Chỗ ngồi nào an toàn nhất trên máy bay

Các chuyên gia hàng không giải đáp thắc mắc của hành khách về vị trí an toàn trên máy bay và đưa ra một số lời khuyên đảm bảo an toàn khi máy bay gặp sự cố.

 Nhiều hành khắc thắc mắc đâu mới là chỗ ngồi an toàn nhất trên máy bay. Ảnh: Shutterstock.

Nhiều hành khắc thắc mắc đâu mới là chỗ ngồi an toàn nhất trên máy bay. Ảnh: Shutterstock.

Đi máy bay vốn rất an toàn, nhưng những lo ngại lần đây liên quan sự cố cửa phụ máy bay Alaska Airlines bị bung và vụ cháy máy bay Japan Airlines khiến nhiều người đặt ra câu hỏi chỗ ngồi nào mới thực sự an toàn trên máy bay, và chúng ta cần làm gì trong những trường hợp khẩn cấp.

Theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, năm 2022 nước này có gần 8,4 triệu chuyến bay hoạt động và chỉ xảy ra 20 vụ tai nạn hàng không, một trường hợp trong số đó tử vong.

Tuy nhiên, điều các phi công thực sự lo sợ là những cú va chạm gần. Sau những sự cố tương tự vụ tai nạn của Japan Airlines, các chuyên gia an toàn hàng không rất hiểu tâm lý của mọi người khi muốn biết chỗ ngồi nào trên máy bay là an toàn nhất.

Tuy nhiên, thắc mắc này sẽ không có câu trả lời thỏa đáng, một phần lý do là các trường hợp khẩn cấp trên không rất khó dự đoán, lại hiếm khi xảy ra để các chuyên gia đo lường độ an toàn cho từng vị trí ngồi.

"Thực sự là không có chỗ ngồi nào an toàn nhất", PGS Anthony Brickhouse, Giám đốc Phòng thí nghiệm Pháp y Hàng không của Đại học Hàng không Embry-Riddle, Daytona Beach (Mỹ) nói với Wall Street Journal.

 Một bộ phận trên máy bay Boeing 737 Max 9 bất ngờ bật tung. Ảnh: New York Times.

Một bộ phận trên máy bay Boeing 737 Max 9 bất ngờ bật tung. Ảnh: New York Times.

Không có chỗ an toàn nhất, nhưng vẫn có chỗ an toàn hơn một chút

Bàn về sự cố trên chuyến bay Alaska 1282 khởi hành từ Portland (bang Oregon, Mỹ) hôm 5/1, một số chuyên gia kỳ cựu trong ngành hàng không cho biết họ rất ngạc nhiên khi biết tin vụ việc.

Hôm đó, một bộ phận của máy bay Boeing 737 Max 9 bất ngờ "xé toạc" giữa không trung. Vị trí xảy ra sự cố gần cửa số ghế 26A, rất may mắn là không hành khách nào ngồi ở vị trí đó và vị trí liền kề.

Bộ phận bị bung khỏi máy bay có kích thước bằng cửa thoát hiểm, dài khoảng 1,2 m và được dùng như một loại cửa phụ để thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp.

Khi cho máy bay hạ cánh để kiểm tra, Alaska Airlines và United Airlines phát hiện phần chốt ở bộ phận này bị lỏng nên mới xảy ra tình huống hy hữu như vậy. May mắn là không hành khách nào trên chuyến bay bị thương nặng.

Là nhà điều tra sự cố hôm 5/1 vừa qua, PGS Anthony Brickhouse cho biết những sự cố như vậy rất bất thường. Khi vụ việc xảy ra, không ai có thể biết trước mọi việc sẽ diễn biến như thế nào.

"Nếu bạn cho tôi biết máy bay sẽ rơi thế nào thì may ra tôi còn cho bạn biết ngồi ở đâu mới an toàn", PGS nói.

Từ sự cố này, PGS Brickhouse nói rằng phần phía sau máy bay sẽ an toàn hơn, tiếp đó là những chỗ ngồi gần cánh máy bay. Lý do là cấu trúc chắn chắn của cánh máy bay có khả năng chịu va chạm tốt hơn.

PGS cũng sẽ ưu tiên những hàng ghế ở vị trí cửa thoát hiểm để có thêm chỗ để chân và cơ hội thoát hiểm nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp.

 Bộ phận bị bung trên chiếc Boeing 737 MAX 9 của hãng Alaska Airlines được tìm thấy cạnh nhà dân ở Portland, Oregon, ngày 8/1. Ảnh: Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ.

Bộ phận bị bung trên chiếc Boeing 737 MAX 9 của hãng Alaska Airlines được tìm thấy cạnh nhà dân ở Portland, Oregon, ngày 8/1. Ảnh: Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ.

Đừng bỏ qua hướng dẫn an toàn bay

PGS Brickhouse và các chuyên gia trong ngành hàng không khuyên hành khách nên tập trung nhiều hơn vào hướng dẫn an toàn bay của các hãng hàng không. Ông nhận thấy hầu hết hành khách, đặc biệt là những người đi máy bay thường xuyên, sẽ không để ý đến những nội dung này.

Trước khi bay, tiếp viên hàng không thường xuyên nhắc hành khách thắt dây an toàn khi ngồi và tìm lối thoát hiểm gần chỗ ngồi nhất nếu gặp sự cố. Tuy nhiên, ông Brickhouse nhận thấy khi có sự cố, nhiều hành khách có xu hướng chạy về phía cửa thoát hiểm trước máy bay thay vì tìm cửa gần nhất.

"Về mặt tâm lý, con người thích rời khỏi máy bay theo lối mà họ đã đi vào. Chúng ta cần cảnh giác, chú ý và nhận thức được điều gì đang xảy ra", PGS phân tích.

Thêm một mẹo khác khi thoát hiểm là đếm số hàng để đến lối thoát hiểm gần nhất. Giáo sư Graham Braithwaite tại Đại học Cranfield (Anh) cho biết ông để ý một số hãng hàng không đề nghị khách hàng chủ động đếm số hàng để ra lối thoát hiểm, ngay cả khi lối thoát hiểm nằm ngay sau chỗ ngồi.

Lý giải cho điều này, giáo sư kể lại vụ cháy máy bay của hãng British Airtours ở sân bay Manchester (Anh) vào năm 1985. Khi đó, hành khách cuối cùng thoát khỏi vụ cháy cho biết anh luôn đếm các hàng ghế cho đến lối ra gần nhất. Khi khói tràn vào khoang máy bay, thói quen này đã giúp anh tìm được lối thoát hiểm và an toàn rời khỏi máy bay.

Khi đi du lịch, ông Braithwaite thích ngồi ở vị trí cạnh lối đi và gần lối thoát hiểm. Trong quá trình sơ tán khi gặp sự cố, giáo sư khuyên mọi người phải lắng nghe hướng dẫn của tiếp viên vì họ được phi công chỉ dẫn lối thoát hiểm nào an toàn nhất để sơ tán. Tiếp viên cũng là người có thể xác định thời điểm và vị trí an toàn nhất để mở cửa thoát hiểm.

Thái An

Nguồn Znews: https://znews.vn/cho-ngoi-nao-an-toan-nhat-tren-may-bay-post1454301.html