Cho những cánh đồng xanh lại

Thời điểm này, nông dân trong tỉnh đang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo, hướng dẫn một số giải pháp giúp phục hồi sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Thấy mực nước sông Lục Nam xuống thấp hơn những ngày trước, sáng 15/9, hai vợ chồng ông Nguyễn Xuân Hiền, thôn Hòa Nội, xã Khám Lạng (Lục Nam) thu gom bạt ni-lông trên cánh đồng trồng hoa đã bị nước lũ nhấn chìm trước đó. Người lấm lem bùn đất, ông Hiền nói: “Nhà tôi trồng gần 6 sào lúa, hoa dơn, dưa hấu trên cánh đồng ven sông Lục Nam. Mưa bão làm tất cả cây trồng tại đây ngập úng, bị bùn đất che lấp trong nhiều ngày, hư hại hết. Nước rút dần, chúng tôi đi thu gom bạt ni-lông vì để càng lâu càng khó xử lý. Sau khi nước rút hoàn toàn sẽ tiếp tục trồng hoa để kịp cung cấp cho thị trường dịp Tết Nguyên đán năm 2025. Vì trồng hai vụ gối nhau liên tục và vùng sản xuất bị ảnh hưởng bởi mưa lũ nên chúng tôi sử dụng vôi bột, chế phẩm để xử lý đất, lựa chọn giống chất lượng".

 Ông Nguyễn Xuân Hiền, thôn Hòa Nội, xã Khám Lạng (Lục Nam) thu gom bạt ni-lông trên ruộng hoa dơn bị ngập úng.

Ông Nguyễn Xuân Hiền, thôn Hòa Nội, xã Khám Lạng (Lục Nam) thu gom bạt ni-lông trên ruộng hoa dơn bị ngập úng.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà Lương Thị Dung, thôn Mười Bảy, xã Yên Sơn (Lục Nam) ra chăm sóc ruộng hành. Bà xới nhẹ bề mặt luống giúp đất tơi xốp, không cuốc sâu vì có thể làm đứt rễ cây. Trồng hành cần tưới ẩm nhưng cây không ưa ngập úng, vì thế, ngoài bơm thoát nước, bà còn bón thêm tro, trấu lên bề mặt luống để tăng hiệu quả hút nước. Trong tháng 9, gia đình bà tiếp tục trồng thêm hành để có nguồn nông sản cung cấp cho thị trường.

Lo ngại thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường, bà Dung lựa chọn các khu ruộng cao, dễ tiêu thoát nước để trồng. Khảo sát thêm một số diện tích canh tác rau màu ở các xã: Bắc Lũng, Đông Hưng, Đông Phú, Lục Sơn, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam)… nhận thấy, một số cánh đồng nước lũ đã rút, người dân đang dọn sạch cỏ, thu cắt cành bị gãy để tạo độ thoáng giữa các cây, hạn chế sâu bệnh; thay thế rau màu bị hư hại bằng các loại rau ngắn ngày như rau cải, rau muống, rau gia vị...

Do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau bão, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có diện tích lúa bị thiệt hại nặng, trong đó nhiều nhất là huyện Hiệp Hòa với gần 5 nghìn ha ngập úng, đổ (tập trung tại các xã: Hợp Thịnh, Thanh Vân, Đồng Tân, Hòa Sơn…). Hiện nước đã rút trên một số cánh đồng nhưng lúa bị đổ, dính đầy bùn đất.

Những ngày này, cán bộ phụ trách sản xuất nông nghiệp từ xã đến thôn trên địa bàn huyện Hiệp Hòa đều đồng hành cùng người dân để “cứu” diện tích lúa ở nơi thoát nước kịp thời, có khả năng hồi phục. Như ở xã Thanh Vân, cán bộ Hội Nông dân, cán bộ phụ trách khuyến nông thường xuyên bám đồng, hướng dẫn nông dân tiếp tục bơm tiêu thoát nước; té nước rửa lá, loại bỏ bùn đất, rong rêu giúp cây quang hợp tốt.

 Người dân thôn Gai Bún, xã Đào Mỹ (Lạng Giang) buộc lúa bị gãy, đổ.

Người dân thôn Gai Bún, xã Đào Mỹ (Lạng Giang) buộc lúa bị gãy, đổ.

Tại thôn Gai Bún, xã Đào Mỹ (Lạng Giang), ngay khi nước rút, nông dân bắt tay chăm sóc lúa, hoa màu. Diện tích lúa đổ, gãy đã được buộc túm, dựng lại tạo thành thế chân kiềng để cây đứng vững hơn, tiếp tục phát triển. Màu xanh dần trở lại trên những cánh đồng trong thôn.

Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, trong thời điểm này, người dân nên ưu tiên sử dụng phân NPK chuyên dụng có hàm lượng đạm, kali cân đối, không sử dụng đạm đơn lẻ nhằm hạn chế sâu bệnh hại và đổ ngã cây thời kỳ cuối vụ. Lúa sau khi bị gãy, đổ thường bị rầy nâu gây hại. Vì thế nông dân nên thường xuyên thăm đồng để phát hiện, diệt trừ sâu bệnh kịp thời bằng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép.

Thống kê sơ bộ, đến hết ngày 14/9, toàn tỉnh có gần 19 nghìn ha lúa bị ngập, đổ; gần 2 nghìn ha rau màu ngập úng, hư hại. Nông dân các địa phương đã nỗ lực khắc phục thiệt hại do mưa bão. Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh, UBND các huyện, thị xã, TP cần quan tâm chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã tiếp tục huy động mọi nguồn lực để khôi phục sản xuất nông nghiệp. Đối với diện tích lúa, rau màu ngập úng, hư hỏng hoàn toàn cần hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang trồng rau màu ngắn ngày, cây ưa nước hoặc những loại cây phù hợp với điều kiện canh tác của từng khu vực, bảo đảm đủ nông sản cung cấp cho thị trường trong những tháng cuối năm.

Sau thiên tai thường xảy ra dịch bệnh trên cây trồng, chính quyền địa phương và người dân không chủ quan, lơ là, nên nhanh chóng xử lý môi trường sản xuất để diệt mầm bệnh; lựa chọn cây giống tại những cơ sở uy tín, thực hiện nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong canh tác.

Bài, ảnh: Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/cho-nhung-canh-dong-xanh-lai-073258.bbg