Cho phép khai quật di tích Trường Lũy Bình Định

Ngày 19/5, thông tin từ Bộ VH,TT&DL cho biết, vừa có quyết định cho phép khai quật khảo cổ 3 địa điểm của di tích Trường Lũy Bình Định

Trường Lũy Bình Định là một bờ lũy dài khoảng 147km - ảnh ITN.

Trường Lũy Bình Định là một bờ lũy dài khoảng 147km - ảnh ITN.

Quyết định cho phép Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ khai quật khảo cổ tại 3 địa điểm của di tích Trường Lũy Bình Định thuộc huyện An Lão, tỉnh Bình Định trong thời gian từ ngày 23/5 đến ngày 30/6.

Diện tích khai quật là 200m2, gồm: Địa điểm đồn H4 (thôn 4, xã An Hưng, huyện An Lão) có diện tích 68m2, gồm 2 hố 32m2 và 36m2; Địa điểm đồn Dông Hầm (thôn 5, xã An Hưng, huyện An Lão) với diện tích 96m2, gồm 4 hố; Địa điểm đồn An Quang (thôn 2, xã An Quang, huyện An Lão) với diện tích 36m2, gồm 3 hố.

Chủ trì khai quật là ông Nguyễn Khánh Trung Kiên - Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.

Trong thời gian khai quật, cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, phải được giữ gìn, bảo quản, tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc.

 Những phiến đá xếp chồng lên nhau thành Trường Lũy - Ảnh: ITN.

Những phiến đá xếp chồng lên nhau thành Trường Lũy - Ảnh: ITN.

Theo Bảo tàng Bình Định, Trường Lũy Bình Định là một bờ lũy dài khoảng 147km, được xây dựng dưới thời chúa Nguyễn và hoàn thành vào thế kỷ 19, còn gọi là đường cái quan thượng.

Trường Lũy Bình Định được đắp bằng đất và đá, nằm về phía đông của dãy Trường Sơn, chạy dài từ huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến huyện An Lão (Bình Định). Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định bắt đầu xây dựng vào khoảng thế kỷ 16, khi ông Bùi Tá Hán (1496 - 1568) lãnh nhiệm vụ của triều đình Lê trung hưng nhậm trấn đạo Quảng Nam (nay là vùng đất thuộc Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên).

Khi đó, để ngăn chặn người thiểu số ở phía tây Quảng Ngãi, Bùi Hán Tá cho đắp các đoạn lũy đất ở những nơi hiểm yếu và đặt một số đồn canh để trấn giữ.

Cuối thời vua Gia Long, đầu thời Minh Mạng, triều đình nhà Nguyễn thuận theo lời tâu của Lê Văn Duyệt cho phép huy động nhân lực gia cố và nối các đoạn Trường Lũy lại với nhau, dựng thêm nhiều đồn, hình thành một hệ thống đồn lũy liên hoàn, vắt ngang miền tây tỉnh Quảng Ngãi, chạy từ huyện Hà Đông (nay là Tam Kỳ, Quảng Nam) đến phía bắc phủ Quy Nhơn (nay là các huyện Bồng Sơn, An Lão, tỉnh Bình Định).

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cho-phep-khai-quat-di-tich-truong-luy-binh-dinh-post731826.html