Công nhận 108 'hóa thạch sống' ở Lâm Đồng là cây di sản Việt Nam
108 cây thông hai lá dẹt có tuổi đời từ 700-1.000 năm, chiều cao lên tới 40m tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà vừa được vinh danh là cây di sản Việt Nam.
Ngày 19/5, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà (Lâm Đồng) tổ chức lễ đón nhận danh hiệu cây di sản Việt Nam cho quần thể 108 cây thông hai lá dẹt cổ thụ. Sự kiện là cột mốc quan trọng khẳng định giá trị sinh học đặc biệt và biểu tượng di sản tự nhiên độc đáo của vùng đất này.

Đại biểu thực hiện nghi thức công bố danh hiệu cây di sản.
Thông hai lá dẹt là loài cây chỉ có ở Việt Nam, chỉ sinh trưởng trên cao nguyên Langbiang và từ lâu đã được các nhà khoa học ví như "hóa thạch sống", "sứ giả thời tiền sử".
Với tên khoa học Pinus krempfii, loài cây đặc hữu này từng khiến giới thực vật học thế giới sửng sốt khi nhà khoa học Pháp Chevalier xác nhận đây là đại diện duy nhất còn sót lại của một chi thực vật cổ đại.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu Mỹ như Krisphind và Litenle thậm chí khẳng định, họ hàng của loài cây này chỉ còn tồn tại trong… hóa thạch.

Đoàn đại biểu chụp hình lưu niệm.
Tại buổi lễ, PGS.TS Trần Ngọc Hải - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã trao bằng công nhận quần thể thông hai lá dẹt là cây di sản Việt Nam cho Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà và đại diện hộ dân bảo vệ rừng. Theo đó, quần thể thông hai lá dẹt được công nhận gồm 108 cây, có tuổi đời từ 700-1.000 năm, chiều cao từ 35-40m.
PGS.TS Trần Ngọc Hải - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: “Danh hiệu Cây Di sản Việt Nam không đơn thuần là sự tôn vinh, mà còn mang ý nghĩa giáo dục và lan tỏa ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, giữ gìn nguồn gen quý hiếm và phát triển du lịch sinh thái bền vững”.

108 cây thông lá dẹt có tuổi đời từ 700 đến 1.000 năm, chiều cao từ 35-40m.
Ông Tôn Thiện An - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà chia sẻ, đây không chỉ là niềm vinh dự cho vườn, mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ về giá trị của những báu vật thiên nhiên mà chúng ta đang nỗ lực gìn giữ.
"Với cán bộ, viên chức nơi đây, thông hai lá dẹt không chỉ là loài cây quý hiếm, mà còn là biểu tượng linh thiêng gắn bó mật thiết với đời sống tâm linh, văn hóa của cộng đồng bản địa", ông An khẳng định.

Ngay sau lễ đón nhận, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà tổ chức phát động trồng 30 cây thông hai lá dẹt cùng 500 cây thông ba lá và năm lá do vườn tự nhân giống dọc quốc lộ 27C và nhiều điểm trong vườn.