Chợ phiên văn hóa: Nhìn từ góc độ du lịch
Trên thực tế, những chợ phiên mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đậm sắc thái vùng miền như: chợ nổi Cái Răng, chợ Âm Dương Bắc Ninh, chợ phiên Bắc Hà… luôn là những điểm đến của khách thập phương. Vì đến chợ nói chung, chợ phiên văn hóa nói riêng, ta sẽ cảm nhận được nhiều giá trị văn hóa của dân tộc, vùng miền…, từ trang phục đặc trưng, ẩm thực đặc trưng, các giá trị văn hóa độc đáo cùng cảnh sắc thiên nhiên riêng có.
Chợ phiên Gia Lai trong lịch sử
Ngày xưa, việc trao đổi hàng hóa ở Gia Lai thường được diễn ra trực tiếp tại làng. Ở vùng phía Đông của tỉnh, thương lái người Kinh từ đồng bằng Bình Định, Phú Yên mang muối, tôm cá khô, chiêng, ché… vào các làng Bahnar, Jrai và các làng người Kinh vùng An Khê đổi lấy lâm thổ sản mang về xuôi bán. Ở phía Tây, người Lào cũng thường sang buôn bán với các dân tộc Gia Lai.
Từ khi lập tỉnh Kon Tum (năm 1913, bao gồm cả Gia Lai), chính quyền bắt những người đi “buôn Thượng” phải nộp thuế môn bài. Để kiểm soát số người len lỏi vào các làng buôn bán mà không chịu đóng thuế, các chợ phiên được lập ra. Ở An Khê, những chợ phiên đầu tiên hình thành vào đầu thập niên 30 của thế kỷ trước gồm: chợ An Khê, chợ Đồn, chợ Cửu An. Đến quý III-1934, thêm chợ Tú Thủy và Mang Yang được lập.
Do ở gần nhau nên chợ An Khê và chợ Đồn thay phiên họp 1 ngày, nghỉ 1 ngày. Các chợ còn lại họp 6 phiên/tháng. Tính theo lịch âm, chợ Tú Thủy họp vào các ngày: 2, 7, 12, 17, 22 và 27. Chợ Cửu An họp vào các ngày: 3, 8, 13, 18, 23 và 28. Chợ Mang Yang họp vào các ngày: 4, 9, 14, 19, 24 và 29. Đến với những chợ phiên này, ngoài các thương lái chuyên nghiệp là đông đảo người Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng. Ai có gì mang ra bán nấy và ai cần gì mua nấy.
Quanh khu vực Pleiku, đến năm 1963, ngoài khu chợ Mới buôn bán sầm uất tại trung tâm thị xã và một số chợ đã có từ trước như chợ Nhỏ, thời điểm này có thêm nhiều chợ mới hình thành như: Đức Hưng, Lệ Chí, Mỹ Thạch, Bầu Cạn, Lệ Cần, Suối Đôi... đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán trong từng tiểu vùng.
Chợ phiên hôm nay: Thực trạng và tiềm năng
Cách đây không lâu, vào trang Facebook của một bạn trẻ, khi thấy những hình ảnh về phiên chợ ở một làng trong tỉnh mà tôi mừng khấp khởi. Tôi bình luận để chúc mừng thì nhận được câu trả lời: “Cô ơi, bọn cháu đang thử nghiệm “chợ phiên” như hôm trước cô gợi ý đấy ạ”. Vậy thì chợ phiên hôm nay đâu phải là cánh cửa hẹp với Gia Lai.
Gia Lai là tỉnh có nhiều dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc lại có nhiều nhóm địa phương với những khác biệt nhất định trong văn hóa truyền thống. Khác biệt đầu tiên là địa hình cư trú không giống nhau: từ triền núi, cao nguyên bazan đến khu vực đồng bằng. Rồi cũng là vùng ấy, nhưng có làng thì chọn để lập ở ven sông, ven suối, làng lại dựa lưng vào một triền đồi, có làng nằm giữa cánh đồng. Ở đấy, ngoài những nét chung thì mỗi tộc người, mỗi cộng đồng, thậm chí là mỗi nhóm dân cư lại có những “lối đi” riêng để sinh tồn và làm phong phú đời sống vật chất, tinh thần của chính mình. Xét dưới góc độ tài nguyên cho du lịch thì đó là những tài sản của riêng họ, chính họ.
Đến nay, chợ phiên văn hóa đầu tiên của Gia Lai vừa được “hạ sinh” nhưng đã mang đến nhiều hy vọng, đó là chợ phiên xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh). Chợ phiên này nằm ở khu vực trung tâm của người Jrai thuộc nhóm địa phương Aráp. Để có được chợ phiên non trẻ này, cộng đồng người Jrai ở đây đã có một sự chuẩn bị tương đối kỹ càng. Từ năm 2018, được chính quyền và đoàn thể các cấp quan tâm hỗ trợ, Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm và đan lát Ia Mơ Nông đã ra đời. Gần đây, Khu du lịch cộng đồng xã Ia Mơ Nông với nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn đã được nhiều người biết đến. Đó là những tiền đề để một chợ phiên với đa dạng các hoạt động văn hóa. Đến chợ phiên Ia Mơ Nông, du khách được hòa mình vào vòng xoang cùng nhịp cồng chiêng dưới ánh lửa bập bùng, được trải nghiệm đi và làm cà kheo, được thỏa sức thưởng thức các món ăn đặc trưng của người Jrai như: cơm lam, thịt nướng, cà đắng, lá mì… Và, trong vô vàn thức có thể ăn, trải nghiệm, mua về, đặc sản của chợ phiên này vẫn là những món hàng là sản phẩm của nghề dệt được làm từ những bàn tay khéo léo của người phụ nữ Jrai.
Dựa trên những tiềm năng sẵn có, ngoài Ia Mơ Nông, Gia Lai còn có những địa điểm có thể khai thác tổ chức chợ phiên như: một làng của xã Kông Lơng Khơng hoặc Tơ Tung (huyện Kbang) lấy văn hóa Bahnar ở phía Đông Trường Sơn làm điểm nhấn cùng sản phẩm văn hóa của các dân tộc từ phía Bắc vào định cư ở Kbang gần nửa thế kỷ qua như Tày, Nùng, Dao…; một làng ở xã Glar (huyện Đak Đoa) đại diện cho văn hóa của người Bahnar ở phía Tây Trường Sơn; một địa điểm ở huyện Chư Prông với những sản phẩm văn hóa đặc trưng của người Jrai Hdrung và các dân tộc Thái, Mường; chợ phiên ở xã Ya Hội, huyện Đak Pơ với văn hóa của người H'Mông làm chủ đạo cùng sản phẩm văn hóa của người Bahnar và các dân tộc trong khu vực…
Với sự nỗ lực của các chủ nhân, hy vọng chợ phiên Ia Mơ Nông sẽ “mạnh khỏe” bền lâu. Bên cạnh đó, với sự đa dạng trong văn hóa tộc người, cảnh quan thiên nhiên, các chợ phiên cùng với một số hoạt động như “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm”, “Sắc màu văn hóa Gia Lai” sẽ là những điểm nhấn cố định cho các tour, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/cho-phien-van-hoa-nhin-tu-goc-do-du-lich-post258188.html