Cho phép hiệu trưởng, hiệu phó dạy thêm: Lãnh đạo trường lấy thời gian ở đâu?

Theo lãnh đạo một số trường phổ thông, với vai trò lãnh đạo nhà trường, phó hiệu trưởng rất bận rộn với công việc ở trường và gia đình...

Theo quy định tại khoản 2, Điều 4, Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT hoạt động dạy thêm, học thêm không tổ chức đối với học sinh bậc tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Tuy nhiên, vừa qua tại Điều 4 Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm đã có những quy định mở. Theo đó, "Tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học...", trích dự thảo.

Bên cạnh đó, Điều 5 của dự thảo cũng cho phép phó hiệu trưởng, hiệu trưởng được dạy thêm ngoài nhà trường. Song song với đó, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải báo cáo với quản lý cấp trên và chấp hành các quy định về dạy thêm, học thêm. [1]

Liên quan đến nội dung nêu trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với một số thầy cô là lãnh đạo nhà trường để có những góc nhìn xoay quay nội dung trên.

 Hình ảnh minh họa

Hình ảnh minh họa

Theo cô Vũ Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), nội dung dự thảo quy định cho giáo viên tiểu học được dạy thêm là quy định mới. Cô Thanh nhận thấy điều này phù hợp với thực tiễn.

Theo đó, có nhiều bậc phụ huynh bận công việc gia đình, cá nhân, nên họ mong muốn gửi con cho các thầy cô giảng dạy.

Bên cạnh đó, có những phụ huynh cho rằng, kiến thức ở trên lớp là chưa đủ với con em họ hoặc con chậm tiếp thu kiến thức. Từ đó, họ có mong muốn giáo viên bồi dưỡng thêm kiến thức cho con. Trong trường hợp, phụ huynh gửi con đến trung tâm, lớp học để bồi dưỡng, họ có thể không yên tâm về trình độ nghiệp vụ sư phạm của giáo viên.

"Thực tế trong cuộc sống, bố mẹ có con đang học tiểu học, thường họ phải đi làm mưu sinh, việc đón đưa có người phải nhờ người thân, nếu không cũng khó cho họ.

Giả dụ, với học sinh của nhà trường, thời gian tan trường là 16h30, phụ huynh đón con cũng gặp khó khăn bởi có thể họ chưa tan ca hoặc phải làm thêm giờ", cô Thanh chia sẻ.

Cô Thanh cho rằng, nội dung dự thảo quy định, giáo viên dạy thêm không dạy trước những kiến thức hoặc đưa những kiến thức dạy thêm để kiểm tra trên lớp là hợp lý.

Bên cạnh đó, cô Thanh cho rằng, cần phân loại học sinh để dạy theo năng lực tiếp thu của học sinh, từ đó có những bài giảng dạy phù hợp với các em.

"Nội dung của dự thảo đi vào thực tiễn sẽ tốt hơn là để giáo viên dạy chuivì có những sự rủi ro tiềm ẩn", cô Thanh cho hay.

Phó hiệu trưởng, hiệu trưởng có chuyên môn cao, dạy thêm ngoài trường sẽ tốt cho học sinh?

Tại khoản 2, khoản 3, Điều 5 của dự thảo đề xuất hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được giảng dạy thêm nhà trường và phải báo cáo lãnh đạo quản lý cấp trên về việc này.

Về nội dung nêu trên, cô Vũ Thị Thanh đồng tình với nội dung này của dự thảo, đó là thực tế đang tồn tại và cần có giải pháp quản lý. Thầy cô có quỹ thời gian rảnh, họ có thể tham gia dạy thêm.

"Nếu phó hiệu trưởng, hiệu trưởng được dạy thêm, tôi nghĩ là cũng tốt bởi họ có chuyên môn cao. Yếu tố này sẽ giúp bồi dưỡng học sinh được tốt hơn.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục tiểu học không tổ chức dạy thêm, hoc thêm trong nhà trường. Tuy nhiên, ở ngoài nhà trường, có những tổ chức, cá nhân vẫn tổ chức cho học sinh học thêm. Vì vậy, việc có cơ chế cho giáo viên tiểu học giảng dạy thêm ở ngoài trường là tạo sự pháp lý để quản lý tốt, rất phù hợp", cô Thanh chia sẻ.

Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, cô Thanh cho biết, cô có mẹ già, nên cô hằng ngày đều cố gắng giải quyết xong công việc của nhà trường. Bên cạnh đó, cô cũng tham gia các chương trình hoạt động của ngành giáo dục nên thời gian rảnh rỗi là rất ít.

"Ngoài việc tôi giảng dạy số tiết theo quy định với Hiệu trưởng là 2 tiết/tuần, tôi không có thời gian để tham gia dạy thêm ở ngoài", cô Thanh cho biết.

Nữ hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Bình cho biết, nhà trường có hai phó hiệu trưởng, trong đó, một cô có mẹ già, cô còn lại thì chồng đi làm xa và con còn nhỏ. Vì vậy, phó hiệu trưởng của nhà trường khó có thể tham gia dạy thêm.

Theo thầy Lê Cù Toàn (Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học cơ sở Hồng Thái, Na Hang, Tuyên Quang) cho biết, giáo viên ở vùng cao không có giảng dạy thêm, học thêm, bên cạnh đó nhà trường vận động học sinh đến trường vẫn còn khó khăn. Việc dạy thêm, học thêm chỉ phù hợp với địa bàn khu vực thị trấn và nơi miền xuôi.

"Địa phương chủ yếu là người Dao và người Mông, hai cấp học của nhà trường có khoảng 300 học sinh.

Tôi thấy đề xuất cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dạy thêm ở ngoài là tốt, để cho họ có thêm thu nhập và họ có chuyên môn cao, sẽ bồi dưỡng tốt cho học sinh", thầy Toàn chia sẻ.

Theo phó hiệu trưởng nhà trường, đơn vị là trường liên cấp, chỉ có một hiệu trưởng và hai hiệu phó phụ trách hai cấp học nên khối lượng công việc sẽ nhiều hơn.

Ví dụ như giáo viên và lãnh đạo nhà trường phải đi tập huấn chương tình sách giáo khoa mới, bên cạnh đó là những buổi tập huấn về giáo dục địa phương, bán trú...

Theo cô Trần Thị Thoa (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Tiến, Phù Cừ, Hưng Yên), cô mới được về hưu vào tháng 6 vừa qua, với nhiều năm từng giữ vai trò phó hiệu trưởng, cô Thoa nhận định, công việc của phó hiệu trưởng là rất bận rộn.

Theo đó, cô phải tham gia báo cáo cấp trên về các kế hoạch hoạt động của nhà trường. Bên cạnh đó, những năm vừa qua, phó hiệu trưởng cũng tham gia tập huấn của Sở sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018, rồi tập huấn ở Phòng về chuyên đề thay sách giáo khoa... ngoài ra cô phải đứng lớp giảng dạy 4 tiết trong tuần.

"Có tuần tôi đi tập huấn ở Phòng khoảng hai, ba buổi, rồi về trường tôi lại tập huấn cho giáo viên", cô Thoa chia sẻ.

Cô Thoa chia sẻ, công việc của phó hiệu trưởng là rất bận rộn, thậm chí có lúc còn phải đứng lớp thay cho giáo viên. Vì vậy, nếu có quy định cho phó hiệu trưởng giảng dạy thêm ngoài nhà trường, họ cũng khó tham gia.

"Trên địa bàn huyện, có một số trường sáp nhập thành trường liên cấp tiểu học và trung học cơ sở, nhà trường chỉ có một phó hiệu trưởng quản lý cả hai cấp. Như vậy, công việc của phó hiệu trưởng là rất bận rộn, không thể giảng dạy thêm ngoài nhà trường", cô Thoa nói.

Link bài viết tham khảo:

1) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-du-thao-thong-tu-quy-dinh-ve-day-them-hoc-them-119240823111056922.htm

Mạnh Đoàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/cho-phep-hieu-truong-hieu-pho-day-them-lanh-dao-truong-lay-thoi-gian-o-dau-post245201.gd