, quế), cây ăn quả (mắc ca, bưởi) vừa có tác dụng bảo vệ đất vừa có nguồn thu thường xuyên để tái đầu tư, chăm sóc rừng hằng năm.

Huyện Bảo Thắng hiện có hơn 30.000 ha rừng, trong đó có 25.000 ha rừng sản xuất. Trung bình mỗi năm người dân trên địa bàn huyện khai thác hơn 25.000 m3 gỗ tròn, giá trị lâm sản ước đạt hơn 36 tỷ đồng/năm. Nghề rừng đã tạo việc làm ổn định cho gần 10.000 lao động tại địa phương.

Hiểu rõ giá trị từ rừng mang lại, huyện Bảo Thắng chuẩn bị rất chu đáo cho lễ phát động Tết trồng cây và đặt mục tiêu phấn đấu cho cả năm.

Tết trồng cây năm nay, huyện Bảo Thắng có kế hoạch trồng hơn 50.000 cây phân tán tại trung tâm huyện và các xã, thị trấn. Các loại cây được trồng ở ven đường, khuôn viên trụ sở cơ quan, nhà văn hóa. Sau Tết trồng cây đầu năm, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung chăm sóc rừng, trồng rừng sau khai thác hơn 20 ha.

Tết trồng cây Xuân Ất Tỵ 2025 được các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đồng loạt tổ chức. Trong đó, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức ngay trong ngày 3/2 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng) - ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán. Điều này sẽ góp phần làm cho không khí xuân thêm rộn rã, ý nghĩa, cũng là khẳng định tầm quan trọng của trồng cây xanh đối với cuộc sống.

Theo đó, ở cấp tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, trường học, công ty, doanh nghiệp đều xây dựng kế hoạch, tổ chức trồng, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên, ven đường và trụ sở cơ quan, đơn vị mình. Tiến hành trồng dặm thay thế những cây không đúng mục đích, cong queo, sâu bệnh, cây chết tạo khuôn viên xanh - sạch - đẹp. UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động rà soát, lựa chọn địa điểm tổ chức lễ phát động Tết trồng cây, hình thức trồng cây phân tán, cây cảnh quan và trồng rừng tập trung với diện tích tối thiểu 0,3 ha.

UBND các xã, phường, thị trấn căn cứ điều kiện của từng địa phương tổ chức lễ phát động Tết trồng cây, trồng rừng nhằm thu hút, tạo động lực cho người dân hưởng ứng phong trào trồng cây, trồng rừng trên địa bàn, gắn với việc tuyên truyền về các quy định, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng... Tuyên truyền, vận động mỗi hộ trồng ít nhất 10 cây xanh trong diện tích đất của gia đình.

Theo ông Vũ Hồng Điệp, trồng cây xanh phân tán có nhiều ưu điểm như cây sinh trưởng nhanh, cho sinh khối lớn, tận dụng tối đa quỹ đất. Trồng cây phân tán còn góp phần lấp bù khoảng trống về gỗ nguyên liệu giữa các chu kỳ trồng rừng. Chẳng hạn quá trình phát triển rừng cần tới hơn 10 năm mới cho khai thác gỗ thì cây phân tán sẽ cung cấp nguyên liệu phục vụ các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trong thời gian chờ đó.

Thông qua phát động trồng cây từ đầu năm, phong trào thi đua bảo vệ, phát triển rừng và trồng cây xanh được đẩy mạnh. Qua đó giúp người dân, các cơ quan, đơn vị từng bước tạo môi trường xanh - sạch - đẹp và phát triển kinh tế.

Chỉ tính riêng năm 2024, toàn tỉnh có hơn 40.000 gia đình và hơn 600 cơ quan, đơn vị tham gia phong trào thi đua trồng cây. Kết quả, toàn tỉnh đã trồng được 2,37 triệu cây xanh phân tán (vượt 18,5% kế hoạch năm), cùng với gần 2.000 ha rừng tập trung đã nâng độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đạt 59,2% vào cuối năm 2024.

Với tinh thần, mỗi người trồng và chăm sóc ít nhất một cây xanh, mỗi nhà góp một mảng xanh, mỗi khu dân cư góp một vùng xanh sẽ đóng góp thiết thực vào công tác bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/cho-mua-xuan-them-xanh-post396948.html