Cho những người phụ nữ

Còn hai ngày nữa mới tới ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, vẫn cứ được gọi ngắn gọn là ngày Phụ nữ Việt Nam, nhưng hoa đã bày bán khắp dọc các nẻo đường đi.

"Thiếu phụ bên bình hoa" - tranh sơn dầu của Lê Phổ.

"Thiếu phụ bên bình hoa" - tranh sơn dầu của Lê Phổ.

Tôi vẫn gọi những ngày kiểu như thế là những ngày phù phiếm. Những bó hoa được bày bán dọc đường cũng như những bó hoa trưng sau cửa kính của những tiệm hoa đắt tiền, rồi sau vài bữa sẽ đều ngụ nơi thùng rác. Rồi sẽ lại nhìn thấy, những người phụ nữ lui cui ở đống rác, bới lấy những bó hoa vừa được ném ra khỏi nhà để thu chút ít nilon, thấy trong lòng hẫng đi một nhịp, thương những người phụ nữ có lẽ chưa bao giờ được nhận món quà nào.

Có lẽ họ cũng không cần đến những bó hoa lộng lẫy đó, thực ra vẻ lộng lẫy bởi giấy bóng kiếng thôi chứ những bông hoa có khi không tươi đẹp bằng mấy bông hồng mua nhanh ngoài chợ để về trưng trong nhà. Có lẽ họ cần những thứ thiết thực hơn, tấm áo manh quần, bữa trưa hay cốc nước, hoặc một khoản tiền nho nhỏ để thêm thắt vào các khoản chi tiêu. Có lẽ họ cũng không cần những lời chúc rằng hãy xinh đẹp, trẻ trung; họ cần một sức khỏe để có thể cáng đáng muôn việc ngày thường; họ muốn những tháng ngày êm ả, có cơm ăn, áo mặc, nhà cửa thuận hòa, gia đình êm ấm, với phụ nữ, không có điều gì đáng mong hơn những điều đó.

Những người phụ nữ đã tự tìm đến những bó hoa được vứt bỏ để kiếm phần “quà” cho chính mình có khác gì những người mẹ như mẹ tôi, người chưa bao giờ được tôi tặng quà hay chúc mừng đúng dịp, thường là sớm quá hoặc là muộn quá hay là quên cả đi. Nhưng chẳng bao giờ đòi hỏi hay giận dỗi, chỉ nghe con cái gọi là chạy tới vô điều kiện.

Hay một mẹ của người bạn, đã hơn tám mươi tuổi vẫn sống một mình lặng lẽ trong căn nhà nơi ngõ nhỏ, ngóng về những đứa con, ở cách xa đến cả chục nghìn cây số… Người mẹ làm tôi cảm động vì nỗi cô đơn mà đem cả những chuyện trong nhà ra kể với một người không mấy thân cận ấy là tôi.

Nên tôi vẫn không ngừng tự vấn, rằng sao người ta có thể cầm súng bắn vào nhau, bởi như ai đã nói, dù ở phía bên nào, đó cũng là một con người, phía sau họ cũng là một người mẹ. Sao có thể làm được điều ác với ai hay nghĩ điều gì độc địa cho họ, bởi dẫu thế nào, họ cũng là con của một người mẹ, mà với những người mẹ thì con cái muôn đời bé bỏng, có thể giận nhưng không bao giờ ghét bỏ, xa lánh.

Những người phụ nữ nhỏ bé như nhiều bạn bè, tôi, dù sức lực có thể kém xa các đấng nam nhi, những sức chịu đựng thì vượt xa nhiều cây số, dù đau khổ nhưng không bao giờ đánh mất niềm tin, không chỉ kiên cường vượt qua nhiều gian khó của đời sống, mà còn truyền cho người khác sức lực để sống sót.

Cũng như nhiều phụ nữ bất hạnh khác, đã cam chịu, đã nín nhịn, đã hy sinh rồi rốt cuộc vẫn phải đương đầu với đổ vỡ; những người phụ nữ đã sống gần như cả cuộc đời mình cho người khác, luôn đứng ở phía sau, làm hậu trường, làm bệ phóng, không cần được nhớ mặt kể tên.

Tôi muốn những người phụ nữ vĩ đại ấy luôn nhớ đến câu nói cũ mỗi khi cuộc đời quá đỗi nhọc nhằn, đại khái rằng đàn bà sao phải so đo với đàn ông chứ, bởi họ ưu việt hơn nhiều: đưa cho họ một mớ thực phẩm, họ biến thành một bữa ăn ngon, đưa cho miếng vải, lập tức họ biến thành manh áo... Hay như những vần thơ rất hóm hỉnh của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh trong “Thơ vui về phái yếu”:

Chúng tôi là những người đàn bà bình thường trên Trái đất.

Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hằng ngày

Chúng tôi chẳng có tàu ngầm, tên lửa, máy bay

Càng không có hạt nhân nguyên tử

Chúng tôi chỉ có chậu có nồi có lửa

Có tình yêu và có lời ru...

Tôi không phải là kẻ thích đứng ra hô hào đấu tranh vì chủ nghĩa công bằng, và bình quyền nam nữ trong xã hội; cũng không thích cổ súy phụ nữ vứt bỏ cuộc sống gia đình để tự do; nhưng tôi luôn muốn họ biết tận hưởng cuộc sống, biết cân bằng giữa hy sinh và lợi ích cá nhân. Nhất là cho đến ngày nay, khi trong xã hội, có quá nhiều gánh nặng trút lên vai người phụ nữ.

Hơn tất cả, tôi mong cho mọi người phụ nữ đều hạnh phúc, nhưng có lẽ, để đạt được điều ấy, tôi phải quay lại chúc ngược những người đàn ông, là hãy sống cho đáng sống, khi thì bánh mì khi thì hoa hồng, hãy biết dâng tới bên người đàn bà của họ!

Bùi Lan

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cho-nhung-nguoi-phu-nu-post492269.html