Cho những người không thể lên tiếng

Hôm nay 22/8, Tòa phúc thẩm Paris (Pháp) sẽ đưa ra phán quyết liên quan đến vụ kiện của bà Trần Tố Nga, một công dân Pháp gốc Việt chống lại 14 tập đoàn hóa chất đa quốc gia đã cung cấp cho quân đội Mỹ chất độc dioxin để sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Chất độc da cam/dioxin di chứng sang thế hệ thứ ba, thứ tư ở Hải Dương (ảnh tư liệu)

Chất độc da cam/dioxin di chứng sang thế hệ thứ ba, thứ tư ở Hải Dương (ảnh tư liệu)

Bà Nga đã dành cả sức lực của tuổi già theo đuổi vụ kiện cho cả những người không thể lên tiếng.

Sinh ra tôi, việc đầu tiên khi đón tôi là cha sờ nắn đứa bé đỏ hỏn từ đầu đến chân để chắc chắn rằng tôi không có khuyết tật gì. Cả cha và mẹ tôi đều đã từng công tác, chiến đấu ở "chảo" chất độc da cam Quảng Trị trong những năm khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ. Lo lắng của cha cũng như của hàng nghìn người cha, người mẹ khác không may là nạn nhân chất độc da cam.

Ghim sâu nỗi lo lắng từ cha, từ khi mang thai các con, tôi đều phải thăm khám, chụp soi kỹ lưỡng bào thai. Khi sinh con ra, tôi cố ngoi dậy để sờ nắn từng đứa con mới yên lòng.

Nỗi lo chất độc da cam di truyền đâu có thừa? Những ngày tác nghiệp, tôi đã gặp biết bao cảnh nhà không biết miêu tả thế nào cho hết nỗi cơ cực do di chứng chất độc da cam. Có ông bà là nạn nhân da cam đang phải trông giữ 3-4 người cháu đều đã 13-15 tuổi nhưng chỉ sống đời "thực vật", không có nhận biết, không có tiếng nói. Có người mẹ đành lòng phải nhốt con mình trần truồng trong căn phòng rỗng không với nền xi măng lạnh ngắt để con được sống sót...

Ở Hải Dương, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hiện còn 11.000 hội viên; có 531 người là thế hệ thứ ba và 7 người là thế hệ thứ tư bị nhiễm chất độc da cam. Con số này có thể nhiều hơn nữa bởi có gia đình không muốn cung cấp thông tin về tình trạng con, cháu của họ. Và sâu thẳm, nhiều gia đình vẫn đang mong lắm một sự hỗ trợ, đền bồi nào đó để vơi bớt khó khăn, làm chỗ dựa cho những người không thể tự mình lên tiếng.

82 tuổi, điều gì khiến bà Trần Tố Nga, nguyên là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, nay là Thông tấn xã Việt Nam theo đuổi vụ kiện chống lại 14 tập đoàn hóa chất đa quốc gia đã cung cấp cho quân đội Mỹ chất độc dioxin để sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam? "Tôi không chỉ đấu tranh vì bản thân, mà còn vì con cái và hàng triệu nạn nhân khác", đó là tuyên bố của bà Nga khi dành cả sức lực, tuổi cao - đáng lẽ để hưởng an nhàn, để kiện những kẻ đã khiến bà bị chất độc da cam tấn công hệ miễn dịch cơ thể, bị tiểu đường tuýp 2 và dị ứng insulin hiếm, hậu quả của nhiễm độc. Bà cũng mắc bệnh lao hai lần, bị ung thư. Cả 3 người con gái của bà đều nhiễm độc, trong đó con gái đầu đã mất khi mới 17 tháng tuổi, 2 người con và cháu ngoại của bà cũng mắc nhiều bệnh do ảnh hưởng của dioxin.

Bà định cư và nhập quốc tịch Pháp. Do đó, vụ khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ của bà Nga diễn ra tại Tòa án thành phố Evry, Cộng hòa Pháp, bởi bà hiện là công dân Pháp.

Phiên tòa này đáng lẽ diễn ra từ tháng 10/2020 nhưng bị hoãn do dịch bệnh Covid-19.

Bà Nga khởi kiện từ năm 2014, yêu cầu các công ty phải chịu trách nhiệm vì đã gây tổn thương sức khỏe cho bà và con cái, cũng như vô số nạn nhân khác, đồng thời phải chịu trách nhiệm vì hủy hoại môi trường.

Tuổi cao nhưng bà Nga đã kiên cường đi qua phiên điều trần tại Tòa phúc thẩm Paris sáng 7/5/2024 kéo dài trong gần 4 giờ với bằng chứng cụ thể là cơ thể bà bị tàn phá do chất độc da cam. Tại phiên phúc thẩm này, nhiều chính trị gia, dân biểu của Paris và thành phố lân cận, cùng đại diện các đảng phái cánh tả, các nhà hoạt động phong trào đấu tranh vì môi trường đã tới tham dự và bày tỏ sự ủng hộ bà Nga. Những người ủng hộ bà Nga đến rất đông, gồm đa số là người nước ngoài và chờ cho đến khi kết thúc, cho thấy bà Nga không đơn độc.

Đây là vụ kiện của một cá nhân, nhưng người phụ nữ nhỏ bé, kiên cường ấy dù tuổi đã cao, sức đã yếu vẫn đứng ở phía bao người không thể lên tiếng, hàng nghìn gia đình đang chờ một phán quyết chính nghĩa.

Tôi và rất nhiều người khác, dù may mắn không bị ảnh hưởng bởi di chứng chất độc da cam nhưng cũng đang trông chờ và sẵn sàng lên tiếng vì một phán quyết công bằng dành cho bà Nga và những nạn nhân da cam đang cơ cực vật lộn với ốm đau, bệnh tật.

Năm 2014: Bà Trần Tố Nga đệ đơn kiện chống lại 14 công ty hóa chất Mỹ (ban đầu là 26 công ty, sau đó có 12 công ty đã không còn hoạt động) tại Tòa án Ervy (ngoại ô Paris), nơi bà cư trú.

10/5/2021: Tòa án Ervy ra phán quyết khẳng định họ không có thẩm quyền xét xử, với lý do các công ty bị buộc tội được hưởng "quyền miễn trừ tài phán", và việc họ tuân theo lệnh của quân đội Mỹ cho phép loại trừ họ khỏi mọi trách nhiệm.

7/5/2024: Phiên tòa phúc thẩm ở Paris cho biết sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 22/8/2024.

LINH AN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/cho-nhung-nguoi-khong-the-len-tieng-390905.html