Chợ quê

Như bao ngày thường, vẫn họp từ sáng sớm tinh mơ nhưng những phiên chợ quê ngày giáp Tết Nguyên đán bao giờ cũng đông hơn, vui hơn, hàng hóa đa dạng hơn ... Không khí chợ quê ngày giáp Tết nhộn nhịp, rộn rã nhưng giữ được nét đầm ấm, thân tình, mộc mạc, gần gũi và thân thương.

Tranh minh họa

Vẫn những mặt hàng nông sản vô cùng quen thuộc hằng ngày được bày bán, đó là: Các loại rau củ quả (bắp cải, cải cúc, su hào, cà chua, cà rốt, khoai tây, dưa chuột …), trứng gà, trứng vịt, tôm, cua, cá, ốc, thịt lợn, thịt gà…, khác biệt rõ nét nhất ở chợ quê ngày giáp Tết so với ngày thường đó là có thêm nhiều hàng bán lá dong, ống giang, lạt chẻ sẵn để gói bánh chưng; chuối xanh, bưởi, quả quất để bày mâm ngũ quả; hành khô đổ thành từng đống nhỏ; thịt lợn bày kín phản… Từ ngày hai ba tháp Chạp, các bà, các mẹ đi chợ về đều vui vẻ chia sẻ với mọi người trong gia đình: “Còn cả tuần nữa mới đến Tết nhưng bước chân vào chợ, nhìn thấy những buộc lá dong xếp thành từng chồng, từng chồng; hàng măng, miến, mọc nhĩ í ới mời chào; hàng thịt lợn hẹn khách lấy sỏ lợn, chân giò về bó giò… mới cảm nhận rõ, Tết đã rất cận kề”.

Giống bao làng quê khác, ngày thường chợ quê tôi chỉ họp một lúc buổi sáng, khi mặt trời qua khỏi ngọn tre chợ thưa người dần rồi tan hẳn. Các mặt hàng ở chợ quê chủ yếu là hàng nông sản của người dân trong làng, quanh làng tự sản xuất rồi mang tới chợ bán, mua. Chợ của làng nên nhà xa nhất cách cũng chỉ hơn cây số. Tôi còn nhớ, ngày trước, khi xe đạp, xe máy chưa sẵn, bà tôi, mẹ tôi, thím tôi thường đội thúng, xách làn đi bộ đi chợ. Túi ni lông cũng không sẵn, không nhiều như bây giờ nên rau, củ, quả được đựng trong thúng, trong rổ, trong làn; những món quà quê như bánh rán, bánh cuốn, lá bún… đến lạng thịt, khăn đậu… đều được gói trong những mảnh lá chuối sạch sẽ, thơm nức. Ở chợ quê, nhiều người bán, người mua là hàng xóm láng giềng, phần lớn đều quen tên biết mặt… nên không có cảnh giành giật, tranh mua tranh bán, đánh cãi chửi nhau. Đi chợ quê, người bán cũng là người mua, người mua cũng là người bán. Nhà nào trồng được nhiều rau, mang rau ra chợ bán để mua thịt, mua cá. Nhà nuôi được gà thì mang trứng đi bán để mua rau, mua quả… Là người quen, hàng hóa mang đi bán đều là “của nhà trồng được, nuôi được” nên chuyện mua chịu hoặc sẵn sàng giúp nhau mớ rau, cân cá là chuyện rất đỗi bình thường, quen thuộc. Không chỉ là nơi mua bán, chợ quê còn là nơi người dân trong làng gặp gỡ, thăm hỏi, thông báo với nhau chuyện nhà, chuyện xóm hết sức cởi mở và thân tình. Những ngày giáp Tết chợ quê họp cả ngày. Đi chợ ngày giáp Tết, ngoài mua sắm, mọi người thường hỏi nhau: Nhà bác (nhà cô, nhà chú…) năm nay ăn Tết to không? Sắm Tết đã đủ chưa? Anh em trong nhà có về ăn Tết đầy đủ không?… bên cạnh đó còn có những lời chào, những tiếng reo mừng khi gặp người xa quê lâu ngày mới trở lại… Cùng với chiếc thúng, chiếc làn nặng trĩu, đi chợ quê ngày Tết về các bà, các mẹ vui vẻ kể lại những câu chuyện về người làng, người xóm để mọi người trong gia đình cùng biết, cùng sẻ chia.

Dịp giáp Tết, ngày cuối tuần được nghỉ học, không “ngủ nướng” như trẻ ở thành phố, trẻ quê dậy sớm giúp người lớn quét sân, đun nước, tranh thủ lau dọn nhà cửa. Vui nhất là lúc đón bà hoặc mẹ đi chợ về, khi chiếc thúng nhỏ được hạ xuống, ngoài rau và thực phẩm phục vụ bữa ăn gia đình là những món quà mà ngày thường bọn trẻ luôn ao ước: Khi thì chiếc bánh uôi nhân đậu thịt có cả lạc ăn dẻo mềm, bùi ngậy; khi thì chiếc bánh khúc được nhuộm xanh màu lá phủ xôi trắng bên ngoài; khi thì gói bánh cuốn tráng mỏng, rắc hành phi thơm nức; khi thì gói bún lá chấm với mắm tôm chanh ớt dậy mùi thơm nức… Đặc biệt, trong chiếc thúng của bà, của mẹ còn nặng trĩu: Nào là cân hành để muối dưa; nào là mọc nhĩ, nấm hương, măng khô, miến khô… phía trên miệng thúng là lá dong, ống giang để ông chẻ lạt gói bánh, gói giò… Có thể nói, từ ngày hai ba tháng Chạp đa dạng các mặt hàng phục vụ Tết cùng không khí hân hoan, tưng bừng, phấn khởi theo chân các bà, các mẹ từ chợ về từng ngôi nhà, lan tỏa khắp các xóm nhỏ.

Ngoài lá dong, ống giang, lạt chẻ, nải chuối, quả bưởi… chợ quê ngày Tết giờ còn có thêm hàng quần áo; hàng bán đồ chơi cho trẻ nhỏ; hàng hoa, cây cảnh để cắm, bày Tết… Tất cả tạo cho chợ quê sắc mầu rực rỡ hơn, không khí tươi vui hơn.

Tuy hàng hóa, màu sắc đa dạng hơn xưa nhưng đi chợ quê ngày Tết vẫn cảm nhận được sự gần gũi, thân thương, cảm nhận được niềm vui, sự hân hoan chân thành trên gương mặt, lời nói, qua cách ứng xử, giao tiếp của những người dân quê chịu thương, chịu khó, giản dị, đầy tình yêu thương.

Phiên chợ quê ngày Tết – vui tươi mà gắn kết; nhộn nhịp nhưng vẫn giữ được nét bình dị, mộc mạc; rộn rã, sôi động nhưng vẫn giữ được sự cởi mở và chân thành – đó nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng ở làng quê, mãi tồn tại với thời gian.

Phạm Hiền

Phạm Hiền

Nguồn Hà Nam: http://www.baohanam.com.vn/doi-song/cho-que-20695.html