Cho người khác mượn thẻ Bảo hiểm y tế có thể bị xử lý hình sự
Các ngành chức năng cần phối hợp xử lý nghiêm hành vi mượn thẻ BHYT của người khác đi khám chữa bệnh để tạo sự công bằng cho người tham gia BHYT và đảm bảo an toàn cho quỹ.
Tại Điều 84 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế đã quy định, hành vi cho người khác mượn thẻ Bảo hiểm Y tế (BHYT) hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong khám chữa bệnh sẽ bị phạt tiền theo một trong các mức sau đây: Từ 1-2 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ BHYT; từ 3-5 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại đến quỹ BHYT.
Cùng với quy định về xử lý hành chính, theo Bộ luật Hình sự, nếu số tiền chiếm đoạt lớn hoặc có tính chất chuyên nghiệp cũng như dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt trong việc mượn và cho mượn thẻ BHYT thì người vi phạm sẽ phải đối diện với việc bị xử lý hình sự. Cụ thể, Điều 215 Bộ luật Hình sự về tội “gian lận BHYT” cùng với Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hướng dẫn hành vi “giả mạo thẻ BHYT của người khác để hưởng chế độ BHYT trái quy định” là vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ phạm tội, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Theo BHXH Việt Nam, tình trạng gian lận, trục lợi quỹ BHYT ngày càng phức tạp, tinh vi, gây tổn hại cho quỹ cũng như quyền lợi của người tham gia BHYT. Tình trạng gian lận, trục lợi xảy ra tại 2 quá trình chính gồm: Trục lợi trong tham gia BHYT (thu/đóng BHYT, phát hành thẻ BHYT) và trục lợi trong khám chữa bệnh BHYT.
Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này vừa ban hành quyết định xử phạt ông Trần Phúc (ngụ Khu phố 3, phường Phú Hữu, quận 9) 4 triệu đồng vì vi phạm quy định KCB BHYT theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Trước đó, ông Phúc đã cho một người bạn mượn thẻ BHYT để đến BV quận 2 KCB. Hành vi này của bạn ông Phúc dù đã thực hiện trót lọt, được BV khấu trừ chi phí KCB và thuốc BHYT, nhưng sau một thời gian đã bị phát hiện và Thanh tra Sở Y tế lập tức vào cuộc.
Ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính, Thanh tra Sở Y tế cũng buộc ông Phúc phải hoàn trả trên 20,8 triệu đồng vào tài khoản thu của quỹ BHYT tại BV quận 2.
Theo phản ánh của các BHXH địa phương, để xảy ra tình trạng mượn thẻ BHYT là do cơ sở khám chữa bệnh không thực hiện hết trách nhiệm của mình, trong khi một số người dân chưa hiểu rõ quy định pháp luật...
Chính vì vậy các ngành chức năng cần phối hợp xử lý nghiêm hành vi mượn thẻ BHYT của người khác đi khám chữa bệnh để tạo sự công bằng cho người tham gia BHYT và đảm bảo an toàn cho quỹ.