Chờ ngày mới ở những bản đồng bào Mông
Văn hóa và Đời sống - Mùa Xuân và Xía Nọi là 2 bản người Mông ở khu vực biên giới khó khăn bậc nhất của xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn.
Đồng bào Mông bản Mùa Xuân sống biệt lập với bên ngoài, bốn bên đều là rừng núi
Sau khi đổ 3 chai xăng, theo anh Thao Văn Công, dân tộc Mông ở bản Mùa Xuân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Sơn Thủy, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình lên bản người Mông.
Sau gần một tiếng rưỡi, vượt quãng đường hơn 24 km đường quanh co, chúng tôi mới có mặt tại bản Mùa Xuân. Đứng trên đỉnh núi cao, phóng tầm mắt về trước là những mái nhà lợp gỗ, vách nứa cũ kỹ, nằm lọt thỏm giữa rừng già. Con đường đất vào từng nhà dân nhỏ như sợi chỉ, có đoạn phải băng qua suối nhỏ mới đến được hộ bên kia.
Từ bao đời nay, người dân đồng bào Mông bản Mùa Xuân ăn đời ở kiếp trên mảnh đất này, cuộc sống nương rẫy khó khăn, lại nằm biệt lập bốn bên đều là đồi núi, địa hình, giao thông đi lại phức tạp khiến cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Anh Thao Văn Công cho biết hiện nay bản Mùa Xuân chưa có điện lưới, đường và trạm y tế, trường học còn hết sức khó khăn. Trong nếp nhà cũ kỹ, lụp xụp, anh Thao Văn Dia, Bí thư kiêm Trưởng bản Mùa Xuân cho chúng tôi biết bản có 114 hộ với 525 khẩu. Ở đây do một số công trình nước sinh hoạt tập trung xuống cấp không sử dụng được, người dân phải nối ống lên khe suối dẫn nước về dùng.
Anh Dia chia sẻ, vào mùa mưa đường xá đi lại khó khăn, người dân không thể vào ra bản được, nguồn lương thực chủ yếu phụ thuộc vào phát nương làm rẫy, một số hộ trồng thêm ít lúa, ngô dự trữ cho mùa giáp hạt. Còn lại chăn nuôi chuồng trại nhỏ lẻ xung quanh nhà.
Sau giờ cơm, sợ trời đổ mưa nên chúng tôi tiếp tục hành trình vào bản Xía Nọi. Từ bản Mùa Xuân đến Xía Nọi chỉ 5 km, tuy nhiên phải mất nửa tiếng đoàn mới đến nơi. Để đến được bản Xía Nọi phải băng qua những con đường nhỏ, vượt qua con suối, mùa mưa nước lớn, bản gần như bị cô lập.
Do điểm lẻ trường mầm non bản Mùa Xuân xuống cấp, hư hỏng nặng, các em được bố trí học tạm tại điểm trưởng lẻ tiểu học cũ
Trưởng bản Xía Nọi Sung Văn Cấu cho biết bản hiện có 35 hộ với 168 khẩu, ngoài giao thông đi lại khó khăn, những nhu cầu thiết yếu như đường điện, trạm y tế, truyền hình… cũng là niềm mong mỏi bấy lâu của người dân.
Những năm qua người dân thường xuyên được cấp giống ngô, lúa để chủ động canh tác, nhờ vậy cũng không còn lo thiếu đói mùa giáp hạt. Tuy vậy, do đường xá đi lại khó khăn, tập tục canh tác manh mún nên năng suất thấp. Vất vả hơn nữa, những lúc ốm đau người dân di chuyển xuống trung tâm xã đường vừa xa, lại xấu.
Để vào được bản Xía Nọi, con đường duy nhất là băng qua đường rừng, qua suối, mùa mưa việc đi lại trở nên rất khó khăn
Phong tục tập quán lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ, trình độ dân trí thấp, lại chưa được đầu tư đồng bộ về hệ thống điện, đường, trạm y tế… khiến cuộc sống đồng bào Mông hai bản Mùa Xuân và Xía Nọi gặp rất nhiều khó khăn.
Trao đổi vấn đề này, ông Hà Văn Thể, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy cho biết: “Chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa, đầu tư hạ tầng điện, đường, trạm để bà con có một cuộc sống tốt hơn”.
Tỉ lệ hộ nghèo tại bản Xía Nọi vẫn còn ở mức cao
Ông Mạc Văn Tới, Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quan Sơn cho biết tại bản Mùa Xuân, Sở Công thương đang triển khai dự án đầu tư lưới điện. Còn tại bản Xía Nọi, hiện tại huyện đang xin chủ trương, kinh phí hỗ trợ đầu tư lưới điện.
Còn về hệ thống đường lên bản Mùa Xuân, Xía Nọi, theo ông Tới, huyện đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025, hiện tại đã có một số dự án của Ban Dân tộc tỉnh và một số dự án khác đang triển khai thi công…