Cho người dân 'cần câu cá'

10 năm qua, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã trao 'cần câu cá' cho hàng nghìn lao động nông thôn trong tỉnh thông qua hình thức tư vấn, hỗ trợ đào tạo học nghề và kết nối việc làm sau đào tạo. Đồng nghĩa với chừng đó lao động có công ăn việc làm, có thêm thu nhập cho gia đình thêm khấm khá, có tết đủ đầy hơn.

Học viên học nghề sửa chữa xe máy tại Trung tâm Dịch vụ việc làm.

Học viên học nghề sửa chữa xe máy tại Trung tâm Dịch vụ việc làm.

Gặt xong 1.000 m² lúa, gia đình bà Hoàng Thị Chứng, bản Mo 2, xã Quang Huy (Phù Yên) tranh thủ mấy tháng cuối năm làm chổi chít để kiếm thêm tiền tiêu tết. Cặm cụi cả ngày làm chổi, dù hơi mệt nhưng ai cũng vui vẻ, bởi có việc làm thêm thu nhập là niềm hạnh phúc với họ, chứ nhàn chân, nhàn tay, không việc làm lúc nông nhàn như trước đây thì lo chả có gì sắm tết. Vừa hoàn thành chiếc chổi, bà Chứng niềm nở: Mỗi chiếc chổi này có giá 20 nghìn đồng, mà năm nay, nhà tôi làm được khoảng 3.500 chiếc, tính ra cũng được 70 triệu đồng, là số tiền lớn đối với nhà tôi. Gia đình không còn thiếu ăn trong những ngày giáp hạt. Tết đến, có điều kiện mua sắm đầy đủ hơn. May mà năm 2017, tôi được tham gia lớp dạy nghề làm chổi chít tại xã theo Đề án 1956, từ đó đến nay, tôi có việc làm thêm để tăng thu nhập cho gia đình.

Khi năm cũ chỉ còn ít ngày, các học viên lớp sơ cấp nghề sửa chữa xe máy tại Trung tâm Dịch vụ việc đang hoàn thành phần thực hành để chuẩn bị cho kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ nghề. 39 học viên là lao động ở các huyện, thành phố trong tỉnh không mất học phí, được hỗ trợ chỗ ở và chi phí đi lại, gắng học lấy nghề với hy vọng năm tới sẽ có được công ăn việc làm ổn định. Học viên Phàng Lao Xuân, bản Tam Khôn, xã Chiềng Tương (Yên Châu), chia sẻ: Qua facebook của Trung tâm, tôi biết được thông tin tuyển dụng, nên đã làm hồ sơ xin học nghề. Trong quá trình học tập, tôi được chỉ dạy bài bản, nên nắm bắt được kiến thức, thực hành kỹ năng cơ bản để sau này hy vọng có việc làm ổn định.

Bà Chứng, anh Xuân chỉ là một trong tổng số hơn 35.000 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề, 19.000 lao động ở vùng nông thôn của tỉnh được kết nối đi làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh suốt 10 năm (2010-2020) theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956). Với ngành nghề đào tạo phù hợp, chất lượng nguồn lao động được nâng lên, nhiều lao động đã có công việc ổn định, phát huy được năng lực, sở trường, góp phần thoát nghèo bền vững... Điều ghi nhận là, các huyện, thành phố đã gắn đào tạo nghề với nhu cầu lao động việc làm; phối hợp với công ty, doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo và gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Một số nghề sau đào tạo như sửa chữa xe máy, may công nghiệp, cơ khí... có tỷ lệ tìm được việc làm sau đào tạo khá cao; các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, được học viên áp dụng vào sản xuất, từ đó xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Du, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho hay: Việc triển khai Đề án 1956 không những giúp người lao động tìm được việc làm sau đào tạo với mức thu nhập ổn định, mà còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích các thành phần tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đặc biệt, các đơn vị chức năng cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ dịch vụ tìm kiếm, kết nối việc làm cho người lao động và doanh nghiệp. Sau đào tạo, người lao động tìm được việc làm, tạo lập cuộc sống ổn định, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Chính sách đào tạo nghề theo Đề án 1956 đã tạo “cú huých” trong phát triển kinh tế - xã hội và góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh. Đồng thời, khích lệ ý chí, khơi dậy tinh thần chủ động vượt khó vươn lên thoát nghèo của người dân, để mỗi mùa xuân về cuộc sống thêm ấm no, hạnh phúc.

Trần Hiền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/cho-nguoi-dan-can-cau-ca-37626